Tọa đàm 'Màu ký ức': Tri ân các nhà báo liệt sĩ tận hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), sáng 19/7, tại Hà Nội, Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTT&DL phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức chương trình Giao lưu, Tọa đàm tri ân các nhà báo liệt sĩ với chủ đề 'Màu Ký ức'.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phan Thanh Nam - Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Bộ VHTT&DL, Phó Tổng biên tập Báo Văn hóa chia sẻ, với vai trò là những thư ký của thời đại, trong gần một thế kỷ qua, các thế hệ người làm báo Việt Nam đã cùng nhau viết nên những trang sử đầy tự hào của nền báo chí cách mạng nước nhà.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam- ngôi nhà di sản của các thế hệ người làm báo, nơi lưu giữ và trưng bày trên 35 ngàn tài liệu, hiện vật qua các thời kỳ của nền báo chí Việt Nam, kể từ khi thành lập đến nay đã trở thành điểm đến có sức thu hút với nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, của đông đảo các thế hệ người làm báo cả nước.

 Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Ông Phan Thanh Nam xúc động cho biết, nghiêng mình tưởng nhớ những nhà báo- liệt sĩ, chương trình Giao lưu, Tọa đàm, tri ân với chủ đề “Màu ký ức” là một hoạt động ý nghĩa do các cán bộ, nhà báo đến từ Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL và Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp tổ chức. Trong chương trình, những câu chuyện mang màu ký ức đẹp đẽ và tự hào sẽ được các diễn giả, khách mời chia sẻ.

"Thông qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa tới thế hệ những người cầm bút hôm nay. Màu ký ức có sắc đỏ của máu cha ông đã hi sinh và cống hiến. Màu ký ức có màu xanh hi vọng, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho thế hệ trẻ, trong đó có những người làm báo đương đại. Màu ký ức cũng là sự tôn vinh những hi sinh bất khuất của các nhà báo, phóng viên chiến trường đã tận hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam", ông Phan Thanh Nam bày tỏ.

 Ông Phan Thanh Nam phát biểu khai mạc.

Ông Phan Thanh Nam phát biểu khai mạc.

Bà Trần Thị Kim Hoa - Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, trong số trên 35 ngàn tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng, có những tài liệu, hiện vật dẫu đã nhuốm màu thời gian nhưng là ký ức vĩnh cửu về những thế hệ nhà báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều tài liệu, hiện vật vô giá của những nhà báo - chiến sĩ đã từng xông pha trên chiến trường, giữa mưa bom bão đạn, nhiều người đã đổ máu, đã hi sinh trên con đường đưa thông tin, hình ảnh đến với độc giả.

Đó không chỉ là những tài sản có giá trị không gì đong đếm được mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã dầy công sưu tầm, bảo quản, trưng bày mà còn là những thông điệp đắt giá, là tấm gương để các thế hệ làm báo hôm nay tri ân, soi chiếu và nhắc nhở chính mình trên hành trình tác nghiệp. Để có được những tài liệu, hiện vật vô giá đó, các cán bộ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hành trình gian nan, nhiều khi là những cuộc chạy đua với thời gian.

 Nhà báo Trần Văn Hiền kể lại những câu chuyện xúc động của những nhà báo liệt sĩ.

Nhà báo Trần Văn Hiền kể lại những câu chuyện xúc động của những nhà báo liệt sĩ.

Theo bà Trần Thị Kim Hoa, hơn ai hết, mỗi cán bộ Bảo tàng đều thấm thía rằng, gia tài vô giá mà các thế hệ làm báo đi trước để lại đang mai một từng ngày, nếu không kịp thời, chúng ta sẽ không thể tìm lại. Để có được những bài báo, cây bút, cuốn sổ hay chiếc máy ảnh, máy quay... là kỷ vật để lại của những nhà báo- liệt sĩ, các cán bộ của Bảo tàng đã không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng lên đường ngay khi có thông tin về hiện vật.

