Tọa đàm trao đổi thông tin 'nóng' về các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo
Sáng 26/9, tại Hà Nội, Cục Truyền thông CAND đã tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV và các thông tin liên quan đến đấu giá biển số xe. 4 dự án luật bao gồm: Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh và động viên công nghiệp (ĐVCN).
Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND và Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đồng chủ trì tọa đàm.
Tham dự buổi tọa đàm có Đại tá Trần Quốc Tiến, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương cùng các thành viên tổ biên tập các dự án luật; các luật sư, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài CAND….
Về phía Cục truyền thông CAND có các đồng chí trong Đảng ủy, lãnh đạo Cục; đại diện lãnh đạo Báo CAND, Truyền hình CAND, Nhà xuất bản CAND cùng một số cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, biên tập viên trực thuộc Cục.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong nêu rõ, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến và thông qua các dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; Luật Căn cước và xem xét, cho ý kiến dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật CNQP, an ninh và ĐVCN. Thời gian qua cũng đã chính thức triển khai việc đấu giá biển số xe ô tô, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường nguồn thu ngân sách cho nhà nước.
Để đảm bảo công tác tuyên truyền về các dự án luật đạt hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp mọi tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết, vị trí, vai trò quan trọng của các dự án luật đối với xã hội và công tác đảm bảo an ninh trật tự, lãnh đạo Bộ Công an đã giao Cục Truyền thông CAND, đơn vị đầu mối hợp tác với các cơ quan báo chí trung ương xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng những nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, đảm bảo chính xác, kịp thời, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Buổi tọa đàm sẽ tập trung trao đổi, làm rõ sự cần thiết ban hành, quan điểm, định hướng và những nội dung cơ bản của các chính sách, nhất là những điểm mới, sửa đổi trong các dự án luật và những thủ tục liên quan tới việc đấu giá biển số xe ô tô. Sau buổi tọa đàm, Cục Truyền thông CAND sẽ tổ chức cho phóng viên thâm nhập thực tế tại các địa bàn cơ sở để phản ánh chân thực, khách quan, sinh động thực tế công tác, chiến đấu của lực lượng Công an để làm nổi bật tính cần thiết khi ban hành các dự án luật, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên đã trình bày những nội dung cơ bản của các dự án: Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật CNQP, an ninh và ĐVCN và điều hành phần thảo luận, trao đổi thông tin.
Đối với dự án Luật Căn cước, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước; thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước; qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bản chất là điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, đang hoạt động ở địa bàn cơ sở để kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung bao gồm Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, bảo vệ dân phố và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Việc kiện toàn lực lượng này không làm tăng chi ngân sách nhà nước và “phình” bộ máy. Dự án luật cũng đã quy định rõ vị trí, chức năng của lực lượng này hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cơ sở.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cũng nhấn mạnh sự cần thiết tách Luật Đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trong đó dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tập trung điều chỉnh yếu tố động liên quan đến an toàn giao thông đường bộ.
Đồng thời cũng nêu rõ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý của đề xuất xây dựng dự án Luật CNQP, an ninh và ĐVCN do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xây dựng.
Trả lời các câu hỏi của cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến chính sách cấp giấy căn cước cho người gốc Việt Nam của dự án Luật Căn cước, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, đề xuất này thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc cấp giấy căn cước cho người gốc Việt Nam xuất phát từ quyền của người dân, mong muốn của chính họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Khi được cấp căn cước, người gốc Việt Nam sẽ có 1 cuộc sống an ninh, an toàn, được tham gia vào các chính sách của nhà nước, thực hiện các giao dịch của xã hội. Giấy căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam có chất liệu và kích thước giống như thẻ Căn cước cấp cho công dân Việt Nam, tuy nhiên có sự khác nhau về màu sắc và thông tin trên thẻ.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cũng cho biết, theo dự thảo Luật Căn cước, căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại luật này. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quy định giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, giấy phép lái xe trước tháng 7/2012 là dạng giấy bìa, còn sau thời điểm trên là dạng PET. Giấy phép lái xe đổi sang dạng PET được cập nhật trong hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải). Hệ thống này sẽ là dữ liệu để tích hợp vào định danh điện tử, VNeID…
Trong quá trình nghiên cứu về quy định giấy phép lái xe, Cục đã tiếp thu theo quy định Công ước Viên, phù hợp với hoạt động quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang sử dụng giấy phép lái xe chưa đồng bộ với Công ước Vienna. Dự thảo luật quy định thay đổi phân hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Vienna. Việc thay đổi này đảm bảo phù hợp khi Việt Nam là thành viên của các hiệp ước, công ước, chấp nhận những giấy phép lái xe quốc tế. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.
Thông tin đến các đại biểu tại buổi tọa đàm, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cũng chia sẻ thông tin liên quan đến đấu giá biển số xe. Đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức được 4 ngày đấu giá biển số xe, tổng biển số đấu giá là 95 biển. Tổng số tiền dự thu là 133 tỷ 125 triệu đồng. Theo quy định, sau 15 ngày, người trúng đấu giá mới phải nộp tiền. Hiện tại, đã có 7 người nộp tiền sau khi trúng đấu giá biển số xe với số tiền là 10 tỷ 955 triệu đồng. 1 trường hợp ở Hải Phòng đã nộp tiền và gắn biển số trúng đấu giá. Với những trường hợp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, theo quy định Luật dân sự, quy định về đấu giá tài sản và Nghị quyết của Chính phủ, nếu người trúng đấu giá bỏ cọc thì biển số xe đó sẽ được quay lại đấu giá, người trúng đấu giá sẽ bị mất tiền cọc.