'Tọa độ lửa' Truông Bồn: 'Địa chỉ đỏ' giáo dục lòng yêu nước

'Tọa độ lửa' Truông Bồn (huyện Đô Lương, Nghệ An) nằm trên tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.

Nhà trưng bày truyền thống là nơi lưu giữ những hiện vật, hình ảnh sống động của quân và dân tại Truông Bồn.

Nhà trưng bày truyền thống là nơi lưu giữ những hiện vật, hình ảnh sống động của quân và dân tại Truông Bồn.

Nơi đây gánh chịu hàng vạn tấn bom đạn các loại, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong… vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ.

Dấu chân anh hùng trên cung đường huyền thoại

Những ngày tháng 7, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đón hàng trăm đoàn khách đến dâng hương, dâng hoa kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài khoảng 5km, nằm trên tuyến Quốc lộ 15A. Nhờ vị trí địa lý quan trọng, địa hình hiểm trở với nhiều dãy núi liên kết với nhau nằm dọc hai bên đường như núi Voi, núi Mồng Gà, núi Cột Cờ... nên con đường qua Truông Bồn là nơi có địa thế chiến lược.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến đường đi qua Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng, kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Địa danh này trở thành chứng tích hào hùng, ghi dấu những chiến công, sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại thế kỷ 20.

Tuyến đường chiến lược 15A có chiều dài gần 200km, tiếp nối từ Quốc lộ 1A - giáp với tỉnh Thanh Hóa, đi qua địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương về đến huyện Nam Đàn (Nghệ An). Từ Truông Bồn, một ngã rẽ về bến phà Linh Cảm đi huyện Đức Thọ, Hương Sơn (Hà Tĩnh); một ngả đi về TP Vinh, qua phà Bến Thủy vào ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

 Toàn cảnh Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

Toàn cảnh Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

Nhằm phong tỏa, hủy diệt, cắt đứt mạch máu giao thông của quân ta qua đường 15A, từ năm 1964 - 1968, quân đội Mỹ huy động một lực lượng không quân khổng lồ, với hơn 5.000 lượt máy bay ồ ạt trút bom đạn xuống tuyến đường này với trọng điểm đánh phá là ngã ba Truông Bồn. Có ngày cao điểm máy bay địch đánh phá lên tới 131 lần. Trong chiến tranh, địa danh này suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn.

Từ năm 1964 - 1968, máy bay Mỹ trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục nghìn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường. Nơi đây có hàng nghìn cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Huyền thoại về “Tiểu đội thép anh hùng”

 Chân dung 14 chiến sĩ TNXP thuộc Tiểu đội 2.

Chân dung 14 chiến sĩ TNXP thuộc Tiểu đội 2.

Trong những năm tháng ác liệt ấy, bom đạn Mỹ không thể khuất phục được ý chí và quyết tâm sắt đá của quân và dân ta. Trên cung đường qua Truông Bồn, các chiến sĩ bộ đội, TNXP, dân quân hỏa tuyến vẫn “Sống bám cầu, bám đường - Chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”.

Nơi đây, hàng nghìn người con lứa tuổi mười tám, đôi mươi đã ngã xuống. Trong đó, tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội thép anh hùng”, thuộc Đại đội TNXP 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.

Trong ngôi mộ chung tại Khu di tích Truông Bồn, tấm bia đá hoa cương khắc ghi tên tuổi của 13 chiến sĩ TNXP anh hùng: Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đàm Thị Bốn, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa.

Là người duy nhất trong tiểu đội thép năm ấy còn sống sót, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trần Thị Thông (SN 1946, quê ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) tham gia lực lượng TNXP khi vừa tròn 19 tuổi.

Cô gái trẻ Trần Thị Thông có mặt tại nhiều điểm nóng đánh phá của máy bay đối phương trên đất Nghệ An như: cầu Cấm (huyện Nghi Lộc), rú Đụn (huyện Nam Đàn)... cùng đồng đội san lấp hố bom, thông đường cho xe ra tiền tuyến.

Tại tọa độ lửa Truông Bồn, Tiểu đội 2 của chị Trần Thị Thông ban ngày san lấp đường, ban đêm cùng nhau làm nhiệm vụ dẫn đường cho ô tô đi qua. Do đêm tối, thời gian đầu, các cô gái của “Tiểu đội thép” nghĩ ra cách dùng bẹ chuối rải trên đường để xe nhận biết lối đi.

Thế nhưng, máy bay địch ném bom liên tục, bẹ chuối xe đi qua một vài lần đã nát bươm. Cuối cùng, các cô bất chấp nguy hiểm, dùng thân mình làm “cọc tiêu sống” dẫn đường cho xe vượt qua.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 31/10/1968, khi 12 nữ, 2 nam TNXP của Tiểu đội 2 đang chia thành 2 nhóm để san lấp hố bom thì bất ngờ một tốp máy bay Mỹ lao đến ném bom liên hồi. Mặt đất rung chuyển, Truông Bồn chìm trong khói lửa.

“Bình thường máy bay Mỹ lượn một vài vòng rồi mới lao xuống ném bom. Nhưng hôm đó, vừa nghe tiếng máy bay, chúng tôi nhìn lên đã thấy bom rơi ngay trên đầu. Tôi chỉ kịp đẩy anh Hòa xuống hầm rồi cầm súng lao theo, sau đó không biết gì cả”, bà Thông nhớ lại.

