Tọa đàm 'Màu ký ức' tri ân các nhà báo - liệt sĩ
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 19-7, tại Hà Nội, Liên Chi hội Nhà báo Bộ VH-TT-DL phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức giao lưu, tọa đàm tri ân các nhà báo - liệt sĩ với chủ đề Màu ký ức.
Với vai trò là những thư ký của thời đại, trong gần một thế kỷ qua, các thế hệ người làm báo Việt Nam đã cùng viết nên những trang sử đầy tự hào của nền báo chí cách mạng nước nhà.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - ngôi nhà di sản của các thế hệ người làm báo, nơi lưu giữ, trưng bày trên 35.000 tài liệu, hiện vật qua các thời kỳ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, kể từ khi thành lập đến nay đã trở thành điểm đến có sức thu hút với nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, của đông đảo các thế hệ người làm báo nước nhà. Trong đó có những tài liệu, hiện vật dẫu đã nhuốm màu thời gian nhưng là ký ức vĩnh cửu về những thế hệ nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt, có nhiều tài liệu, hiện vật vô giá của những nhà báo - chiến sĩ đã từng xông pha trên chiến trường, giữa mưa bom bão đạn, nhiều người đã đổ máu, đã hy sinh trên con đường đưa thông tin, hình ảnh đến với độc giả. Đó không chỉ là những tài sản có giá trị không gì đong đếm được mà bảo tàng Báo chí Việt Nam đã dày công sưu tầm, bảo quản, trưng bày, mà còn là những thông điệp đắt giá, là tấm gương để thế hệ làm báo hôm nay tri ân, soi chiếu và nhắc nhở chính mình trên hành trình tác nghiệp.
Tại khu tưởng niệm các nhà báo - liệt sĩ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, các đại biểu đã thành kính dâng hoa, nghiêng mình tưởng nhớ những cây bút dũng cảm đã không tiếc máu xương, chẳng quản ngại hy sinh để dấn thân, cống hiến, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc, tự hào cho sự phát triển của nền báo chí dân tộc.
Tham dự tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ những ký ức đẹp đẽ, đầy tự hào. Đó là những câu chuyện xúc động từ nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An - người đã miệt mài dành 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ. Nhà báo Trần Văn Hiền cũng được nhiều người biết đến với bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh". Các đại biểu cũng được nghe những trao đổi về nghề từ nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; giao lưu trò chuyện với gia đình nhà báo, luật sư Phan Tứ Kỳ - liệt sĩ hy sinh năm 1972 ở Quảng Trị…
Chương trình là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với những nhà báo - liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, những người đã tận hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/toa-dam-mau-ky-uc-tri-an-cac-nha-bao-liet-si-post750068.html