Tọa đàm: Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện

Ngày 20/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm 'Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện'.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm

Tọa đàm được tổ chức với sự tham dự các vị khách mời gồm: Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng; Ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam), đại diện Doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện.

Bất cập lớn nhất là giá điện

Tại Tọa đàm, bên cạnh việc đánh giá cao sự năng động, nỗ lực của ngành điện thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ rõ, khoa học kỹ thuật phát triển, nhu cầu về chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới cũng như yêu cầu về thay đổi ‘xanh’ trong quá trình sản xuất kinh doanh đang đòi hỏi ngành điện phải thay đổi.

Ông Phan Đức Hiếu chỉ ra 4 hạn chế gồm: Chính sách chậm thay đổi; Thiếu sự đồng bộ khi thực hiện cải cách mạnh về thị trường bán buôn điện nhưng chậm cải cách về bán lẻ điện năng; Thiếu sự vững chắc trong cơ sở pháp lý khiến nhà đầu tư còn nhiều e ngại; Thiếu tính thị trường trong phát triển điện năng.

Cùng quan điểm, Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: Giá điện tại Việt Nam đang có 4 bất cập lớn. Đầu tiên là bất cập về giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường. Điều này thể hiện khi giá điện bán ra không phản ánh được những biến động trong chi phí cấu thành giá điện.

Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa.

Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa.

“Lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện khiến việc sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thỏa chỉ ra. Dẫn số liệu mới nhất 2 năm 2022 – 2023, ông Thỏa cho rằng, chính cách điều hành như trên đã gây lỗ cho ngành điện khoảng 47.500 tỷ đồng.

Bất cập thứ hai là việc “kỳ vọng và giao cho giá điện gánh vác nhiệm vụ đa mục tiêu khi muốn tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí nhưng vẫn phải khuyến khích thu hút đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát… khiến kết quả chung là không đảm bảo được mục tiêu cao nhất.

“Tôi cho rằng Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 rất đúng đắn. Chúng ta phải dùng những biện pháp như thuế, phí, quỹ điều tiết thị trường để điều tiết thị trường điện chứ không chỉ trông cậy vào việc kiềm chế giá thấp để đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhìn nhận.

Bất cập tiếp theo là cơ chế bù chéo giá điện hiện nay không rõ ràng. Bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và điện sản xuất ở mức độ nhất định. Đặc biệt, cơ chế bù chéo về giá điện giữa các vùng miền với nhau đang bất cập khi điện ở các xã, huyện hải đảo thường 7.000-9.000 đồng/kWh, nhưng chúng ta vẫn bán 1.000-2.000/kWh...

Cuối cùng, giá điện đang chưa tách bạch giữa thị trường với thực hiện chính sách an sinh xã hội. Do đó, chính sách giá điện không bảo đảm đúng nguyên lý về giá cả để bảo đảm mục tiêu khuyến khích ngành điện phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Cũng từ góc độ giá, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cho rằng, bên cạnh các hạn chế nêu trên thì mấu chốt vẫn là câu chuyện điều hành giá. Nếu tách bạch hoạt động công ích và hoạt động thị trường, thì chúng ta sẽ có cơ chế điều tiết giá phù hợp. Còn nếu chưa thể điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ngay thì tất cả các khía cạnh khi điều tiết cũng phải dần dần hướng đến thị trường.

Không có điện sạch giá rẻ

Dự báo về giá điện, ông Bùi Xuân Hồi nhìn nhận, trong tình hình hiện nay, dù có nỗ lực đến mấy với năng lượng tái tạo thì cơ cấu nguồn điện cũng không thể bỏ qua nguồn năng lượng cơ sở bao gồm điện than, điện khí. Và trong xu hướng giá nhiên liệu đầu vào tăng như hiện nay, giá thành cung cấp điện chắc chắn sẽ tăng và chúng ta phải chấp nhận điều đó.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi.

“Chúng ta kỳ vọng Net Zero vào năm 2050, những nước khác cũng như chúng ta và họ cũng mong muốn điện sạch. Tôi khẳng định, không có điện sạch giá rẻ. Điện mặt trời phát được 4 tiếng một ngày là tối đa, điện gió thì phập phù nên không thể nào nói những nguồn điện ấy sẽ có giá rẻ. Tóm lại, một là do biến động của tình hình địa chính trị thế giới, hai là xu hướng dịch chuyển năng lượng nên chắc chắn giá thành cung ứng điện nói chung sẽ cao lên”, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi khẳng định.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động cũng cho rằng, giá điện trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng.

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động.

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động.

“Nhiệt điện Sơn Động là đơn vị được huy động chạy tải nền, nhưng việc điều chỉnh phụ tải, điều chỉnh công suất tần số rất nhiều. Hệ thống của ta không có tính ổn định cao, đặc biệt với khoảng gần 10% tỉ lệ điện mặt trời và điện gió hơn 8.000 MW trên tổng khoảng 85.000 MW, vào thời điểm giờ cao điểm, vào mùa mưa, mùa khô, lúc có thay đổi, biến động thì tác động, ảnh hưởng đến hệ số vận hành, đảm bảo an toàn hệ thống rất cao. Việc phát triển thêm các nguồn điện mới giá cao có ảnh hưởng đến chế độ vận hành của cả hệ thống. Có rất nhiều yêu cầu giá điện phải gánh vác, đấy cũng là bài toán rất khó xử lý. Tới đây, theo lộ trình thực hiện NetZero, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các doanh nghiệp thay đổi nhiên liệu, phối trộn. Tuy nhiên, vẫn quay lại câu chuyện về giá, giá đầu vào của những nguyên liệu đốt Biomass, viên nén so với giá than có thể gấp 2-3 lần. Điều này sẽ tác động trực tiếp lên giá bán điện”, ông Nguyễn Đình Tuấn cho hay.

