Tọa đàm 'Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra'
Sáng 2/4, Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức Tọa đàm 'Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra' với sự tham gia của nhiều bộ ngành, chuyên gia. Nhiều vấn đề nóng như tình trạng buôn lậu thuốc lá mới gia tăng rất nhanh, thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, những tác động tới môi trường đầu tư…
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng-Tổng Biên tập báo Tiền Phong, cho biết với mong muốn có thêm những thông tin cung cấp tới đông đảo bạn đọc, đặc biệt là với các cơ quan quản lý nhà nước, Báo Tiền Phong đã tổ chức tọa đàm PHÒNG CHỐNG BUÔN LẬU THUỐC LÁ: NHIỀU THÁCH THỨC ĐẶT RA với mong mỏi đồng hành cùng với các cơ quan chức năng, tăng cường tuyên truyền, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn thực trạng này.

Nhà báo Phùng Công Sưởng-Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc tọa đàm.
Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội cho biết, các nguyên nhân dẫn đến vấn đề buôn lậu thuốc lá ngày càng khó khăn, thách thức đó là do lợi nhuận mang lại do việc buôn lậu thuốc lá cao, khiến nhiều đối tượng bất chấp luật pháp vẫn tiến hành buôn lậu trái phép thuốc lá qua đường bộ, đường biển qua biên giới.
Bên cạnh đó nhu cầu của người tiêu dùng đối với các mặt hàng này khá lớn, dẫn đến việc buôn bán sôi động. Sau cùng là vấn đề địa hình cũng gây cản trở cho công tác phòng chống buôn lậu. Việt Nam có đặc điểm địa lý với đường biên giới dài, giáp ranh với 3 nước, khó kiểm soát hết nên dễ dàng bị các đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng lậu với các phương thức đa dạng, linh hoạt.

Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.
Ông Nguyễn Đức Lê, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin: Hiện tượng kinh doanh, buôn bán thuốc lá lậu có sự chuyển biến mạnh mẽ do sự vào cuộc quan chức năng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có biến động theo chiều hướng mới, đặc biệt là với thuốc lá mới. Trong năm 2024, cơ quan này đã kiểm tra được 1.474 vụ, xử lý 1.263 vụ. Thuốc lá điện tử (TLĐT) xử lý 240.000 sản phẩm, nhưng số thuốc lá truyền thống ít hơn với 200.000 bao. Điều này cho thấy số lượng buôn lậu TLĐT có xu hướng vượt trội hơn rất nhiều. Ngoài ra, còn phát hiện 9 tấn phụ kiện trị giá khoảng 30 tỷ đồng, phạt hành chính gần 7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Lê, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại tọa đàm.
Mặt khác, ông Lê cũng thừa nhận các con số đưa lên chưa phản ánh được hết tình hình vi phạm. Đây cũng là một thách thức đặt ra để từ đó tìm xem đâu là điểm nghẽn. Liệu có phải nằm ở trong cơ chế chính sách, trong công tác phối hợp, hay nhận thức của người dân để từ đó có phương hướng trong thời gian tới. “Xác định được điều này thì mới có thể ngăn chặn những hậu quả, vi phạm, cũng như định hướng kiểm soát triệt để, chống thách thức kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp”, ông Lê nêu giải pháp.
Ông Phan Quốc Đông, Phó Chi cục trưởng Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) phân tích: Các sản phẩm thuốc lá chính ngạch phải chịu rào cản cơ chế, quản lý như kiểm soát mức độ tác hại sức khỏe, tiêu chuẩn chất lượng, nội quy, v.v.; ngoài ra, còn có thuế xuất nhập khẩu 50%, thuế tiêu thụ đặc biệt 75%. Trong khi đó các đối tượng buôn lậu lại lợi dụng, né tránh các quy định sử dụng, trốn thuế.
