Thỏa thuận Geneva hé lộ ranh giới sức mạnh thuế quan của Tổng thống Trump

Mức thuế quan ba chữ số của Tổng thống Trump đối với các sản phẩm của Trung Quốc đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu, nhưng dường như không dẫn đến những nhượng bộ lớn từ Bắc Kinh.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (giữa) trong cuộc họp báo về đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (giữa) trong cuộc họp báo về đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ New York Times, quyết định áp đặt, rồi rút lại, mức thuế quan ba chữ số đối với các sản phẩm của Trung Quốc trong tháng qua của Tổng thống Trump đã chứng minh sức mạnh và phạm vi toàn cầu của chính sách thương mại Mỹ. Nhưng đó cũng là một minh họa khác về những hạn chế trong cách tiếp cận mà Trung Quốc cáo buộc là hành vi “bắt nạt” của ông Trump.

Mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, mà Mỹ đã tăng lên mức tối thiểu là 145% vào đầu tháng 4, đã khiến nhiều hoạt động thương mại giữa hai nước bị đình trệ. Chúng khiến các công ty phải chuyển hướng kinh doanh trên toàn cầu, nhập khẩu ít hơn từ Trung Quốc và nhiều hơn từ các quốc gia khác như Việt Nam và Mexico. Chúng buộc các nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa và đẩy một số nhà nhập khẩu của Mỹ đến bờ vực phá sản.

Cuối cùng, mức thuế quan này đã chứng minh rằng các doanh nghiệp Mỹ hứng đòn quá đau đớn để Tổng thống Trump có thể duy trì. Chính các quan chức của ông Trump đã nói rằng mức thuế mà tổng thống chọn áp dụng đối với một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là không bền vững và họ đang tìm cách giảm chúng.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới tại Geneva vào cuối tuần qua đã kết thúc với một thỏa thuận giảm thuế đối với các sản phẩm của nhau nhiều hơn dự đoán của nhiều nhà phân tích. Hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế tối thiểu là 30%, giảm từ 145%. Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ xuống còn 10% từ mức 125%. Hai nước cũng đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán để ổn định mối quan hệ.

Vẫn chưa biết những thỏa thuận nào có thể đạt được trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Nhưng các cuộc đàm phán vào cuối tuần vừa rồi và tình trạng hỗn loạn về thuế quan trong tháng qua dường như không tạo ra bất kỳ nhượng bộ nào khác ngay lập tức từ phía Trung Quốc ngoài cam kết tiếp tục đàm phán. Điều đó đã đặt ra câu hỏi liệu sự gián đoạn thương mại trong tháng qua (khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ hủy đơn đặt hàng từ Trung Quốc, đóng băng các kế hoạch mở rộng và cảnh báo giá cả cao hơn) liệu có đáng không.

“Thỏa thuận Geneva cho thấy sự thoái lui gần như hoàn toàn của Mỹ, chứng minh cho quyết định trả đũa mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình”, Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bình luận.

Mặc dù ông Trump và các cố vấn của ông cho rằng Mỹ nắm giữ những quân bài mạnh nhất trong các cuộc đàm phán thương mại, nhưng sự chấp thuận của tổng thống đã tiết lộ một số hạn chế trong tay ông.

Thông qua cái gọi là thuế quan đối ứng và thuế tối đa đối với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ đang sử dụng một chiến lược liên quan đến các cuộc khủng hoảng thương mại sản xuất với hy vọng đạt được những nhượng bộ kinh tế nhanh chóng. Nhưng khi đối đầu với một cường quốc kinh tế có sức mạnh tương tự và có lẽ sẵn sàng chịu đựng đau đớn hơn, ông Trump đã chọn cách nhượng bộ, tuyên bố rằng thỏa thuận của Trung Quốc tham gia cùng ông tại bàn đàm phán là một chiến thắng.

Về phía Mỹ, các quan chức về cơ bản cho biết họ đã xác định rằng họ không muốn - hay có ý định - đi theo con đường mà chính sách thuế quan của tổng thống đã đưa nước Mỹ bước vào, đó là tách biệt hoàn toàn nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc.

