Tọa đàm 'Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy'

Chiều nay, 27-12, tại Báo Hànôịmới diễn ra tọa đàm 'Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy'.

9' trướcSách giáo khoa ngày càng được nâng cao về chất lượng

Sau hơn 2 giờ thảo luận sôi nổi, tọa đàm đã kết thúc với rất nhiều thông tin, đóng góp hữu ích nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa, phục vụ việc dạy học tốt hơn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hữu Tiệp

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hữu Tiệp

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Lại Bá Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Hànôịmới cảm ơn các đại biểu tham dự tọa đàm.

“Dù cuộc tọa đàm gói gọn trong vấn đề sách giáo khoa, chất lượng sách giáo khoa, nhưng chúng ta nhìn được cả những góc cạnh khác nhau trong lĩnh vực giáo dục”, ông Lại Bá Hà nhấn mạnh.

Từ những câu chuyện mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm, ông Lại Bá Hà cho rằng, với sự đầu tư rất chuyên nghiệp và bài bản, sách giáo khoa ngày càng được nâng cao về chất lượng, nhờ đó, chúng ta đã có được những bộ sách chất lượng hơn trước.

“Tôi mong rằng, thời gian tới, từ Sở Giáo dục và đào tạo, các trường học đến giáo viên, học sinh và phụ huynh có sự kết nối chặt chẽ hơn nữa, chia sẻ tốt hơn, phục vụ tốt hơn việc dạy và học”, ông Lại Bá Hà bày tỏ.

13' trướcKhông ngừng học tập kinh nghiệm xuất bản sách giáo khoa của thế giới

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đánh giá cao các ý kiến góp ý nhiều chiều, đậm tính thực tiễn của các thầy, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại buổi tọa đàm. Những ý kiến này đã mang đến nhiều thông tin bổ ích giúp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam định hướng công việc tốt hơn trong thời gian tới.

Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang gặp khó khăn không nhỏ trong việc lựa chọn những tác phẩm hay, bởi một số tác phẩm bị vướng ở khâu thương thảo bản quyền. Cùng với đó, việc phát triển học liệu điện tử dù đang có dự án đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng, nhưng không thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai.

Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng. Ảnh: Hữu Tiệp

Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng. Ảnh: Hữu Tiệp

Chia sẻ về giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng sách giáo khoa, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết: "Một là, chúng tôi không ngừng học tập kinh nghiệm xuất bản sách giáo khoa của thế giới, với mục tiêu ngày càng tiệm cận các nước phát triển về hình thức và nội dung, tạo sự khác biệt lớn so với sách giáo khoa trước đây. Sự khác biệt đó tạo hiệu quả lớn trong tổ chức dạy học.

Hai là, tăng cường công tác đào tạo biên tập viên, họa sĩ thiết kế. Đây là công việc đặc thù, đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư, mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn, tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm làm sách ở các nước phát triển. Kinh nghiệm cho thấy, khi làm chương trình sách giáo khoa năm 2018, chúng tôi đã tổ chức các đoàn đi Thái Lan, Singapore… học tập kinh nghiệm biên soạn sách của các nhà xuất bản nổi tiếng, góp phần nâng cao chất lượng làm sách.

Ba là, tăng cường đầu tư công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đẩy mạnh đầu tư học liệu điện tử đưa vào quá trình làm sách giáo khoa, bắt kịp nhu cầu thực tiễn hiện nay. Việc đầu tư học liệu điện tử thực sự vô cùng hữu ích và cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giúp công tác giảng dạy sôi động, hấp dẫn, cuốn hút, tạo điều kiện hỗ trợ học sinh dễ dàng tiếp thu.

Tuy nhiên, khối lượng công việc đầu tư học liệu điện tử rất lớn, vì vậy, chúng tôi sẽ vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng thực hiện từng năm. Đây là việc làm quan trọng để sách giáo khoa không quá dày, góp phần giảm giá thành, đồng thời, không ngừng mở rộng không gian, dung lượng của sách qua học liệu điện tử.

