Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Ngày 23/4, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia tổ chức Tọa đàm 'Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân'. Sự kiện thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân là hội viên của Hiệp hội, cùng các nhà báo, phóng viên thuộc các cơ quan báo chí, truyền hình trung ương và địa phương đến theo dõi, đưa tin.

Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu tăng cường lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng thời góp phần trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và quyền riêng tư trong kỷ nguyên số. Đây cũng là hoạt động góp phần hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025. Luật dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2026.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát biểu tại tọa đàm.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, khẳng định Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa quyền con người, quyền công dân, phù hợp với định hướng “lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực” mà Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương đã đề ra. Việc xây dựng luật không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại, mà còn là yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm chủ quyền số quốc gia.

Tại tọa đàm, đại diện Ban soạn thảo, Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách và Pháp luật đã trình bày những nội dung trọng tâm trong dự thảo, bao gồm: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc xử lý dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu, cơ chế xử lý vi phạm và bảo đảm quyền riêng tư trong môi trường số. Bài trình bày cũng làm rõ định hướng xây dựng luật trên tinh thần tiếp nối Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, nhưng ở cấp độ cao hơn, đồng bộ và mang tính nền tảng.

Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách và Pháp luật trình bày những nội dung trọng tâm trong dự thảo.

Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách và Pháp luật trình bày những nội dung trọng tâm trong dự thảo.

Các đại biểu cũng được lắng nghe những tham luận chuyên sâu đến từ đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển đưa ra kiến nghị về hoàn thiện pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân từ góc độ nghiên cứu và so sánh quốc tế; đại diện Tập đoàn Viettel chia sẻ những khó khăn và đề xuất hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp viễn thông trong quá trình triển khai luật; Công ty VNDS trình bày kinh nghiệm thực tiễn trong việc tuân thủ các yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân tại doanh nghiệp công nghệ.

Phần thảo luận mở đã nhận được nhiều câu hỏi chất lượng xoay quanh các vấn đề quan trọng gồm định nghĩa và phân loại dữ liệu cá nhân, cơ chế bảo vệ dữ liệu nhạy cảm, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu, năng lực thực thi của doanh nghiệp vừa và nhỏ, và vai trò giám sát của cơ quan nhà nước sau khi luật có hiệu lực...

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Các đại biểu đều đồng thuận rằng dữ liệu cá nhân là yếu tố gắn liền với quyền con người, quyền công dân, đồng thời có tác động sâu rộng đến an ninh mạng, an ninh quốc gia và toàn bộ hệ sinh thái số. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện hành về bảo vệ dữ liệu còn phân tán, thiếu tính thống nhất. Theo thống kê hiện đang có 69 văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến dữ liệu cá nhân, nhưng mới chỉ có Nghị định 13/2023/NĐ-CP là văn bản đầu tiên cung cấp định nghĩa và nguyên tắc bảo vệ dữ liệu một cách tương đối đầy đủ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, việc xây dựng một đạo luật chuyên biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân là cấp thiết. Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, 69 điều, quy định đầy đủ về các nội dung: nguyên tắc xử lý dữ liệu, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu và bên liên quan, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đánh giá tác động dữ liệu, xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu, xử lý vi phạm và cơ chế kiểm tra, giám sát. Luật cũng điều chỉnh cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu công dân Việt Nam.

Bà Đoàn Thị Thu Nga, Phó ban Pháp chế Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội trao đổi tại tọa đàm.

Bà Đoàn Thị Thu Nga, Phó ban Pháp chế Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội trao đổi tại tọa đàm.

Về cơ sở chính trị, luật cụ thể hóa các nội dung trong Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó xác định “lấy con người làm trung tâm, chủ thể và mục tiêu của phát triển”, gắn bảo vệ dữ liệu cá nhân với bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên số. Về cơ sở pháp lý, luật nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Mục tiêu tổng thể là hoàn thiện hành lang pháp lý thống nhất, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế số, bảo đảm ANTT và chủ quyền dữ liệu quốc gia.

Phát huy vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực an ninh mạng và chuyển đổi số, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia đã chủ trì tổ chức tọa đàm nhằm tạo diễn đàn trao đổi chính sách hai chiều giữa cơ quan quản lý với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Hiệp hội sẽ tiếp tục tổng hợp toàn bộ ý kiến góp ý tại sự kiện, gửi đến Ban soạn thảo, đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên, doanh nghiệp và các bên liên quan nâng cao năng lực tuân thủ và sẵn sàng thực thi luật sau khi được ban hành.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-nghe/toa-dam-gop-y-du-thao-luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-i766047/