Tọa đàm 'Màu ký ức': Tri ân hơn 500 liệt sỹ của nền báo chí Việt Nam

Trong lịch sử gần 100 năm của báo chí cách mạng Việt Nam, đã có hơn 500 nhà báo-liệt sỹ đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ.

Một số hiện vật của nhà báo-liệt sỹ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Một số hiện vật của nhà báo-liệt sỹ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã đi được một hành trình gần 100 năm. Các thế hệ nhà báo trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau xông pha trên mọi mặt trận với tinh thần dấn thân cống hiến và sẵn sàng hy sinh.

Đó là nhận định của ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam tại chương trình giao lưu, tọa đàm tri ân các nhà báo liệt sỹ diễn ra ngày 19/7, tại Hà Nội với chủ đề “Màu ký ức.”

Theo ông Hồ Quang Lợi, dù là phóng viên viết hay phóng viên ảnh, các nhà báo trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là những chiến sỹ. Trải qua những cuộc kháng chiến trường chinh của đất nước, đã có hơn 500 nhà báo hy sinh trong quá trình tác nghiệp và cầm súng chiến đấu.

 Ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Báo chí Việt Nam đang trong cuộc chuyển mình mạnh mẽ chưa từng có. Điều kiện làm báo ngày nay rất khác với trước đây và cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức, song tôi cho rằng lý tưởng, đạo đức, tâm thế làm nghề của báo chí cách mạng Việt Nam thì không bao giờ thay đổi. Các nhà báo thế hệ trước đã hy sinh thân mình cho dân tộc, nay chúng ta cần tiếp tục con đường vẻ vang đó,” ông Lợi nói.

Chương trình giao lưu, tọa đàm do Liên chi hội Nhà báo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024), hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Phan Thanh Nam, Phó Tổng biên tập Báo Văn hóa khẳng định rằng chương trình “Màu ký ức” là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với những nhà báo, liệt sỹ đồng thời tôn vinh những hy sinh bất khuất của những nhà báo, phóng viên chiến trường đã tận hiến cho sự nghiệp báo chí Việt Nam.

 Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Ban tổ chức mong muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa tới thế hệ những người cầm bút hôm nay. ‘Màu ký ức’ có sắc đỏ của máu cha ông đã hy sinh và cống hiến. ‘Màu ký ức’ là màu xanh hy vọng, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho thế hệ trẻ, trong đó có những người làm báo đương đại,” nhà báo Phan Thanh Nam nói.

Những câu chuyện mang màu ký ức đẹp đẽ và tự hào đã được các diễn giả, khách mời chia sẻ, trong đó có những câu chuyện xúc động từ nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An, người đã miệt mài dành 15 năm tìm danh tính hơn 500 nhà báo liệt sỹ. Ông Trần Văn Hiền cũng được nhiều người biết đến với bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh.”

Theo ông Trần Văn Hiền, thời chiến tranh, có bao nhiêu cơ quan báo chí thì có bấy nhiêu người vào chiến trường. Do đó, ông quyết định đến từng cơ quan báo chí để tìm hiểu. Ông thu thập thông tin của các nhà báo liệt sỹ tại các cơ quan có nhiều người hy sinh trong các cuộc kháng chiến như: Thông tấn xã Việt Nam, Điện ảnh Quân đội, Đài Tiếng nói Việt Nam…

 (Từ trái sang) Các hiện vật của nhà báo Đinh Hữu Dư (Thông tấn xã Việt Nam), quay phim Nguyễn Như Đạt (Xưởng Phim Quân đội) và nhà báo-liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết (Báo Hoàng Liên Sơn). (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

(Từ trái sang) Các hiện vật của nhà báo Đinh Hữu Dư (Thông tấn xã Việt Nam), quay phim Nguyễn Như Đạt (Xưởng Phim Quân đội) và nhà báo-liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết (Báo Hoàng Liên Sơn). (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ông Hiền luôn day dứt về việc không tìm được phần mộ của hầu hết các nhà báo hy sinh. Đây thật sự là nỗi đau khôn nguôi. Ông bày tỏ tâm nguyện mong các cấp đoàn thể và chính quyền luôn tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ là những nhà báo, cần có những công trình tưởng nhớ các liệt sỹ là nhà báo.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, nhà báo Phan Duy Hương đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 1 sổ ghi chép, một số tư liệu ảnh và 5 cuốn sách: "Thư chiến trường và những tấm hình có lửa"; nhà báo Trần Văn Hiền hiến tặng 2 cuốn sách "Nguyễn Ái Quốc - Nhà báo không thẻ""Dáng đứng dưới tầm bom" cùng một số các hiện vật khác./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/toa-dam-mau-ky-uc-tri-an-hon-500-liet-sy-cua-nen-bao-chi-viet-nam-post965660.vnp