Ngoài buôn lậu thuốc lá điếu, vấn đề sử dụng thuốc lá mới gia tăng trong những năm gần đây. Thứ nhất là do xu hướng, thích tiếp cận cái mới. Thứ hai là vấn đề TLĐT đa dạng về mẫu mã, hương liệu và dễ sử dụng. Thứ ba là do áp dụng công nghệ, nên TLĐT, thuốc lá mới có thể linh hoạt địa điểm sử dụng…

Ông Phan Quốc Đông, Phó Chi cục trưởng Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) phát biểu.
Trong công tác phòng chống buôn lậu liên quan đến ngành hải quan, cơ quan điều tra chống buôn lậu phát hiện các vụ vi phạm trong lĩnh vực thuốc lá có chiều hướng gia tăng, như TLĐT trên 30.000 vụ. Do vậy, cần sớm thích ứng với sự thay đổi để đưa ra vấn đề về quản lý. Đặc biệt trong tương lai, khi TLĐT bùng nổ qua các giai đoạn, sự phát triển các ứng dụng sẽ có thể là điều kiện để các nhóm đối tượng lợi dụng vào các công nghệ tiên tiến, công nghệ AI vào trong hoạt động buôn bán tích trữ, thực hiện các hành vi buôn lậu.
Ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết, trong những năm vừa qua Hiệp hội đã phối hợp với các lực lượng chức năng để phòng chống buôn lậu thuốc lá. Đồng thời, Hiệp hội cũng trích quỹ để các đơn vị chức năng làm công tác tiêu hủy. Với mỗi bao thuốc lá Công an tiêu hủy, Hiệp hội đóng góp vào quỹ 4.500 đồng. Nên nếu số lượng bao thuốc lá lậu càng nhiều, số tiền tiêu hủy càng cao. Chi phí này cũng là ngân sách Nhà nước. “100% các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, đều là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoàn toàn không có công ty tư nhân”, ông Nhân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) phát biểu.
Do đó, vấn đề buôn lậu thuốc lá dẫn đến nhiều hệ lụy. Thứ nhất, thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong ngành. Tiếp theo là ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, khi các sản phẩm này không được kiểm soát, hàm lượng nicotine, chất lượng, những chất có trong sản phẩm mà chúng tôi đều phải công bố. Sau cùng là ảnh hưởng đến an ninh trật tự, chắc chắn rằng trong quá trình chống buôn lậu thuốc lá, có nhiều thương vong, thậm chí hi sinh của các lực lượng chức năng trong phòng chống buôn lậu thuốc lá.
Còn đối với thuốc lá thế hệ mới, gồm thuốc lá nung nóng, TLĐT, với vai trò là người trong ngành, ông Nhân cho biết ngành đã nghiên cứu và nhiều quốc gia phát triển đã nghiên cứu về sản phẩm này. Việc chống buôn lậu thuốc lá mới gặp nhiều khó khăn khi nhiều quốc gia phát triển cho phép sử dụng thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Khách du lịch vào Việt Nam cũng mang theo các sản phẩm này. Ông Nhân cho rằng, khi Việt Nam cấm các sản phẩm thuốc lá mới nên các sản phẩm vào Việt Nam qua đường buôn lậu không thể kiểm soát được chất lượng, tiêu chuẩn.
Không chỉ là vấn đề khó khăn cho các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp xử lý hành vi liên quan đến thuốc lá mới mà còn liên quan đến đầu tư nước ngoài, nhiều dự án đã được cấp phép hợp pháp trước khi có Nghị quyết 173.
Ông Nguyễn Chí Nhân chia sẻ, hiện công ty thành viên Hiệp hội là Công ty Thuốc lá Thăng Long đang có hợp đồng với đối tác nước ngoài (Hongkong - Trung Quốc) về sản xuất thuốc lá nung nóng để xuất khẩu. Trước năm 2025, Công ty đã nhập máy móc, thiết bị, nguyên liệu và chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình sản xuất. Hiện hợp đồng này đang tạm dừng và Công ty thuốc lá Thăng Long có khả năng bị kiện vì gây thiệt hại lớn cho đối tác.