Bốn là, tiếp tục mở ra nhiều kênh, kịp thời giải đáp thắc mắc của các thầy cô trong quá trình dạy học. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận tất cả thông tin của thầy cô, học sinh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tổ chức tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa, hỗ trợ các thầy, cô giáo truyền tải những nội dung hay nhất của sách giáo khoa để việc dạy học hiệu quả hơn.

Đặc biệt, đối với các thầy, cô giáo trên địa bàn Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn coi đây là hậu phương vững chắc khi tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Nhiều thầy, cô giáo trực tiếp đứng lớp tham gia cùng đội ngũ GS.TS biên soạn sách, giúp sách giáo khoa ngày càng hiện đại và sát thực tiễn hơn...".

Kết thúc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn Báo Hànôịmới đã tổ chức cuộc tọa đàm, cảm ơn đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các thầy, cô giáo của Thủ đô đã có những ý kiến đóng góp thực tế để Nhà xuất bản nâng cao hơn nữa các sản phẩm sách giáo khoa, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo.

16' trướcViệc xã hội hóa sách giáo khoa giúp cung cấp thêm ngữ liệu để giảng dạy và học tập

Bà Vũ Mai Lan, Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội cho rằng, việc xã hội hóa sách giáo khoa là điều rất tốt, sẽ có nhiều bộ sách cho học sinh tham khảo.

Chương trình giáo dục phổ thông mới có 3 bộ sách sẽ có nhiều dữ liệu để tham khảo. Có thể một số chỗ, ngữ liệu của bộ sách chưa khớp nhau. Vì vậy, các nhà xuất bản nên rà soát, lắng nghe ý kiến của giáo viên để sắp xếp ngữ liệu phù hợp. Khi có nhiều bộ sách, có sự cạnh tranh thì những người làm sách sẽ phải cố gắng hết sức để làm sách một cách tốt nhất.

Theo bà Lan, mỗi đơn vị đều nên có cả 3 bộ sách trong thư viện để giáo viên, học sinh có thể tìm thêm ngữ liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập.

30' trướcTăng tính ứng dụng của các bài học trong sách giáo khoa

Để nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, theo ông Nguyễn Vũ Nam Sơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, sách giáo khoa mới hướng tới phát triển năng lực cho học sinh, nên cần giảm nhẹ nội dung, tăng tính ứng dụng của các bài học.

Về phía giáo viên, từ sách giáo khoa, cần có phương pháp hướng theo mạch nội dung của sách và có sự sáng tạo để thu hút sự tham gia của học sinh. Những bài học không chỉ được giảng dạy qua bảng đen và phấn trắng, giấy bút, mà còn cần được thực hiện ở sân trường, hoặc trải nghiệm qua những buổi học ngoại khóa ngoài trời. Khi giáo viên sử dụng sách giáo khoa, để bài giảng thêm phong phú, giáo viên cần tận dụng các kiến thức khác nhau và kèm thêm các loại sách bổ trợ khác.

Các đại biểu dự tọa đàm đánh giá, công tác biên soạn, xuất bản sách giáo khoa đã được thực hiện tốt.

Các đại biểu dự tọa đàm đánh giá, công tác biên soạn, xuất bản sách giáo khoa đã được thực hiện tốt.

36' trướcXây dựng học liệu điện tử phục vụ việc dạy và học

Bà Vũ Mai Lan, chuyên viên phụ trách môn Âm nhạc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ: Đội ngũ tác giả của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam rất tâm huyết, bám sát yêu cầu được đặt ra cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, với mục đích phát triển, hình thành năng lực của học sinh thông qua việc dạy và học.

Bà Vũ Mai Lan, chuyên viên phụ trách môn Âm nhạc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ảnh: Hữu Tiệp

Bà Vũ Mai Lan, chuyên viên phụ trách môn Âm nhạc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ảnh: Hữu Tiệp

Sách giáo khoa mới khác với sách giáo khoa 2016, trang sách đẹp, bắt mắt, phù hợp với học sinh. Có bộ sách không chỉ sử dụng hình vẽ, mà sử dụng hình ảnh thật, tăng tính trực quan sinh động. Ngoài ra, cấu trúc sách rất rõ ràng, như một câu chuyện, học sinh rất thích thú tìm hiểu, còn giáo viên thì dễ dàng khai thác và truyền đạt lại tri thức cho học sinh.