"Điểm nhấn đặc biệt trong không gian trưng bày của Bảo tàng chính là khu tưởng niệm các nhà báo liệt sĩ, nơi chúng ta trân trọng tri ân và tưởng nhớ những cây bút dũng cảm đã không tiếc máu xương, chẳng quản ngại hi sinh để dấn thân và cống hiến, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc, tự hào cho sự phát triển của nền báo chí dân tộc. Khu tưởng niệm được thiết kế với các vách kính ghép lại với nhau cùng tông màu đỏ chủ đạo, có khắc tên và cơ quan của các nhà báo liệt sĩ từ trước năm 1945 đến nay", bà Trần Thị Kim Hoa xúc động chia sẻ.

 Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ tại sự kiện.

Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ tại sự kiện.

Trong chương trình, những câu chuyện mang màu ký ức đẹp đẽ và tự hào được các diễn giả, khách mời chia sẻ. Đó là những trao đổi về nghề từ nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và hiện là Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam. Đó là những câu chuyện xúc động từ nhà báo Trần Văn Hiền - nguyên Phó TBT Báo Nghệ An và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An, người đã miệt mài dành 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ. Nhà báo Trần Văn Hiền cũng được nhiều người biết đến với bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh".

Các khách mời, đại biểu và các phóng viên, nhà báo đã cùng giao lưu, trò chuyện với gia đình Nhà báo, liệt sĩ Phan Tứ Kỷ- liệt sĩ hi sinh năm 1972 ở Quảng Trị.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, nhà báo Phan Duy Hương đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 01 sổ ghi chép, một số tư liệu ảnh và 05 cuốn sách: "Thư chiến trường và những tấm hình có lửa; nhà báo Trần Văn Hiền - nguyên Phó TBT Báo Nghệ An hiến tặng Bảo tàng 02 cuốn sách "Nguyễn Ái Quốc - Nhà báo không thẻ" và "Dáng đứng dưới tầm bom" cùng một số các hiện vật khác được trao tặng.

 Gia đình Nhà báo, liệt sĩ Phan Tứ Kỷ trao kỷ vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Đức Trung)

Gia đình Nhà báo, liệt sĩ Phan Tứ Kỷ trao kỷ vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Đức Trung)

Xúc động khi nhận được các hiện vật quý giá, bà Trần Thị Kim Hoa cho biết, Bảo tàng Báo chí Việt Nam khi ra đời đã nhận được sự ủng hộ, động viên vô cùng to lớn của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và nhiều công chúng báo chí trong cả nước.

"Bảo tàng Báo chí Việt Nam xin bày tỏ sự trân trọng và biết ơn sâu sắc những chia sẻ quý giá đó, xin hứa sẽ giữ gìn và giới thiệu rộng rãi nhất các di sản này đến với công chúng trong và ngoài nước", Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhấn mạnh.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

 Trước đó, các đại biểu đã tham quan khu trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Trước đó, các đại biểu đã tham quan khu trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

 Mỗi hiện vật, tư liệu của các nhà báo liệt sĩ đều là những tài sản tinh thần quý giá được giữ gìn.

Mỗi hiện vật, tư liệu của các nhà báo liệt sĩ đều là những tài sản tinh thần quý giá được giữ gìn.

 Để có được những tài liệu, hiện vật vô giá đó, các cán bộ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hành trình gian nan.

Để có được những tài liệu, hiện vật vô giá đó, các cán bộ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hành trình gian nan.

 Bà Trần Thị Kim Hoa nhận kỷ vật trao tặng. (Ảnh: Đức Trung)

Bà Trần Thị Kim Hoa nhận kỷ vật trao tặng. (Ảnh: Đức Trung)

Hòa Giang - Sơn Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/toa-dam-mau-ky-uc-tri-an-cac-nha-bao-liet-si-tan-hien-cho-su-nghiep-bao-chi-cach-mang-viet-nam-post304083.html