'Ý chí của cả dân tộc đã làm nên chiến thắng trước kia và thành công hiện tại'

Nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, phóng viên TTXVN tại Pháp đã có cuộc phỏng vấn bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp- Việt, người đã gắn bó với Việt Nam bằng một tình bạn thủy chung lâu đời.

Bà Hélène Luc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Pháp.

Bà Hélène Luc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Pháp.

Nhận định về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng 30/4/1975 đối với Việt Nam cũng như phong trào cách mạng thế giới, bà Hélène Luc nhấn mạnh mốc son chói lọi này là chiến thắng của nhân dân Việt Nam trước đế quốc Mỹ; là chiến thắng của Quân đội nhân dân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và nhận được sự hưởng ứng của toàn thể người dân. Đó là thành quả của cuộc đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng từ năm 1945.

Cuộc chiến này được gọi là cuộc chiến dài nhất thế kỷ! Đáng lẽ Việt Nam đã có thể tránh khỏi cuộc chiến vào năm 1946 trong Hội nghị Fontainebleau tại Pháp. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp Phó Thủ tướng Pháp Maurice Thorez tại nhà riêng ở Choisy-le-Roi, với sự tham gia của nhiều nhân vật tên tuổi khác, họ đã cùng nhau kêu gọi tìm giải pháp để xây dựng mối quan hệ mới với nước Pháp và tránh một cuộc chiến tranh. Tiếc thay, tiếng nói ấy đã không được lắng nghe. Thay vào đó, đã xảy ra vụ ném bom Hải Phòng và mọi người đều biết điều gì đã xảy ra sau đó. Cuộc chiến mang tính lịch sử cũng bởi vì đội quân hùng mạnh và hiện đại nhất thế giới đã buộc phải từ bỏ ý định chiến thắng dân tộc Việt Nam.

Bà Hélène Luc chia sẻ, bà đã tham gia lễ kỷ niệm 3 năm thống nhất đất nước vào năm 1978 tại Hà Nội, cùng phái đoàn từ Choisy-le-Roi, nơi từng đón tiếp phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong suốt các cuộc đàm phán về Hiệp định Paris từ năm 1968-1973. Phái đoàn Choisy-le-Roi đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vị Đại tướng ôm hôm một số thành viên trong đoàn và nói rằng: “Chúng tôi giành chiến thắng vì quân đội Mỹ không có được những người đàn ông và phụ nữ đầy nhiệt huyết như chúng tôi!”

Với việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chiến tranh không còn diễn ra ở miền Bắc Việt Nam nữa nhưng người Mỹ yêu cầu miền Bắc phải ngừng viện trợ cho miền Nam. Bà Hélène Luc vẫn nhớ lời của những người bạn khi đó là ông Lê Đức Thọ - Cố vấn đặc biệt của Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris năm 1973 và Bộ trưởng Xuân Thủy nói với các phái đoàn quốc tế đến ủng hộ: “Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng giúp đỡ anh em miền Nam của mình!”
Cuộc chiến đẫm máu này, lần đầu tiên được truyền hình ra toàn thế giới, đến nay vẫn là một điểm tham chiếu trong lịch sử. Hơn 3.000 trường học, 500 bệnh viện, hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy. Trong 5.700 xã có đến 4.000 xã bị đánh bom. Trong số 40 tỉnh lỵ có tới 38 tỉnh bị ném bom.

Cuộc chiến cũng mang một bài học thời đại. Trong thế giới nơi chiến tranh đang rình rập trên mọi châu lục, chiến tranh không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm cho mọi thứ trầm trọng hơn. Cần đối thoại để tìm giải pháp công bằng cho hai bên nhằm thiết lập hòa bình.

Đánh giá về sự chuyển mình cũng như những yếu tố làm nên tiềm lực và vị thế của Việt Nam ngày nay sau 50 năm thống nhất đất nước, bà Hélène Luc nhắc lại rằng năm 1978, bà đã chứng kiến một dân tộc đói khát, rét mướt, sống trong thành phố đen sạm bởi bom đạn với những chiếc xe đạp cũ kỹ, những bệnh viện thiếu thốn thiết bị và thuốc men. Gian khó vậy nhưng nhân dân Việt Nam vẫn làm việc với một năng lượng không đổi - chính năng lượng mà họ đã dùng để giành lấy độc lập.

Năm 1975, Mỹ áp đặt lệnh bao vây cấm vận, khó khăn chồng chất, đất nước bị cô lập và Việt Nam buộc phải đưa ra một lựa chọn. Việt Nam đã quyết định chấp nhận thực tế, đồng nghĩa với việc hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa. Việt Nam đã chọn Đổi mới, chọn con đường dẫn tới thịnh vượng, dù phải đánh đổi bằng những mâu thuẫn. Chuyến thăm của cố Tổng thống Pháp François Mitterrand vào năm 1993 đã góp phần phá vỡ sự cô lập ấy. Một lần nữa, Việt Nam lại chọn con đường đi riêng của mình, như họ vẫn luôn làm vậy.