"Tôi mong muốn, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng đồng hành với ngành Giáo dục trên toàn quốc, cùng với việc xuất bản sách giáo khoa còn xây dựng học liệu điện tử để hỗ trợ giáo viên trong những môn học cần có thực hành trên thực tế như: Vật lý, hóa học, âm nhạc…", bà Vũ Mai Lan gợi mở.

56' trướcHọc sinh nên tham khảo kiến thức từ nhiều bộ sách khác nhau

Cô Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm) cho rằng, để sử dụng bộ sách giáo khoa một cách hiệu quả, sự đồng hành của giáo viên rất cần thiết. Việc thiết kế hệ thống câu hỏi cần bám sát yêu cầu của chương trình phổ thông 2018.

Cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm) phát biểu. Ảnh: Hữu Tiệp

Cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm) phát biểu. Ảnh: Hữu Tiệp

Trong quá trình học một bộ sách, học sinh cần tham khảo nhiều nguồn, nhiều bộ sách khác nhau, nghiên cứu kỹ các câu hỏi trong sách giáo khoa, nếu khó, có thể hỏi trực tiếp các thầy cô trên lớp. Học sinh nên tận dụng các kiến thức khác nhau ở nhiều bộ sách khác nhau. Việc có nhiều bộ sách giúp học sinh hiểu sâu hơn, bám sát hơn chương trình giáo dục và đạt được thành tích tốt trong các bài thi, bài kiểm tra.

59' trướcGiáo viên đóng vai trò quan trọng để biến sách giáo khoa thành người bạn thực sự của học sinh

Cô giáo Lê Thu Thủy, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, công tác biên soạn, xuất bản sách giáo khoa đã được thực hiện tốt rồi, nhưng việc sử dụng, khai thác sách giáo khoa làm sao cho hiệu quả là trăn trở của cả nhà xuất bản, nhà trường và giáo viên, bởi nó liên quan trực tiếp tới chất lượng học tập của học sinh.

Cô giáo Lê Thu Thủy, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hữu Tiệp

Cô giáo Lê Thu Thủy, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hữu Tiệp

Theo cô giáo Lê Thu Thủy, để việc sử dụng sách giáo khoa hiệu quả, trách nhiệm của giáo viên đứng lớp rất quan trọng. Mỗi thầy cô phải làm sao để hướng dẫn, hỗ trợ học sinh, tổ chức các hoạt động để các em khai thác, tìm hiểu nội dung trong sách tốt nhất, biến sách giáo khoa thực sự thành người bạn đồng hành trong quá trình tiếp nhận tri thức của mỗi em.

1h trướcKhó khăn trong cung ứng sách giáo khoa theo nhu cầu riêng của từng trường

Về điểm giống và khác của quy trình biên soạn, xuất bản sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với trước kia, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Điểm khác biệt lớn nhất giữa sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với giai đoạn trước, đó là có nhiều bộ sách giáo khoa được tổ chức biên soạn, thẩm định và đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay vì chỉ có một bộ sách được sử dụng thống nhất trên cả nước.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Hữu Tiệp

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Hữu Tiệp

Quy trình biên soạn, xuất bản sách giáo khoa từ trước chương trình 2006 đến chương trình 2018 về cơ bản đều giống nhau ở một số điểm, như: Xây dựng đội ngũ tác giả, biên tập, thiết kế; biên soạn, thiết kế các bài mẫu; thực nghiệm các bài mẫu; hoàn thiện các bài mẫu; biên soạn đại trà; thiết kế, chế bản, minh họa, vẽ bìa; trình thẩm định quốc gia; xin ý kiến rộng rãi; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành sử dụng.

Điểm khác về quá trình biên soạn, xuất bản, đó là sách giáo khoa trước đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, dạy thí điểm, tập huấn giáo viên; nhà xuất bản chỉ thực hiện từ khâu biên tập, xuất bản, in và phát hành. Với sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà xuất bản/đơn vị tổ chức biên soạn phải thực hiện toàn bộ các khâu, từ xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, biên tập; tổ chức thực nghiệm; giới thiệu, tập huấn giáo viên; xuất bản, in và phát hành. Các đơn vị xuất bản cũng phải chịu toàn bộ chi phí liên quan đến cả quá trình này.

