Tỏa bóng đa Tân Trào
75 năm nay, cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng của Tuyên Quang nói riêng, của cách mạng Việt Nam nói chung. Tại đây, chiều ngày 16/8/1945, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh xuất quân giải phóng Thái Nguyên, để từ đó tiến về Hà Nội, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thắng lợi hoàn toàn.
Cuộc hồi sinh kỳ diệu
Kỹ sư Lê Thanh Hà (Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang) là người “có duyên” với cây đa Tân Trào. Ở tuổi chị, những người phụ nữ đều chí thú việc gia đình, công sở... Nhưng chị thích gắn bó với rừng, say mê với các giống cây trồng. Chị biết rõ như lòng bàn tay các khu rừng nào có cây đa quả vàng, lá nhỏ như cây đa Tân Trào. Mỗi lần tỉnh có đoàn đi hoặc đến, cần tặng cây đa giống gốc Tân Trào là chị được đảm nhiệm việc tìm cây.
Những năm 1990, một trong hai nhánh đa Tân Trào (cây đa ông) bị bão làm gãy đổ. Nhánh còn lại bị sâu ăn cành. Có cả một hội thảo do tỉnh tổ chức để tìm cách cứu cây. Nhiều phương án đưa ra, nhưng phương án của một công ty cũng có tên Thanh Hà được chọn.
Cùng với việc chiết cành tại chỗ để bảo vệ nguồn gen cũ, kỹ sư Lê Thanh Hà và các đồng nghiệp được tham gia tìm những cây đa nhỏ về ghép cùng để hồi sinh cây lớn. Khu rừng cọ phía trước đình Tân Trào được chị và đồng nghiệp hướng đến để tìm cây. Bởi nơi này gần chỗ cây đa Tân Trào, chim chóc ăn quả sẽ tha hạt về đó, chắc chắn cây đa con sẽ là của cây mẹ. Quả nhiên, có rất nhiều cây đa con mọc trên các thân cọ già. Cẩn thận, công phu bóc từng nhánh rễ trên cây cọ mang về, cùng sự nhiệt huyết, tận tâm và khoa học của các chuyên gia Công ty Thanh Hà, nay các cây nhỏ đã tỏa rễ dài và vươn cành mạnh mẽ. Ai cũng gọi đây là cuộc hồi sinh kỳ diệu. Bóng đa Tân Trào đang ngày càng tỏa rộng, hiên ngang giữa đất trời chiến khu cách mạng như một chứng tích cho truyền thống cách mạng, cho lòng thủy chung của Tuyên Quang.
Cây đa Tân Trào ở Trường Sa
Năm 2013, Đoàn công tác của Tuyên Quang đi thăm cán bộ chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Có 5 “thành viên” đặc biệt của Đoàn công tác là 5 cây đa giống Tân Trào làm quà tặng trồng trên các đảo. Hải trình hàng chục ngày đêm lênh đênh trên biển, chưa kể quãng đường từ Tuyên Quang về ga Hà Nội, lên tàu vào thành phố Hồ Chí Minh..., những cây đa giống được nâng niu chăm sóc đặc biệt. Đã có 2 cây được trồng ở đảo Trường Sa Lớn, còn lại trồng ở các đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử.
Cây đa giống Tân Trào tại Khu Di tích Bác Hồ, TP Phan Thiết, Bình Thuận.
Kỳ diệu là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt giữa trùng khơi, cây đa giống Tân Trào vẫn nhanh bén rễ và sinh trưởng tốt. Từ mạch nguồn cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, đa đang tỏa bóng nơi hải đảo như lời khẳng định: Đất liền và Tuyên Quang luôn sát cánh cùng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Trường Sa.
Tháng 4 năm 2019, một đoàn công tác khác của Tuyên Quang đến thăm đảo Sinh Tồn. “Gặp” cây đa giống Tân Trào tỏa bóng xanh mát giữa nắng gió đảo xa, ai cũng vui mừng, xúc động. Xúc động hơn là câu chuyện của các chiến sỹ người Tuyên Quang trên đảo, rằng mỗi khi nhớ nhà, họ lại đến chỗ cây đa như về với quê hương, về với người thân tâm sự. Ngày ngày sau ca trực, họ lại đến chăm cây như chăm sóc một phần của quê hương trên đảo.