“Dàn máy đã nhập về giá trị khoảng 13 triệu euro. Ngoài ra, còn có nhà xưởng và thiết bị khác lên đến khoảng 15-17 triệu euro. Tuy nhiên là với nghị quyết cấm, thì cần sớm có hướng giải quyết, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư” ông Nhân nêu thực trạng.

Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) trình bày tại tọa đàm.
Nhìn từ góc độ kinh tế và nhu cầu người dùng trong việc phòng chống buôn lậu, ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho rằng cần có một bức tranh tổng thể để xem xét giữa nhu cầu và giá cả. Người dùng rất quan tâm về giá cả. Chỉ cần có sự thay đổi giá, dù là thuốc lá lậu, thuốc lá thật, hay thuốc lá giả thì họ sẽ có sự cân nhắc.
Do đó, ông Việt nêu rõ giải pháp để chống buôn lậu không chỉ gói gọn trong việc bắt, xử lý mà điều quan trọng là cần xem xét đến thực trạng nhu cầu.
“Quan điểm của tôi vừa xây vừa chống, xây môi trường lành mạnh, an toàn. Khi bàn về thuốc lá lậu, kể cả thuốc lá truyền thống hay điện tử, chúng ta nói phát hiện, xử lý phạt, tiêu hủy. Việc phát hiện ấy chỉ là tỷ trọng nhỏ so với thực tế đang diễn ra”, ông Việt nói.

Ông Phùng Danh Tuyến, Phó trưởng Phòng tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.
Ông Phùng Danh Tuyến, Phó trưởng Phòng tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội cấm thuốc lá mới, nhưng vấn đề là người tiêu dùng vẫn còn nhu cầu sử dụng trên thị trường nên ngay cả cơ quan chức năng cũng rất khó khi thực thi.
Theo ông Tuyến, sau khi mà có Nghị quyết thì cần thay đổi về Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, để từ đó có các Nghị định của chính phủ, Thông tư cụ thể của các Bộ.
Ngoài ra, ông Tuyến cũng nêu thêm khó khăn khi xử lý người sử dụng. “Nghị quyết 173 cấm cả người sử dụng. Nhưng trường hợp người nước ngoài khi du lịch tại Việt Nam vẫn sử dụng, do quy định nước họ được phép sử dụng, thì chúng ta phải làm gì?”, ông Tuyến đặt vấn đề.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp
Từ nay đến năm 2030 chúng ta phải đẩy mạnh ngăn chặn tác hại thuốc lá, phòng chống buôn lậu thuốc lá, đặc biệt là có những chuyên đề ngăn chặn TLĐT, thuốc lá mới nhưng phải khẳng định là rất khó giảm. Thứ nhất là hệ thống pháp luật, thứ hai là thuế thuốc lá sẽ được tăng thêm. Như vậy việc thuốc lá truyền thống tăng lên trong khi thuốc lá nhập lậu không chịu thuế thì lợi nhuận của thuốc lá nhập lậu thu về sẽ rất lớn. Lợi nhuận càng cao, buôn lậu càng hoạt động mạnh.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại tọa đàm.
Dù Nghị quyết 173 cấm thuốc lá mới đã ban hành, nhưng để thực thi lệnh cấm, theo ông Hải, còn rất nhiều vấn đề mà các cơ quan tham gia cũng đã đề cập. Nhìn từ góc độ kinh tế, đó là độ giãn về nhu cầu và nguồn cung. Dưới góc độ pháp lý, việc thực thi không thể chỉ căn cứ trên Nghị quyết 173, mà còn cần các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của các bộ ngành. Do vậy, theo ông Lê Đại Hải, trước tiên cần làm rõ khái niệm, định nghĩa “TLĐT”, “thuốc lá nung nóng” là gì, phân biệt hai loại sản phẩm này khác nhau như thế nào. Nếu đào sâu vào nghiên cứu thì thuốc lá nung nóng không phải là TLĐT. “Thuốc lá nung nóng cũng là điếu thuốc, nhưng thay vì dùng bật lửa để đốt thì dùng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc lên, tạo thành hơi để hút. Sau khi hút hết thì điếu thuốc không bị cháy đi như thuốc lá truyền thống, mà vẫn còn nguyên như vậy,” ông Hải giải thích.