“Chúng tôi đi đến kết luận rằng chúng tôi có chung lợi ích”, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva cuối tuần qua. "Quan điểm đồng thuận từ cả hai phái đoàn là không bên nào muốn tách rời kinh tế".

Lập trường này đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt so với những tuyên bố trước đó của ông Bessent, khi ông khẳng định rằng cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn hại nặng nề hơn cho Trung Quốc do nước này phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.

“Họ có nền kinh tế mất cân bằng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại”, ông Bessent phát biểu trên Fox Business Network vào tháng trước. “Và tôi có thể nói với bạn rằng sự leo thang này là sẽ khiến họ thua thiệt".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Đại diện thương mại Jamieson Greer trả lời phỏng vấn báo chí sau đàm phán thương mại với các quan chức cấp cao Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 11/5/2025. Ảnh: EDA/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Đại diện thương mại Jamieson Greer trả lời phỏng vấn báo chí sau đàm phán thương mại với các quan chức cấp cao Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 11/5/2025. Ảnh: EDA/TTXVN

Trên thực tế, mặc dù thuế quan gây đau đớn cho Trung Quốc, nhưng chúng cũng gây gián đoạn cho nền kinh tế Mỹ. Các công ty Mỹ đã cảnh báo về nỗi đau sắp tới đối với người tiêu dùng dưới hình thức giá cả tăng cao và ít sản phẩm hơn.

Các nhà sản xuất Mỹ đặc biệt lo ngại về các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng và nam châm. Trong khi các lô hàng từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 21% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, thì xuất khẩu của nước này sang các nước Đông Nam Á lại tăng 21% cho thấy họ đang tìm một số kênh khác để tiếp tục cung cấp cho cỗ máy xuất khẩu của mình.

Quyết định tạm thời hạ thuế quan đối với Trung Quốc mang lại sự cứu trợ đáng hoan nghênh cho các doanh nghiệp, nhưng cũng sẽ không làm giảm bớt sự bất ổn dài hạn đang đè nặng lên các công ty Mỹ. Hai chính phủ hiện có thời hạn đến giữa tháng 8 để đạt được tiến triển hướng tới một thỏa thuận thương mại.

Sáng 13/5, ông Trump tuyên bố rằng nếu hai nước không đạt được thỏa thuận trong khoảng thời gian đó, thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ lại tăng lên mức “cao hơn đáng kể”, dù không lên tới 145%. “Ở mức 145%, thì đó thực sự là tách rời rồi, vì chẳng ai mua nữa cả", nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm.

Các nhà bán lẻ và doanh nghiệp nhập khẩu bày tỏ sự nhẹ nhõm trước việc thương mại giữa hai nước có thể tạm thời được nối lại, nhưng họ cũng thầm cầu mong rằng khoảng thời gian hoãn áp thuế này sẽ kéo dài hơn 90 ngày.

Ông Gene Seroka, giám đốc điều hành cảng Los Angeles, cho biết hôm 13/5 rằng mức thuế 30% còn lại đối với hàng Trung Quốc vẫn là một gánh nặng lớn, và tinh thần của người tiêu dùng Mỹ cùng các doanh nghiệp phụ thuộc vào thói quen chi tiêu của họ đã bị ảnh hưởng bởi nguy cơ áp thuế. Theo ông, 90 ngày cũng là khoảng thời gian tương đối ngắn để các công ty có thể khôi phục lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn từ Trung Quốc, do việc đặt chỗ trên các tàu chở hàng và vận chuyển sản phẩm bằng đường biển thường mất khá nhiều thời gian.

Ông Seroka nói: "Tôi không nghĩ rằng, với tâm lý và niềm tin tiêu dùng hiện nay, mọi người sẽ ngay lập tức nhảy vào và nói: ‘Tuyệt quá rồi, bắt tay làm thôi’”.

Các chuyên gia thương mại cảnh báo rằng 90 ngày cũng là một khoảng thời gian quá ngắn để đạt được tiến triển thực chất về danh sách dài các bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm cả thặng dư thương mại khổng lồ của Bắc Kinh.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc (Theo NYT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thoa-thuan-geneva-he-lo-ranh-gioi-suc-manh-thue-quan-cua-tong-thong-trump-20250513210440097.htm