Trước đây, do chỉ có một bộ sách giáo khoa nên không phải thực hiện công đoạn giới thiệu sách. Khi thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, các nhà xuất bản phải tự tổ chức giới thiệu sách tới giáo viên, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc bằng nhiều phương thức khác nhau. Việc cung ứng sách cũng phức tạp hơn, do các địa phương không lựa chọn sách giáo khoa theo bộ, mà lựa chọn theo môn học. Các trường học có thể lựa chọn sách từ nhiều bộ khác nhau. Do đó, các đơn vị xuất bản cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình cung ứng sách theo nhu cầu riêng của từng trường.

Đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có 485 đầu sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 và đã nhận được những phản hồi rất tích cực, đáp ứng đầy đủ các môn học. Sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đang được đại đa số cơ sở giáo dục trên toàn quốc lựa chọn và sử dụng.

Khi xã hội hóa sách giáo khoa, các nhà xuất bản phải tự tổ chức giới thiệu sách tới giáo viên, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

Khi xã hội hóa sách giáo khoa, các nhà xuất bản phải tự tổ chức giới thiệu sách tới giáo viên, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

1h trướcMặt bằng giá sách giáo khoa có sự thay đổi lớn

Chia sẻ về giải pháp nhằm bảo đảm mọi học sinh được tiếp cận đủ, đúng thời gian và đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, PGS. TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng các cuốn sách.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Tùng, trước đây, có giai đoạn, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trong chi phí tổ chức bản thảo; nhà xuất bản chỉ tập trung lo tổ chức biên tập, in ấn, phát hành. Khổ sách, chất liệu giấy trước đây cũng không đòi hỏi chất lượng cao như hiện nay, đơn cử như sách THCS, THPT chỉ cần in 1 màu.

Tuy nhiên, hiện nay, sách giáo khoa đặc biệt coi trọng sử dụng hình ảnh để biểu hiện nội dung. Do khổ sách lớn hơn, in 4 màu để hình ảnh hóa nội dung nên giá thành của sách cũng cao hơn. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu, công in đều tăng nhiều so với trước. Do vậy, mặt bằng giá có sự thay đổi lớn, dẫn tới việc giá của các bộ sách giáo khoa có độ chênh so với trước đây là tất yếu.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hữu Tiệp

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hữu Tiệp

"Thấu hiểu đời sống nhiều gia đình hiện nay còn khó khăn, với trách nhiệm của một nhà xuất bản 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi nỗ lực tiết giảm chi phí nhiều công đoạn, bao gồm chi phí bản thảo, chi phí lưu thông để giảm giá sách giáo khoa. Cụ thể, đầu hè năm 2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tiết giảm chi phí, giảm giá tái bản sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Bộ Kết nối tri thức được giảm 9,6% giá bìa. Bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2% giá bìa. Việc giảm giá xấp xỉ 10% và trên 10% là tỷ lệ giảm giá rất lớn, khẳng định nỗ lực lớn của Nhà xuất bản và các đơn vị thành viên tham gia chuỗi biên tập thiết kế, chuỗi phát hành sách giáo khoa, chung tay vì quyền lợi của người tiêu dùng, vì an sinh xã hội", PGS.TS Nguyễn Văn Tùng khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng đặc biệt nhấn mạnh, nguyên tắc của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đó là nỗ lực tối đa bằng nhiều giải pháp đồng bộ để có thể giảm giá sách, nhưng luôn bảo đảm chất lượng giấy in, mực in, quy cách của sách.

Chia sẻ thêm về hoạt động xã hội từ thiện của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết, riêng năm 2024, nhà xuất bản đã thực hiện tặng sách cho các đối tượng thuộc diện đối tượng chính sách; hỗ trợ sách tham khảo trị giá gần 200 triệu đồng, hỗ trợ văn phòng phẩm hơn 100 triệu đồng, trao học bổng bằng tiền mặt hơn 200 triệu đồng... Chung tay khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ủng hộ sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục trị giá 891 triệu đồng và hơn 770 triệu đồng tiền mặt.

