Tọa đàm tri ân các nhà báo liệt sĩ với chủ đề 'Màu ký ức'

Ngày 19-7, tại Hà Nội, Liên Chi hội Nhà báo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm tri ân các nhà báo liệt sĩ với chủ đề 'Màu ký ức'.

Các đại biểu, khách mời, những người làm báo dâng hoa tưởng nhớ các nhà báo liệt sĩ. Ảnh: Thụy Du

Các đại biểu, khách mời, những người làm báo dâng hoa tưởng nhớ các nhà báo liệt sĩ. Ảnh: Thụy Du

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa nhấn mạnh: "Với chủ đề “Màu ký ức”, chương trình là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với những nhà báo, liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa tới thế hệ những người cầm bút hôm nay. “Màu ký ức” có sắc đỏ của máu cha ông đã hy sinh và cống hiến. “Màu ký ức” là màu xanh hy vọng, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho thế hệ trẻ, trong đó có những người làm báo đương đại. Chương trình là sự tôn vinh những hy sinh bất khuất của những nhà báo, phóng viên chiến trường đã tận hiến cho sự nghiệp báo chí Việt Nam".

Các đại biểu tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Thụy Du

Các đại biểu tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Thụy Du

Tại chương trình, Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ về những cống hiến to lớn của các thế hệ nhà báo liệt sĩ của nước ta, đặc biệt là câu chuyện về liệt sĩ, nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947), nguyên đại biểu Quốc hội khóa I, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam (tiền thân của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam ngày nay), nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; liệt sĩ, nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý (1941-1969) hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ...

Tại đây, các đại biểu, khách mời, người làm báo còn được nghe những câu chuyện xúc động từ nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, người đã miệt mài dành 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ. Nhà báo Trần Văn Hiền cũng được nhiều người biết đến với bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh”. Các khách mời, đại biểu cũng giao lưu, trò chuyện với đại diện gia đình liệt sĩ, nhà báo, luật sư Phan Tứ Kỷ - người đã hy sinh ở Quảng Trị năm 1972.

Các diễn giả, khách mời giao lưu, tọa đàm. Ảnh: Thụy Du

Các diễn giả, khách mời giao lưu, tọa đàm. Ảnh: Thụy Du

Thay mặt Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhà báo Trần Thị Kim Hoa, phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã chia sẻ về quá trình xây dựng bảo tàng và phần trưng bày về các nhà báo liệt sĩ tại đây. Theo nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Bảo tàng Báo chí Việt Nam từ khi ra đời đã nhận được sự ủng hộ, động viên to lớn của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và độc giả cả nước.

Đại biểu trao hiện vật tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Thụy Du

Đại biểu trao hiện vật tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Thụy Du

Nhân dịp này, các đại biểu cũng trao tặng hiện vật là cờ Tổ quốc, kỷ vật của những nhà báo, liệt sĩ và các cuốn sách, tạp chí văn hóa, văn nghệ để lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/toa-dam-tri-an-cac-nha-bao-liet-si-voi-chu-de-mau-ky-uc-672507.html