“TLĐT tử thì gồm lọ dung dịch được cắm vào thiết bị để hóa hơi lên và hút. Dung dịch đấy có thể là chiết xuất từ lá thuốc lá. Còn những loại chiết xuất từ hoa quả, kẹo bánh… mà không phải là lá thuốc lá, thì không phải gọi là thuốc lá. Nhưng hiện nay thì định nghĩa đó chưa có, chưa rành mạch nên gây khó khăn cho cơ quan thực thi luật trong nhận diện nó thế nào”, ông Hải bổ sung.
Do vậy, ông Lê Đại Hải cũng đặt vấn về tính phù hợp của việc đưa định nghĩa, khái niệm về các sản phẩm thuốc lá mới vào một nghị định xử phạt hành vi như đề xuất của Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định và cho rằng cần phải sửa đổi các khái niệm này từ các văn bản quy phạm pháp luật gốc (luật và các văn bản dưới luật) để bao quát hết các đối tượng.
Mặt khác, ông Hải cũng đề cập đến các đối tượng chịu tác động từ Nghị quyết 173 hiện nay, đó là các nhà đầu tư FDI. Đây cũng là điểm nghẽn trong vấn đề thực thi Nghị quyết 173 mà ông Hải cùng với các đại biểu tham gia hội thảo nêu ra.
Ông Hải nêu rõ: “Theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khi xây dựng văn bản thì cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động chính sách. Điều này sẽ giúp nhận diện nhiều vấn đề nếu ban hành văn bản đó”. Cần có phần trả lời cho các cấp có thẩm quyền về tác động đến các chủ thể liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển thuốc lá mới.
“Trước ngày có Nghị quyết 173, chúng ta không cấm mà cũng không thừa nhận về TLĐT, thuốc lá mới và các nhà đầu tư vào Việt Nam họ lại đi theo pháp luật về đầu tư. Pháp luật về đầu tư thời điểm đó có quy định rằng thời điểm đó ngành nghề sản xuất kinh doanh là ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không phải là danh mục cấm kinh doanh. Vậy nếu chúng ta sửa đổi luật thì các nhà đầu tư nước ngoài rất lo lắng,” ông Hải phân tích.
Từ 1/1/2025, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn 17, dừng việc các doanh nghiệp đang sản xuất, không cho xuất khẩu hàng hóa đi nghiễm nhiên không cho nhập các nguyên liệu về để sản xuất. Đấy là một khó khăn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Do vậy, ông Hải kiến nghị cần nghiên cứu xem xét để rồi đề xuất đến các cơ quan chức năng, những cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam là nên tiếp tục để các nhà đầu tư đã có mặt và đầu tư tại Việt Nam tiếp tục sản xuất những sản phẩm này để xuất khẩu ra nước ngoài.

Toàn cảnh tọa đàm.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, sự tiến bộ, sự thay đổi như vũ bão của kinh tế thị trường, kéo theo sự thay đổi của công nghệ và phát kiến mới. Điều này dẫn đến sự đa dạng các chủ thể, các nhóm lợi ích khác nhau. Cho nên, luật pháp không chỉ đơn thuần ở việc cấm hay cho phép, mà đang là vấn đề tác động đến nhiều yếu tố khác trong chuỗi mắt xích đó.
Thực trạng hiện nay đó là để cấm thì chỉ cần một Nghị quyết, nhưng theo báo cáo trong tọa đàm, các bên liên quan và cơ quan chức năng vẫn loay hoay xử lý hệ lụy của lệnh cấm này suốt 3 tháng nay vẫn chưa có lối ra.