Cũng như ở Sinh Tồn, cây đa giống gốc Tân Trào được trồng tặng tại các đảo đang được chăm sóc và bắt đầu tỏa bóng. Sự có mặt của đa giữa trùng khơi chính là sự sát cánh của Tuyên Quang với đảo tiền tiêu; cùng khẳng định chủ quyền Tổ quốc, khẳng định sự trường tồn của cách mạng Việt Nam. Quân và dân trên đảo đều cảm nhận đang có một phần Tân Trào ở Trường Sa.
Bóng đa tỏa mãi
Kỹ sư Lê Thanh Hà không nhớ chính xác đã tìm bao nhiêu cây đa giống Tân Trào để đem trồng tặng cho các nơi, nhưng chị biết đã có những cây đa từ Tân Trào đi Cà Mau, Bình Thuận, Cao Bằng, Trường Sa và một số khu di tích khác. Với chị, công việc chuẩn bị cây cho lãnh đạo tỉnh mang tặng ở các nơi là vinh dự thiêng liêng. Bởi cây đa Tân Trào đã là biểu tượng của cách mạng Việt Nam, nay được trồng thêm ở nhiều nơi khác như một cách làm cho bóng đa Tân Trào tỏa mãi, cho truyền thống cách mạng được nhiều nơi ghi nhớ. Nơi nào có cây đa giống Tân Trào, nơi đó sẽ biết đến Tuyên Quang là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.
Tìm được cây là một chuyện, nhưng làm sao để bảo quản và vận chuyển cây trên suốt quãng đường dài phải tính toán công phu, khoa học lắm.
Kỹ sư Dương Văn Xy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang là người vinh dự tham gia Đoàn công tác của tỉnh tháng 5 năm đến Cao Bằng. Trong chuyến đi ấy cũng có một “nhân vật” đặc biệt: cây đa giống gốc Tân Trào để trồng lưu niệm trong khuôn viên Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Pác Bó. Anh Xy chia sẻ, việc bảo quản cây đa từ Tân Trào đến Pác Bó cũng công phu. Nhưng may mắn hành trình ấy chỉ trong ngày, nên không mất nhiều công như đi Trường Sa. Hiện cây đã lên xanh tốt giữa rừng Pác Bó, như chứng tích về tình cảm gắn bó giữa Tuyên Quang với Cao Bằng, đồng thời gợi nhớ cho mỗi du khách đến Khu di tích về hành trình lịch sử Pác Bó Tân Trào năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.
Trong đời sống người Việt, cây đa vừa gần gũi, vừa gắn liền với các yếu tố tâm linh. Nên cây thường có mặt tại cổng làng, cạnh giếng nước; tại các đình, đền, miếu; như biểu tượng cho sự trường tồn, sức sống dẻo dai của cộng đồng. Từ năm 2012, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành quyết định công nhận biểu trưng cây đa Tân Trào làm logo của tỉnh, sử dụng trong giao dịch, giao lưu và các hoạt động đối ngoại. Ông Nguyễn Việt Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, biểu trưng cây đa Tân Trào được lựa chọn làm logo bởi đã thể hiện được cô đọng truyền thống lịch sử đầy tự hào cũng như sức sống mãnh liệt của cách mạng Việt Nam, đồng thời biểu trưng cho khối đại đoàn kết của nhân dân Tuyên Quang trong suốt tiến trình lịch sử.
Ngoài logo, hình ảnh cây đa Tân Trào đã đi vào thơ, vào nhạc và hiện diện trong tranh, ảnh và nhiều món quà lưu niệm của Tuyên Quang với bạn bè cả nước và quốc tế.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bóng đa Tân Trào đang tỏa rộng giữa trời chiến khu cách mạng, đón những đoàn người cả nước và nước ngoài về thăm để hiểu những ngày hào hùng của tháng Tám năm 1945 và truyền thống lịch sử cách mạng của Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Mỗi người dân Tuyên Quang tự hào vì cây vẫn tỏa bóng tốt tươi, không chỉ ở chiến khu cách mạng Tân Trào, mà còn tỏa bóng ở mọi miền Tổ quốc.