1h trướcCần triển khai thêm hệ thống sách tham khảo để đa dạng nguồn học liệu

Đánh giá về chất lượng các bộ sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện đang được sử dụng, ông Nguyễn Vũ Nam Sơn, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình chia sẻ: "Từ khi bắt đầu triển khai chương trình năm 2018 đến nay, các bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn được tin tưởng lựa chọn. Cá nhân tôi đánh giá cao bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống trong việc bám sát chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018".

Ông Nguyễn Vũ Nam Sơn, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình. Ảnh: Hữu Tiệp

Ông Nguyễn Vũ Nam Sơn, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình. Ảnh: Hữu Tiệp

Theo ông Nguyễn Vũ Nam Sơn, sách bố trí nội dung hợp lý, từ dễ đến khó, phù hợp các đối tượng học sinh khác nhau. Thiết kế sách đẹp, bắt mắt, bố trí khoa học. Với riêng môn toán - một môn học tưởng như khô khan, các tác giả đã khéo léo lồng ghép kiến thức một cách sáng tạo, lôi kéo sự tò mò của học sinh, giúp giáo viên dễ dàng giảng dạy.

Bên cạnh đó, ông Sơn mong Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai thêm hệ thống sách tham khảo, giúp đa dạng nguồn học liệu cho học sinh ôn luyện.

1h trướcBộ sách Kết nối tri thức phù hợp, hữu ích để phát triển năng lực học sinh

Đánh giá về chất lượng bộ sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đang được sử dụng, cô giáo Lê Thu Thủy, giáo viên Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) cho biết, nhà trường đang sử dụng bộ sách Kết nối tri thức của nhà xuất bản.

“Năm học 2024-2025 là năm thứ 3 nhà trường và bản thân tôi là giáo viên ngữ văn trực tiếp giảng dạy theo bộ sách mới. Chúng tôi đánh giá bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức khá phù hợp và hữu ích cho mục tiêu giáo dục của nhà trường là phát triển năng lực học sinh. Bộ sách có nhiều cải tiến hình thức, tác động trực quan sinh động, giúp học sinh hứng thú thu nhận tri thức. Về nội dung, chúng tôi đánh giá là khoa học, sáng tạo, có sự chọn lọc từ văn bản đến hệ thống câu hỏi”, cô giáo Lê Thu Thủy nhận xét.

Cô giáo Lê Thu Thủy, giáo viên Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hữu Tiệp

Cô giáo Lê Thu Thủy, giáo viên Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hữu Tiệp

Theo cô giáo Lê Thu Thủy, trong thời gian triển khai bộ sách giáo khoa mới, nhà trường và các giáo viên đều được tập huấn để nắm bắt được mục tiêu của bộ sách, cách sử dụng sách nhằm truyền đạt tri thức tới học sinh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hiện nay, các trường đang sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau. Mỗi bộ sách có sự khác biệt thứ tự sắp xếp kiến thức nên cũng gây khó khăn cho việc hệ thống kiến thức và giảng dạy cho học sinh một cách thống nhất.

1h trướcMỗi bộ sách có ưu điểm riêng

Cô Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm) cho rằng, mỗi bộ sách giáo khoa đều có ưu điểm riêng.

Cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm). Ảnh: Anh Tuấn

Cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm). Ảnh: Anh Tuấn

“Bên cạnh những bài giảng trên lớp, tôi thường xuyên chia sẻ đường link cuốn “Hành trang số” của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho học sinh tự đặt câu hỏi, thiết kế đề thi theo cách tư duy của mình nên rất hữu ích cho các em. Các em tự thiết kế đề thi, dù chưa phải đã đạt chất lượng tốt, nhưng các thầy cô có thể chỉnh sửa cho các em. Nhờ đó, học sinh sẽ có cái nhìn phong phú, đa dạng và yêu thích môn ngữ văn hơn”, cô Nga chia sẻ.

