Tòa án ít tên tuổi sắp ra phán quyết về 'bão thuế' của ông Trump

Tòa án Thương mại Quốc tế tại Manhattan (New York) sẽ tổ chức phiên điều trần lịch sử, xem xét tính hợp hiến của việc áp thuế diện rộng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Mỹ và Trung Quốc ngày 12/5 công bố đã đồng ý tạm ngừng phần lớn các loại thuế quan áp lên hàng hóa của nhau, cho thấy dấu hiệu xoa dịu trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo CNBC.

Động thái này cũng đánh dấu sự hạ nhiệt về nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại toàn cầu khi hầu hết mức thuế quan đối ứng mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra đều đang được tạm ngưng triển khai.

Tuy nhiên, Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT), một cơ quan tư pháp liên bang ít được công chúng biết đến, sắp bước vào tâm điểm của dư luận khi xét xử vụ kiện liên quan đến các mức thuế toàn cầu do Tổng thống Trump ban hành.

Phiên điều trần, diễn ra tại Manhattan vào giữa tháng 5, có thể định hình lại mối quan hệ giữa quyền lực hành pháp và vai trò lập pháp trong chính sách thương mại Mỹ, tờ Wall Street Journal nhận định.

Tư pháp, hành pháp và thực tiễn

Một hội đồng ba thẩm phán sẽ xem xét đơn kiện do công ty nhập khẩu rượu V.O.S. Selections cùng bốn doanh nghiệp nhỏ khác đệ trình. Nguyên đơn lập luận rằng ông Trump đã vượt quá thẩm quyền hiến định khi viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) để áp thuế một cách đơn phương, gây ra các tác động sâu rộng về kinh tế và đối ngoại.

Hồi tháng 4, Tổng thống Trump công bố các mức thuế mà ông gọi là “thuế Ngày Giải phóng”, áp dụng mức 10% với tất cả các quốc gia, và mức cao hơn đối với những quốc gia bị xem là “hành xử không đúng mực”.

Ông Trump viện dẫn IEEPA, vốn là một đạo luật ban hành từ thập niên 1970 nhằm ứng phó với các tình trạng khẩn cấp về kinh tế quốc tế, để thực hiện động thái này. Tuy nhiên, các nguyên đơn cho rằng đạo luật không hề đề cập đến thuế quan, và rằng tổng thống đã đi quá giới hạn của quyền hành pháp.

“IEEPA thậm chí không đề cập đến việc áp thuế”, đại diện pháp lý của nguyên đơn viết trong văn bản gửi tòa. “Không tồn tại bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào, thâm hụt thương mại đã tồn tại hàng thập kỷ mà không gây ra thiệt hại kinh tế rõ rệt”.

 Phía nguyên đơn trong vụ kiện V.O.S cho rằng động thái áp thuế hàng loạt của Tổng thống Trump hồi tháng 4 đã đi quá giới hạn quyền lực hành pháp. Ảnh: Reuters.

Phía nguyên đơn trong vụ kiện V.O.S cho rằng động thái áp thuế hàng loạt của Tổng thống Trump hồi tháng 4 đã đi quá giới hạn quyền lực hành pháp. Ảnh: Reuters.

Các nguyên đơn cho rằng việc Quốc hội trao cho Tổng thống Trump quyền áp thuế trong trường hợp này là hành vi ủy quyền quá mức. “Nếu tồn tại bất kỳ giới hạn hiến pháp nào đối với việc Quốc hội chuyển giao quyền lực thì chính là trong trường hợp này”, nội dung đơn kiện viết, “nơi mà hành pháp tuyên bố quyền gần như vô hạn để tăng thuế và khởi động một cuộc chiến thương mại toàn cầu”.

Ngược lại, Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng IEEPA là cơ sở pháp lý hợp lệ cho tổng thống để điều chỉnh thương mại trong bối cảnh khẩn cấp. “Khi nói đến đối ngoại, việc Quốc hội trao quyền rộng cho nhánh hành pháp là điều thường thấy”, phía chính phủ viết trong bản đệ trình lên tòa.

Chính phủ còn cho rằng tuyên bố tình trạng khẩn cấp là một vấn đề mang tính chính trị, không thuộc thẩm quyền can thiệp của ngành tư pháp. Lập luận này nếu được chấp thuận, có thể hạn chế nghiêm trọng vai trò giám sát của tòa án đối với quyền lực hành pháp, theo Wall Street Journal.

 Bộ Tư pháp Mỹ bảo vệ quyết định áp thuế hàng loạt của chính quyền ông Trump. Ảnh: Reuters.

Bộ Tư pháp Mỹ bảo vệ quyết định áp thuế hàng loạt của chính quyền ông Trump. Ảnh: Reuters.

Nếu tòa án kết luận rằng IEEPA không cho phép Tổng thống Trump áp thuế, chính quyền đương nhiệm có thể bị tước bỏ một trong những công cụ mạnh mẽ nhất từng được sử dụng để điều chỉnh thương mại quốc tế. Điều này cũng sẽ làm lung lay nền tảng pháp lý cho nhiều chính sách tương tự trong tương lai.

Ngược lại, nếu chính quyền ông Trump thắng kiện, đó sẽ là một chiến thắng biểu tượng cho quyền lực hành pháp, đồng thời mở đường cho việc sử dụng rộng rãi IEEPA trong các vấn đề thương mại, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Mỹ.

“Đây là trường hợp điển hình về xung đột quyền lực giữa hai nhánh chính phủ”, ông Lawrence Friedman, luật sư chuyên về thương mại, nhận định. “Kết quả của vụ kiện sẽ định hình ranh giới quyền lực trong nhiều năm tới”.

Tòa án ít người biết song thẩm quyền rộng khắp

CIT thành lập năm 1980, là cơ quan kế thừa của Tòa Hải quan Mỹ, vốn từng hoạt động tại cảng New York khi nơi này là trung tâm nhập khẩu lớn nhất nước Mỹ. Hiện nay, CIT có 14 thẩm phán do sáu đời tổng thống bổ nhiệm, xét xử các vụ việc liên quan đến thuế chống bán phá giá, phân loại hàng hóa và tranh chấp nhập khẩu.

Ba thẩm phán xét xử vụ V.O.S. bao gồm ông Timothy Reif (được Tổng thống Trump đề cử, từng là cố vấn thương mại dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama), bà Jane Restani (bổ nhiệm năm 1983 bởi ông Ronald Reagan), và ông Gary Katzmann (do ông Obama đề cử, có tiếng là cẩn trọng và học thuật).

 Trụ sở Tòa án Thương mại Quốc tế ở Manhattan, New York. Ảnh: Bloomberg.

Trụ sở Tòa án Thương mại Quốc tế ở Manhattan, New York. Ảnh: Bloomberg.

Thông thường, chỉ một thẩm phán xử lý vụ việc tại CIT. Tuy nhiên, những vụ việc mang tính hiến pháp hoặc ảnh hưởng lớn đến quốc gia, như vụ V.O.S., sẽ được xem xét bởi hội đồng ba người.

Tính đến nay, chưa đến một chục vụ kiện liên quan đến mức thuế của ông Trump được đệ trình, chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ và một số quan chức tư pháp bang thuộc đảng Dân chủ. Họ cho rằng mức thuế làm tăng chi phí nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/toa-an-it-ten-tuoi-sap-ra-phan-quyet-ve-bao-thue-cua-ong-trump-post1552794.html