Tòa án vi phạm về tính lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
Qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, VKSND huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang nhận thấy, các bản án của Tòa án có vi phạm về tính lãi suất trong hợp đồng vay tài sản.
Cụ thể, Bản án số 22/2020/DS-ST ngày 12/5/2020 “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Tâm và bị đơn là ông Trần Văn Nhỏ, cùng địa chỉ: ấp Nguyễn Văn rỗ, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng. Bản án tuyên buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 9.444.000 đồng.
Bản án số 34/2020/DS-ST ngày 15/6/2020 “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là ông Lê Tấn Kiệt (địa chỉ: khu phố Nội Ô, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng) và bị đơn là ông Lê Hoàng Khải (địa chỉ: khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng). Bản án tuyên buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 598.755.000 đồng.
Bản án số 35/2020/DS-ST ngày 15/6/2020 “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là Lê Tấn Thảo với bị đơn là ông Lê Hoàng Khải (địa chỉ: khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng). Bản án số tuyên buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 247.563.000 đồng.
Bản án số 36/2020/DS-ST ngày 15/6/2020 “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là ông Lê Tấn Nghĩa (địa chỉ: khu phố Nội Ô, thị trấn Giồng Riềng) và bị đơn là ông Lê Văn Kỉnh (địa chỉ: khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng). Bản án tuyên buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 1.193.700.000 đồng.
Theo VKSND huyện Giồng Riềng, các bản án trên áp dụng khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 357, Điều 463, Điều 466, Điều 468 của Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án. Tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” đối với bị đơn trong từng vụ án.
Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án nếu bị đơn chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định.
Sau khi xem xét bản án, VKSND huyện Giồng Riềng nhận thấy, đối với các bản án số: 34, 35 và 36 thì xác định các giao dịch vay tài sản này được xác lập từ ngày 27/6/2019 đến ngày 21/1/2020, nghĩa là sau ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, nhưng thẩm phán không nhận định được đây là trường hợp vay có lãi hay không có lãi, lãi suất bao nhiêu phần trăm trên tháng để áp dụng điều luật tính lãi cho phù hợp. Vì nếu là hợp đồng vay có lãi thì phải tính lãi theo thỏa thuận (quy định tại Điều 466 BLDS 2015) nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo khoản 1 Điều 468 BLDS 2015, còn nếu có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lã suất và có tranh chấp về lãi suất thì phải áp dụng khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 để tính lãi.
Còn đối với Bản án số 22 thì không xác định được giao dịch này được xác lập vào thời gian nào nhưng thẩm phán vẫn áp dụng Điều 468 BLDS 2015 để tính lãi. Bởi lẽ nếu giao dịch được xác lập trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực thì phải áp dụng Điều 476 BLDS năm 2005 và Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về mức lãi suất cơ bản để tính lãi cho phù hợp.
VKSND huyện Giồng Riềng nhận định, các bản án quyết định áp dụng Điều 468 BLDS nhưng tính lãi 0,95%/ tháng là sai quy định như đã phân tích ở trên. Còn đối với Bản án số 34/DS-ST ngày 15/6/2020 thì trong phần nhận định có nhận định buộc bị đơn phải trả lãi cho nguyên đơn nhưng phần Quyết định không áp dụng điều khoản nào để tính lãi.
Điều 468 BLDS quy định:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay,…
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Ngoài ra, tất cả 4 bản án nêu trên chỉ tuyên kể từ ngày đương sự có đơn yêu cầu thi hành án nếu phía bị đơn chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi tương ứng đối với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán là không đúng với quy định theo Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
Từ những vi phạm trên, VKS quyết định kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm đã nêu để bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.