1h trướcNhà xuất bản là một "mắt xích" quyết định sự thành công của xã hội hóa sách giáo khoa

Đề cập đến vai trò, đóng góp của các nhà xuất bản đối với sự thành công của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương và nhiệm vụ lớn, không dễ hoàn thành. Trước đây, cả nước chỉ làm một bộ sách giáo khoa, nhưng khi xã hội hóa với nhiều bộ sách giáo khoa thì lượng công việc rất khổng lồ.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Hữu Tiệp

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Hữu Tiệp

Khi làm sách giáo khoa xã hội hóa, nhà xuất bản sẽ đảm nhiệm hầu hết các công đoạn, như: Thẩm định, tổng hợp, biên tập, thiết kế, in ấn, phát hành… Một điểm nữa là tiến độ đổi mới sách giáo khoa cũng gấp gáp, dồn dập, nếu không có các nhà xuất bản có tính chuyên nghiệp cao, tiềm lực về mọi mặt (gồm: Nhân lực, tài lực, vật lực, cơ sở vật chất…) thì chúng ta không thể làm được các bộ sách giáo khoa xã hội hóa.

Hiện, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có 985 tác giả, trong đó có đến 224 tổng chủ biên và chủ biên. Trong số các tác giả này, có rất nhiều nhà khoa học, nhà giáo được đào tạo bài bản ở các cơ sở đào tạo ở nước ngoài về. Ngoài ra, để làm được sách giáo khoa xã hội hóa, cần có đội ngũ biên tập viên, họa sĩ thiết kế. Đây là linh hồn của nhà xuất bản.

Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, việc biên tập sách giáo khoa và sách giáo dục không giống như những loại sách thông thường. Người biên tập sách giáo khoa phải là biên tập viên được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành.

Ngoài ra, đối với vấn đề tài lực, việc đầu tư sách giáo khoa cần nguồn kinh phí rất lớn, lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc... hiện đại. Phần lớn nguồn vốn đầu tư, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải vay ngân hàng.

"Tôi xin khẳng định, nhà xuất bản có vai trò rất quan trọng, là nhân vật chính, nhân vật trung tâm của làm sách giáo khoa xã hội hóa. Có thể coi nhà xuất bản là một trong các yếu tố quyết định thành công xã hội hóa sách giáo khoa", PGS.TS Nguyễn Văn Tùng nói.

1h trướcSách giáo khoa là người thầy thứ hai, sau các thầy cô trên bục giảng

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng đánh giá cao công tác cải cách sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã theo kịp sự đổi mới của ngành giáo dục. Nhờ có sự cải cách sách giáo khoa, lượng tri thức được tăng lên rất nhiều. Sách giáo khoa thực sự là người thầy thứ hai, sau các thầy cô đứng trên bục giảng, giúp học sinh tiếp cận với kho tri thức của nhân loại.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng phát biểu. Ảnh: Hữu Tiệp

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng phát biểu. Ảnh: Hữu Tiệp

Ông Kiều Thanh Hùng cho rằng, để tiếp cận gần hơn với thời kì công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những nhà làm sách giáo khoa có thể sản xuất nhiều sách công nghệ hơn. Nếu làm được điều đó, con em chúng ta không phải trĩu nặng trên vai những quyển sách, giúp học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Ông Kiều Thanh Hùng hy vọng, thời gian tới, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có những hoạt động ký kết, hợp tác mới với các đơn vị làm sách nước ngoài và xây dựng các bộ sách công nghệ, thiết thực với học sinh hơn. Ngoài ra, nhà xuất bản cần hợp tác với đội ngũ giáo viên đang trực tiếp đứng giảng dạy để có những bộ sách gần gũi với học trò. Lượng sách tham khảo cần vừa phải, phù hợp với từng lứa tuổi, đồng hành với học sinh. Hy vọng, với sự đồng hành của báo chí, nhà xuất bản sẽ phát huy những điểm mạnh, khắc phục những yếu điểm của sách giáo khoa để đồng hành cùng học sinh.

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Hữu Tiệp

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Hữu Tiệp

1h trướcTìm giải pháp để công tác biên soạn, xuất bản sách giáo khoa tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy

Phát biểu đề dẫn, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và những nội dung chính của cuộc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Lại Bá Hà đánh giá cao vai trò của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trong công tác biên soạn, tổ chức tập huấn và phát hành sách giáo khoa cho các trường học thời gian qua.