Ngớt tiếng bom, bộ đội, TNXP và người dân lao vào đào bới đất đá tìm kiếm 14 người của Tiểu đội 2. Truông Bồn ngập trong máu và nước mắt khi 11 cô gái, 2 chàng trai đã vĩnh viễn ra đi lúc vừa tròn mười tám, đôi mươi. Đến nay, 7 chiến sĩ TNXP vẫn chưa tìm được thi thể. Trong số này có người đã định ngày cưới, người cầm trên tay giấy báo nhập học.

Còn bà Thông được đồng đội tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh, vùi sâu dưới lớp đất đá. Nữ Tiểu đội trưởng sau đó được đưa về nhà một người dân ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương để chữa trị.

Trước khi hành quân vào Nam, chiến sĩ quân y trực tiếp chữa trị đặt vào tay nữ bệnh nhân Trần Thị Thông còn đang hôn mê một tờ giấy nhỏ ghi rằng: “Các anh đến đây khi em vừa bị thương. Nay vì phải hành quân, các anh đi đây. Em ở lại cố gắng mau khỏe nhé, cô gái TNXP”.

Với bà Trần Thị Thông và nhiều TNXP khác, Truông Bồn trở thành biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng, thương đau nhưng bi tráng nhất của tuổi thanh xuân cống hiến cho cuộc kháng chiến cứu nước.

Những ngày tháng 7, dòng người từ muôn phương lại về với Truông Bồn. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, khói hương tri ân dường như chưa bao giờ tắt nơi chiến địa xưa. Truông Bồn đã trở thành mảnh đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ trẻ.

 Bức ảnh cuối cùng chụp 'Tiểu đội thép' TNXP Truông Bồn trước khi hy sinh.

Bức ảnh cuối cùng chụp 'Tiểu đội thép' TNXP Truông Bồn trước khi hy sinh.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Với những giá trị lịch sử đó, năm 1996, Truông Bồn được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2008, tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Truông Bồn với tổng kinh phí 365 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn xã hội hóa.

Trong khu di tích, nổi bật nhất là khu mộ 13 anh hùng liệt sĩ TNXP. Khu mộ nép mình bên rừng thông già - trước đây vốn là hầm trú ẩn của TNXP. Trước khu mộ là địa điểm địch đánh phá ác liệt và cũng là nơi 13 người anh hùng ngã xuống hy sinh trong trận bom sáng 31/10/1968. Ban Quản lý khu di tích còn phục hồi các hố bom gần khu mộ.

Bên cạnh đó là nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Truông Bồn; nhà trưng bày truyền thống tái hiện những hình ảnh chân thực, sống động của quân và dân tại Truông Bồn; hồ điều hòa cảnh quan - môi trường sân lễ hội với nhiều công trình và hiện vật.

Đặc biệt, khu vực đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với hình tượng 3 cây hương được làm từ đá xanh nguyên khối cao 27m, đường kính hơn 1m. Xung quanh đài tưởng niệm là 2 nhóm tượng, 6 trụ huyền thoại biểu tượng cho tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của lực lượng TNXP.

 Một số hiện vật như: Máy bay tiêm kích Mig-21, tên lửa phòng không Vonga-20DCY, pháo cao xạ 57mm, xe vận tải Zil-157 được trưng bày tại quảng trường.

Một số hiện vật như: Máy bay tiêm kích Mig-21, tên lửa phòng không Vonga-20DCY, pháo cao xạ 57mm, xe vận tải Zil-157 được trưng bày tại quảng trường.

Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn cho biết, hàng năm, tổ chức đón tiếp khoảng 500 nghìn lượt khách từ khắp mọi miền cả nước, đặc biệt là vào dịp tháng 7.

Các hạng mục tại khu di tích thường xuyên được Ban Quản lý tôn tạo và bảo vệ, công tác chăm nom lễ tiết được quan tâm và duy trì tốt. Hệ thống cây xanh phát triển, khuôn viên luôn xanh - sạch - đẹp, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và học tập của nhân dân.

Theo ông Lộc, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An thường xuyên kết nối các cơ quan, đơn vị, bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh giá trị lịch sử to lớn của Truông Bồn như: Các chương trình nghệ thuật, hội thảo khoa học, sáng tác nghệ thuật…

Về với Truông Bồn, du khách khó cầm được nước mắt khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử của Truông Bồn, những câu chuyện hết sức chân thực, gây ấn tượng sâu sắc với người nghe. Bên cạnh đó, du khách được trực tiếp xem các hiện vật, kỷ vật gắn bó với các chiến sĩ TNXP từng sống và chiến đấu trên tuyến lửa Truông Bồn.

Chiến tranh lùi xa, cuộc sống mới được hồi sinh ngay trên “tọa độ chết” năm xưa. Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân. Là điểm đến tâm linh không thể bỏ qua khi du khách về với tỉnh Nghệ An.

Tại mảnh đất Truông Bồn, quân và dân ta đã chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch, rà phá hàng nghìn quả bom nổ chậm các loại. Lực lượng TNXP đóng góp trên 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu m3 đất đá, đưa 94 nghìn lượt xe quân sự vượt qua an toàn. Bên cạnh đó, vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng, cung cấp hàng chục triệu cây phi lao, cọc tre và các loại gỗ chống lầy - làm cầu cho xe qua; huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác, 4.500 xe đầu bò, 900 xe cút kít giải phóng hàng vượt qua Truông Bồn khi bị máy bay Mỹ đánh phá, phong tỏa.

Phạm Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/toa-do-lua-truong-bon-dia-chi-do-giao-duc-long-yeu-nuoc-post692132.html