Tọa đàm về nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay' là chủ đề của Tọa đàm do Bộ Tư lệnh Quân đoàn 12 phối hợp với Báo quân đội nhân dân tổ chức sáng nay (4/4), tại Ninh Bình.
Tọa đàm nhằm khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của Chiến thắng Điện Biên Phủ; đi sâu làm rõ nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời khẳng định sự đúng đắn và tất thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bước vào Thu - Đông năm 1953, quân và dân ta liên tục tiến công, phản công địch, tạo ra bước chuyển biến mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để cứu vãn tình thế, quân Pháp ráo riết thực hiện Kế hoạch Nava - một nỗ lực cao nhất, được Mỹ giúp sức, tăng binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực Việt Minh.
Đại tá, cựu chiến binh Trần Liên, nguyên cán bộ tham mưu Trung đoàn Cao xạ 367 năm 1954 kể lại, tháng 11/1953, Bộ Quốc phòng quyết định đưa Trung đoàn Cao xạ 367 về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và lệnh: "Hành quân xe pháo đến đích tuyệt đối an toàn và bí mật coi như 60% thắng lợi". Ngày 8/1/1954, cao xạ và pháo binh tập kết ở Tuần Giáo. Sáng 11/3, toàn bộ trọng pháo và pháo cao xạ đã sẵn sàng trong công sự. Sau thất bại ngày 14/3, Nava ra lệnh: "Đưa toàn bộ lực lượng Không quân lên mặt trận, phải đẩy lùi, phải triệt hạ những khẩu pháo cao xạ quái ác của Việt Minh."
Đại tá, cựu chiến binh Trần Liên nói: "Mệnh lệnh của Nava tập trung lực lượng không quân lên tiêu diệt lực lượng cao xạ quái ác này. Ngày 17/3 chúng tổ chức một lực lượng máy bay lên để đánh cao xạ. Lên thì chúng tôi cũng bắn mạnh, nhất là bắn ban ngày rất thuận lợi. Pháp cũng chưa nhiều máy bay cho nên lên hoành hành. Ta thì có bị mất một Đại đội 827 với 3 khẩu pháo. Nhưng ta bắn mạnh cho nên cũng chỉ hoành hành và rút lui".
Một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ là quyết định chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh' sang "đánh chắc, tiến chắc". Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình địch, trải qua nhiều ngày đêm bám sát chiến trường, cân nhắc mọi mặt, trên cơ sở phân tích so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của ta và địch tại Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự sắc sảo, đã sớm nhận ra một số khó khăn của bộ đội ta và thay đổi phương châm tác chiến.
Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự phân tích: "Chìa khóa để mở cánh cửa thành công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh"sang "đánh chắc tiến chắc". Đây là một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử. Người đề xuất quyết định đấy chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tinh thần trách nhiệm trước hàng vạn sinh mệnh cán bộ, chiến sĩ trọng trách lớn lao mà Bộ Chính trị và Bác Hồ đã ủy thác cho Đại tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn thời gian nổ súng, lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc tiến chắc".
Với phương châm này ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận, cô lập địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắt chi viện bằng đường không, vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và từng trung tâm đề kháng của Pháp, tiêu diệt từng bộ phận tiến tới đánh bại toàn bộ địch; thể hiện nổi bật về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng, không đánh.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự đánh giá: "Sức mạnh của chúng ta giành được thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam; là của sự lãnh đạo của Đảng; là tinh thần đoàn kết toàn đảng toàn quân và toàn dân. Nhưng bên cạnh đó chúng ta còn sức mạnh khác được kết hợp như kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và có sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế mà trong đó có cả sự giúp đỡ trực tiếp về mặt tinh thần và vật chất của các nước, anh em".