Bà Hélène Luc tham gia sự kiện quảng bá Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Bà Hélène Luc tham gia sự kiện quảng bá Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Vào năm 1975, các nhà báo từng dự đoán rằng Việt Nam sẽ cần 100 năm để có được một vị trí trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, chỉ 50 năm sau, Việt Nam đã trở thành một trong 20 quốc gia có ảnh hưởng nhất thế giới. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đang định hướng xây dựng một đất nước giàu mạnh với mức thu nhập bình quân đầu người cao, tiếp tục phát triển khoa học, bảo vệ đa dạng sinh học, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và các dự án ngày càng thu hút sự quan tâm của toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN, đánh giá ý nghĩa của việc phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc - vốn là cốt lõi làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - trong việc xây dựng và phát triển đất nước, bà Hélène Luc nhấn mạnh thống nhất được đất nước là một yếu tố then chốt góp phần vào sự phát triển của Việt Nam. Sự đoàn kết giữa miền Bắc và miền Nam, cùng những lợi thế về kinh tế và khí hậu của từng vùng, cũng như việc hỗ trợ các dân tộc thiểu số đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Nguyên nhân là do phần lớn của cải tạo ra được dùng để nâng cao mức sống của đại đa số người dân.

Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt khẳng định rằng khi so sánh Việt Nam ngày nay với lần đầu tiên bà đặt chân tới vào năm 1978, bà thấy một đất nước vẫn giữ gìn được truyền thống riêng, đồng thời có những bước tiến vượt bậc trong hiện đại hóa. Chính điều này cũng được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp tại Điện Élyseé vào tháng 3/2018 qua những lời sau: “Sáng nay, ông (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) đã thăm lại Choisy-le-Roi, thành phố thân thương với đất nước của ông, nơi phái đoàn của các ông đã lưu trú trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán Hiệp định Paris. Tôi rất thấu hiểu điều đó. Tôi xin cảm ơn ông và Chính phủ (Việt Nam) vì tất cả những gì đã làm cho sự phát triển của đất nước và vì hạnh phúc của nhân dân (Việt Nam). Tôi cũng xin cảm ơn sự đóng góp của các ông vào việc duy trì hòa bình ở khu vực Đông Nam Á và hơn thế nữa là trên toàn thế giới”.

Trả lời câu hỏi rằng chiến thắng 30/4/1975 là sự kết hợp giữa nghệ thuật quân sự và ngoại giao tài tình, tranh thủ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, những yếu tố này được vận dụng ra sao trong giai đoạn xây dựng phát triển đất nước sau thống nhất, bà Hélène Luc đánh giá những thành công đạt được sau chiến tranh là nhờ vào ý chí của cả một dân tộc: muốn mở rộng quan hệ với các dân tộc khác thông qua các nhà ngoại giao của mình, từ đó thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu như tất cả các nước trên thế giới. Nhờ vậy, Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do với 60 nền kinh tế trên toàn cầu; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 nước, trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên ký kết được những hiệp định tầm cỡ như vậy.

Việc Việt Nam và Pháp nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp hồi đầu tháng 10/2024 thể hiện sự hội tụ lợi ích và tầm nhìn chung dựa trên cam kết tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, cùng nhau tăng cường hợp tác chính trị để đối mặt với những thách thức toàn cầu trên nền tảng tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các bên, bảo vệ độc lập dân tộc, vì hòa bình, an ninh, ổn định tại Biển Đông dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và vì một nền hòa bình công bằng, bền vững. Điều đó có nghĩa là mối quan hệ đối tác này sẽ nâng cao và cải thiện hiệu quả hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.

Bà Hélène Luc chúc mừng Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhân dịp lễ hội "Xuân Giáp thìn 2024" do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại thủ đô Paris. Ảnh: TTXVN phát

Bà Hélène Luc chúc mừng Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhân dịp lễ hội "Xuân Giáp thìn 2024" do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại thủ đô Paris. Ảnh: TTXVN phát

Nhận định về sự đóng góp của nhân dân Pháp vào những thành công của Việt Nam, cả trong công cuộc giải phóng hoàn toàn và trong công cuộc Đổi mới và hội nhập hiện nay, bà Hélène Luc nhấn mạnh nước Pháp vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ với Việt Nam. Những chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo hai nước đã đóng góp rất lớn vào việc thúc đẩy quan hệ song phương để đi đến Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện được ký giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch nước Tô Lâm vào ngày 6/10/2024. Cùng với một phái đoàn của Hội Hữu nghị Pháp - Việt, bà vinh dự được gặp Tổng Bí thư Tô Lâm.

Bà khẳng định rằng với Việt Nam, “chúng tôi quyết tâm dốc toàn lực để đóng góp vào thành công của mối quan hệ đối tác này”. Những người bạn của Việt Nam - rất đông đảo - những người đã sát cánh cùng Việt Nam trong những thời khắc khó khăn, đến hôm nay vẫn luôn giữ tấm lòng thủy chung. Giờ đây, họ mong muốn thiết lập những mối quan hệ mới trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch,...

Nhân dịp này, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã để lại một dấu ấn to lớn và đến nay vẫn là tấm gương sáng cho các thế hệ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ ngày đặt chân đến Marseille khi mới 21 tuổi, với vai trò là một phụ bếp trên tàu thủy, Người đã không ngừng học hỏi, đi khắp nước Pháp và thế giới, tìm hiểu và trăn trở để tìm con đường riêng cho dân tộc Việt Nam. Người đã tìm ra con đường đó, cùng những người bạn đồng hành và luôn đặt ngoại giao lên hàng đầu, thiết lập quan hệ với các chính phủ và nhân dân thế giới, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam.

Cuối cuộc trả lời phỏng vấn, bà Hélène Luc nhấn mạnh rằng ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần vạch ra một con đường cho thế giới nơi mà hợp tác, sự tôn trọng lẫn nhau và hạnh phúc của tất cả mọi người là động lực chính của lịch sử, vì một thế giới hòa bình.

Bài và ảnh: Nguyễn Thu Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/y-chi-cua-ca-dan-toc-da-lam-nen-chien-thang-truoc-kia-va-thanh-cong-hien-tai-20250423174746516.htm