Tọa đàm khoa học về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm khoa học 'Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao, thực trạng và giải pháp'.

Ông Ngô Phương Nghị, Quyền Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn phát biểu khai mạc Tọa đàm khoa học về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Anh Sơn)

Ông Ngô Phương Nghị, Quyền Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn phát biểu khai mạc Tọa đàm khoa học về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Anh Sơn)

Tham dự Tọa đàm có đại diện các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý thuộc Vụ hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ), Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu Hải quan (Tổng cục Hải quan), Viện nghiên cứu pháp luật và trợ giúp pháp lý, Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), Ban Tổ chức cán bộ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Học viện Hành chính quốc gia, đại diện các đơn vị sự nghiệp của Bộ Ngoại giao…

Phù hợp với quy luật kinh tế

Phát biểu khai mạc và dẫn đề cho buổi Tọa đàm, ông Ngô Phương Nghị, Quyền Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn chia sẻ, việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước, vừa giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho nhân dân, vừa giảm gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước.

Để triển khai hiệu quả chủ trương này, nhất là từ sau Kết luận số 37-TB/TW của Bộ Chính trị ngày 26/5/2011 về “Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các ĐVSNCL, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiêp công”, Đảng, Nhà nước và các các bộ, ngành đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp lý, nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất.

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nhiều quy định mới đã được ban hành, như: Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày21/ /2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 05/9/2022 của Chính phủ về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2022; Thông tư số 56/2022/TT-BTC, ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập…

Tuy nhiên, thực tế triển khai cơ chế này tại Bộ Ngoại giao thường phát sinh vấn đề mới và khó, nên rất cần có những nghiên cứu chuyên sâu để chỉ rõ nguyên nhân của các vướng mắc, hạn chế, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm tiếp tục thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Tọa đàm. (Ảnh: Anh Hải)

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Tọa đàm. (Ảnh: Anh Hải)

Nhiều khuyến nghị với các đơn vị sự nghiệp công lập Bộ Ngoại giao

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận: về cơ sở lý luận và thực tiễn về quá trình đổi mới cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập; về khung pháp lý; về thực tiễn việc tổ chức, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập của một số nước trên thế giới; về thực trạng đổi mới cơ chế tự chủ hiện nay trên cả nước; về việc tổ chức lại các đơn vị này…

Các đại biểu cũng đã nêu rõ những vấn đề tồn tại từ thực tiễn của chính đơn vị sự nghiệp công lập của mình hoặc do mình quản lý; về lộ trình chuyển đổi; về cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công, về vị trí việc làm gắn với định mức kinh tế kỹ thuật của từng dịch vụ sự nghiêp công, cơ chế chi trả dịch vụ...; về hình thức giao khoán…

Từ đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm: tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị này; đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công có lộ trình cụ thể; hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Nhiều ý kiến cũng đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Ngoại giao như: Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, Học viện Ngoại giao, Báo Thế giới và Việt Nam, Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước nhoài (trực thuộc Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn), Trung tâm vận tải đối ngoại V75…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Tọa đàm. (Ảnh: Anh Sơn)

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Tọa đàm. (Ảnh: Anh Sơn)

Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Ngô Phương Nghị cảm ơn những đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự đến từ trong và ngoài ngành, đồng thời cho rằng, qua Tọa đàm, các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Ngoại giao có thêm nhiều thông tin về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và kinh nghiệp thực tiễn để để xuất được giải pháp, lộ trình và cơ chế chính sách nhằm đổi mới hơn nữa hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ nhằm cung cấp ngày càng tốt hơn dịch vụ sự nghiệp công có chất lượng để phục vụ người dân và bạn bè quốc tế...

Nhóm nghiên cứu đề tài tại Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn tiếp thu và ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu nhằm tiếp tục hoàn thiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ của đơn vị chủ trì.

Trần Liễu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/toa-dam-khoa-hoc-ve-doi-moi-co-che-tu-chu-tai-chinh-cua-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-truc-thuoc-bo-ngoai-giao-287797.html