Như vậy, theo ông Việt cần tham khảo từ bài học các nước, đó là cần phải đồng bộ, cần phải có đánh giá tác động toàn diện đối với tất cả các chủ thể liên quan trước khi ban hành chính sách, dù là ban hành chính sách mới hay là bỏ chính sách cũ.
Cụ thể theo ông Việt trong vấn đề này chính là tác động của Nghị quyết lên nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài thường quan ngại về rào cản về thuế quan, thương mại, đầu tư khi vào thị trường sản xuất. Bên cạnh những yếu tố đó, bây giờ đây các nhà đầu tư quan ngại nhất là những rào cản, rủi ro trong quá trình đầu tư. Do vậy, “Nếu như các nhà đầu tư đã thực sự thiết lập và đã đầu tư vào Việt Nam thì cần phải có những giải pháp cho họ”, ông Việt nói.
“Chúng ta phải có lộ trình, đo lường tác động chính sách đến những bên liên quan. Chúng ta phải rất là đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách để giải quyết thấu đáo các vấn đề này”, ông Việt khuyến nghị.
Ông Việt cũng khẳng định nhiệm vụ bây giờ không phải là chống buôn lậu nữa, mà là chống những hành vi không chính thống. Ông đồng thời chỉ rõ điểm thiếu sót dẫn đến vấn đề chống buôn lậu chưa được hiệu quả như kỳ vọng: “Chúng ta vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về lựa chọn của người tiêu dùng như thế nào. Chúng ta cần có khảo sát rất cụ thể. Có thể là sự kết hợp giữa Hiệp hội tham gia cùng với Bộ Công Thương thực hiện, để đánh giá toàn diện. Nếu như chúng ta chỉ có nhìn lỗ chỗ ở một vài điểm, một vài vi phạm và xử lý vi phạm, thì vẫn chưa gọi là giải pháp”, ông Việt hiến kế.
Riêng đối với giới trẻ, ông Việt cho rằng trong thời đại hiện nay, khi được tiếp xúc đầy đủ các phương tiện, việc ngăn chặn giới trẻ chỉ có thể bằng “giáo dục”. Theo ông Việt, việc cấm giới trẻ sẽ chỉ tăng cường độ “hóng”, kích thích sự tò mò tìm hiểu nhiều hơn. Thay vì như vậy cần tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin đầy đủ.
Ông Phan Quốc Đông, Phó chi cục trưởng Điều tra chống buôn lậu cho biết:
Trước khi Nghị quyết 173 và Công văn 17, có 8 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép gia công thuốc lá mới, 100% sản phẩm là xuất khẩu. Sau Nghị quyết 173 và Công văn 157, theo thống kê thì hiện còn 7 doanh nghiệp đang hoạt động và 1 doanh nghiệp tạm dừng với 214 triệu sản phẩm có liên quan đến linh kiện thành phẩm xuất khẩu.
Ông Đông nhấn mạnh, nếu không có giải pháp cho lượng hàng linh kiện thành phẩm này sẽ dẫn đến nguy cơ vi phạm hợp đồng. Điều này sẽ bị ảnh hưởng đến nhà đầu tư và sau này sẽ có tác động rất lớn đến môi trường và niềm tin của những nhà đầu tư. “Quan điểm của chúng tôi đến nay vẫn là muốn có hướng xuất khẩu, sản xuất, muốn 214 triệu sản phẩm này được xuất khẩu”, ông Đông nhấn mạnh.