Tính đúng, tính đủ, tách bạch các thành phần giá điện

Nhìn ở góc độ rộng, giá điện không chỉ là vấn đề của riêng ngành điện mà có những tác động lớn hơn đến sự vận hành và tái cấu trúc nền kinh tế. Khi giá điện được điều hành đúng đắn và hợp lý sẽ thu hút đầu tư sản xuất nguồn điện, thúc đẩy kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, xanh sạch, net zero, thúc đẩy cả chuyển đổi sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm điện trong các hộ gia đình, cá nhân…

Bày tỏ đồng tình với việc rà soát và sửa đổi Luật Điện lực hiện nay, trong đó có nhiều nội dung thảo luận tại Tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu đưa ra 4 kiến nghị gồm: Tính đúng, tính đủ cơ cấu giá thành điện trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực; Tách bạch các mục tiêu chính sách tránh gây ‘méo mó’ giá điện; Thúc đẩy tính thị trường, tăng sự cạnh tranh trong mọi khâu của ngành điện; Khung giá phải hướng đến việc tạo ra áp lực sử dụng điện tiết kiệm.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi một lần nữa khẳng định cần thiết phải tính đúng, tính đủ cho ngành điện. Bởi “EVN là đơn vị bán lẻ điện lớn nhất hiện nay, nếu giá bán điện thấp hơn giá giản xuất, EVN lỗ, Nhà nước mất vốn và ngược lại, nếu EVN có lợi nhuận sẽ có cơ hội để tái đầu tư mở rộng phát triển ngành điện. Ngành điện năm nào cũng cần tăng trưởng chứ không bao giờ dừng quy mô, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay”. Thêm vào đó, ông Bùi Xuân Hồi cho rằng: Quy hoạch Điện VIII rất tham vọng với nhiều mục tiêu lớn nhưng nếu tiếp tục điều hành giá như hiện nay thì việc triển khai thực hiện Quy hoạch Điện VIII rất xa vời.

Tương tự, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định: Phải tính đúng, tính đủ giá điện theo nguyên tắc thị trường, và phải minh bạch. Giá điện minh bạch sẽ tháo gỡ tất cả các rào cản hiện nay. Tuy nhiên, tính đúng cho giá điện không phải là thị trường thả nổi. Thị trường điện phải có sự điều tiết của Nhà nước, vẫn có khâu Nhà nước độc quyền, tư nhân không thể tham gia. “Tôi đồng ý là sửa Luật Điện lực và phải cải cách căn bản về giá”, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa nói.

Giảm thủ tục hành chính trong đầu tư dự án điện

Ông Phan Đức Hiếu bổ sung thêm, cùng với việc phải tính đúng cho giá điện thì để giảm giá thành điện, phải nghĩ đến các thể chế, chính sách khác giúp cho việc sản xuất điện tiết kiệm. Ví dụ phải rà soát, cải cách cả quy trình, thủ tục đầu tư theo hướng giảm bớt sẽ góp phần tạo cơ hội để giảm giá điện. Đồng thời, phải rà soát chính sách hỗ trợ bán điện cho các đối tượng trên nguyên tắc cơ chế tài chính tách bạch giữa việc hỗ trợ với việc kinh doanh. Cuối cùng, phải thúc đẩy bán điện cạnh tranh, làm sao để có sự tham gia của nhiều bên hơn.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

“Rào cản hiện nay vẫn còn xuất hiện nhiều chính là các thủ tục hành chính. Luật Điện lực cũ có 17 thủ tục hành chính đối với đầu tư điện. Phải xóa bỏ tất cả những rào cản hành chính như Nghị quyết 55 đã đề cập, kể cả về đầu tư, về giá,... để hướng đến tính thị trường nhiều hơn”, ông Nguyễn Tiến Thỏa đề nghị.

Từ sự phân tích của các vị khách mời tại Tọa đàm cho thấy, cách tính giá điện và hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện năng là 2 mặt của 1 vấn đề có quan hệ khăng khít, mật thiết và có tác động qua lại, bổ trợ cho nhau trong quá trình vận hành và phát triển. Giá điện chưa phù hợp một mặt khiến ngành điện khó có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển; không tạo sức ép để các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng, nâng cao năng lực quản trị. Ngược lại giá điện được tính đúng, tính đủ sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho hoạt động tái đầu tư và mở rộng đầu tư của ngành điện cũng như thúc đẩy sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý. Như vậy, tính đúng, tính đủ để có giá bán điện hợp lý là một yêu cầu tất yếu, khách quan phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành điện nói riêng và của nền kinh tế cũng như phục vụ các mục tiêu xã hội nói chung.

Việt An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/toa-dam-dot-pha-nao-de-thu-hut-dau-tu-vao-nganh-dien.html