Phó Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Lại Bá Hà phát biểu đề dẫn tọa đàm. Ảnh: Hữu Tiệp

Phó Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Lại Bá Hà phát biểu đề dẫn tọa đàm. Ảnh: Hữu Tiệp

Theo quy định, các địa phương cần hoàn thành việc chọn sách giáo khoa chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều địa phương thường không thực hiện đúng thời gian quy định, ra quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho địa phương mình bị muộn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ các công việc khác, như "chốt" bộ sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường và thông báo tới phụ huynh, học sinh; phối hợp nhà xuất bản tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới; cung cấp số lượng đăng ký sách giáo khoa cho nhà xuất bản… Việc thông báo nhu cầu số lượng sách giáo khoa của địa phương chậm muộn dẫn đến bị động cho các nhà xuất bản trong cung ứng sách trước thềm năm học mới.

Ngoài ra, trong kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, một số đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường bày tỏ lo ngại có lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong việc chọn sách giáo khoa ở địa phương và cho rằng những hướng dẫn của Bộ vẫn còn "kẽ hở" cho việc "đi đêm" chọn sách giáo khoa.

Phó Tổng Biên tập Lại Bá Hà nhận định: Những thực trạng trên đã và đang gây khó khăn rất lớn đối với các nhà xuất bản nói chung, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nói riêng, cả về số lượng, thời điểm và phương thức triển khai công tác in để làm sao vừa bảo đảm yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cung ứng sách giáo khoa phục vụ năm học mới, vừa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác in và phát hành. Bên cạnh đó, giá và chất lượng sách giáo khoa cũng đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng…

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Hữu Tiệp

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Hữu Tiệp

Là một nhà xuất bản trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có lịch sử 67 năm hình thành và phát triển, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản sách giáo khoa, tài liệu giáo dục đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh trong toàn quốc. Trong suốt lịch sử phát triển, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cung cấp đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách giáo khoa, tài liệu giáo dục cho công cuộc đổi mới giáo dục qua nhiều thời kỳ của đất nước. Đặc biệt, trong công tác biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đạt nhiều kết quả nổi bật, là nhà xuất bản duy nhất thực hiện tất cả các khâu và biên soạn đầy đủ sách giáo khoa các lớp cho tất cả môn học và hoạt động giáo dục.

Phó Tổng Biên tập Lại Bá Hà mong muốn thông qua ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà giáo…, chương trình tọa đàm sẽ góp phần làm rõ các nội dung, đề xuất các giải pháp hữu ích để Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả trong hành trình cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy.

2h trước

Quang cảnh tọa đàm trực tuyến. Ảnh: Hữu Tiệp

Quang cảnh tọa đàm trực tuyến. Ảnh: Hữu Tiệp

Dự tọa đàm có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng; Phó Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Lại Bá Hà; PGS. TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; bà Vũ Mai Lan, Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội; cô giáo Lê Thu Thủy, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm; cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm); ông Nguyễn Vũ Nam Sơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình…

Mở đầu chương trình, các đại biểu đã cùng theo dõi clip tựa đề "Miệt mài trên hành trình không ngừng đổi mới căn bản nền giáo dục Việt Nam".

2h trước

Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng của chu kỳ đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”. Cả nước hiện có 7 nhà xuất bản được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản sách giáo khoa.

Là đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được Bộ giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản sách giáo khoa, tài liệu giáo dục đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh trong toàn quốc. Bằng kinh nghiệm, uy tín và năng lực, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đang chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần sách giáo khoa. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn nỗ lực khắc phục, sẵn sàng đồng hành cùng ngành Giáo dục thực hiện mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học.

Để bạn đọc có cái nhìn đa chiều và chính xác về công tác biên soạn, tổ chức tập huấn và phát hành sách giáo khoa phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Báo Hànôịmới tổ chức cuộc tọa đàm “Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy”.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Báo Hànôịmới, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, phòng giáo dục và đào tạo, ban giám hiệu và giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố.

HNMO

HNMO

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/toa-dam-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-dong-hanh-cung-cac-truong-nang-cao-chat-luong-giang-day-688762.html