Do vậy, ông Đông nêu rõ, sau khi triển khai Công văn 17, cơ quan đã báo cáo hướng đề xuất giải quyết trình các cấp liên quan. Đó là phải có mốc thời gian đối với các doanh nghiệp sản xuất này ít nhất đến đến 31/12/2025.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp
Nhìn từ góc độ kinh tế du lịch, một trong những ngành chủ chốt của Việt Nam, tác động của NQ173 lên đối tượng khách du lịch cũng là yếu tố cần cân nhắc. “Khi pháp luật dùng từ cấm nhập khẩu, chứa chấp, sử dụng, điều này có nghĩa thuốc lá mới không được phép mang vào Việt Nam nữa. Đây là tác động đến khách du lịch, bởi ở nước sở tại, họ hút thuốc lá bình thường, nhưng bây giờ vào cửa khẩu Việt Nam đã bắt tiêu hủy, ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch. Có thể họ sẽ không quay lại, và chọn đến những nơi có quy định thông thoáng hơn”, ông Hải nêu quan điểm.
Kết luận tọa đàm, các đại biểu đồng thuận cần phải đánh giá lại chiến lược phòng chống buôn lậu thuốc lá nói chung cũng như làm sao để triển khai thực thi Nghị quyết 173 toàn diện và thấu đáo trong bối cảnh cần giải quyết các điểm nghẽn hiện nay. Trên thực tế, Nghị quyết cấm đã có hiệu lực nhưng việc thực thi trong thực tiễn là thách thức cho các cơ quan chức năng bởi nghị quyết đang tác động nhiều đối tượng liên quan.
Về phía cơ quan chức năng, hiện tại khó khăn để xác định đâu là thuốc lá mới. Vì tính đa dạng của TLĐT, trong khi lại không có văn bản hướng dẫn nên việc xử lý vi phạm bắt giữ và đưa vào quy định xử lý còn gặp nhiều khó khăn lúng túng.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá, cụ thể là các doanh nghiệp sản xuất, gia công, xuất khẩu theo các hợp đồng cung cấp thiết bị linh kiện điện tử cho các nhà đầu tư đang không có lối ra. Từ 8 doanh nghiệp trước khi ban hành Nghị quyết 173, nay chỉ còn 7 doanh nghiệp hoạt động nhưng phải tạm dừng và nguồn hàng linh kiện tồn kho đang là 214 triệu linh kiện, cùng với nguy cơ vi phạm hợp đồng và đền bù nếu không có giải pháp phù hợp.
Đứng về góc độ kinh tế, nhu cầu và nguồn cung hợp pháp đáp ứng nhu cầu vẫn còn một khoảng cách. Đây chính là lỗ hổng để tội phạm buôn lậu trục lợi và cũng lý giải vì sao công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu nói chung, thuốc lá mới nói riêng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Trong khi đó, chi phí để xử lý tội phạm buôn lậu hiện đang là 4.500 đồng/bao thuốc lá. Tỷ lệ bắt nguồn hàng vi phạm, tương ứng với chi phí xử lý hàng hóa buôn lậu cũng càng và đây cũng chính là tổn hại ngân sách của quốc gia.
Bên cạnh đó, đối tượng chịu tác động từ Nghị quyết 173 hiện còn có thêm đối tượng khách du lịch. Khi mà quy định cấm áp dụng thì một mặt cần phải hướng dẫn, mặt khác cần có chính sách tuyên truyền, khắc phục khả năng giảm nguồn khách du lịch ví dụ như quy định trong lượng hành lý được mang theo.
Do vậy, các đại biểu tham dự tọa đàm cùng đồng thuận cần phải có các báo cáo đánh giá toàn diện về nhu cầu thực tại người dùng đối với mặt hàng thuốc lá, cũng như những tác động toàn diện lên tất cả các đối tượng liên quan chịu ảnh hưởng từ Nghị quyết 173. Từ đó các cơ quan có thẩm quyền có quyết định, hướng dẫn toàn diện và phù hợp thực tiễn. Sự thận trọng cân nhắc khi ban hành các quy định, hướng dẫn trên cơ sở đánh giá toàn diện tác động của tất cả các chủ thể liên quan để nhằm triển khai hợp lý, hoàn chỉnh, hiệu quả trong thực tiễn, sẽ giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, nguồn thu ngân sách Nhà nước.