Tọa đàm 'Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu'

Sáng 21.4, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm 'Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu' nhằm thảo luận sâu về định hướng hoàn thiện hành lang pháp lý xử lý nợ xấu trong bối cảnh Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực.

Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, được Quốc hội ban hành năm 2017, đã góp phần tạo lập cơ chế pháp lý đặc thù, giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1.1.2024, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực thi hành, trong khi nhiều quy định cốt lõi chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024. Điều này gây ra khoảng trống pháp lý ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nợ xấu và khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất luật hóa 3 nhóm chính sách tại Nghị quyết 42, gồm: 1) các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng; (2) tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các tổ chức tín dụng; (3) đối với tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự - sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý và thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng này cho các tổ chức tín dụng.

Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, pháp lý, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, hiệp hội doanh nghiệp sẽ tập trung làm rõ thực trạng và thách thức trong xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực.

Đồng thời, đánh giá tác động và tính khả thi của các đề xuất chính sách trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, đề xuất giải pháp để xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch và hiệu quả, vừa bảo đảm quyền lợi các tổ chức tín dụng, vừa bảo vệ lợi ích hợp pháp của người vay, các bên liên quan và toàn nền kinh tế.

Dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét thông qua trong Kỳ họp tháng 5.2025. Ý kiến trao đổi tại tọa đàm nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất để trình Quốc hội.

H.Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/toa-dam-tao-lap-khuon-kho-phap-ly-dong-bo-ve-xu-ly-no-xau-post410881.html