Tòa hủy án vụ 'Hiệu trưởng ở Cà Mau tham ô 10,7 triệu đồng'
HĐXX cho rằng các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ qua việc định giá tài sản này, đây là một thiếu sót nghiêm trọng, nên đã hủy án để điều tra lại.
Mới đây, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Sang, Viện trưởng VKSND khu vực 5 Cà Mau cho biết vụ án "Hiệu trưởng tham ô 10,7 triệu đồng" đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau điều tra lại.
"Đến nay thì chúng tôi vẫn chưa nhận được kết luận điều tra lại từ Công an" - ông Sang nói.

Ngôi trường nơi ông Tâm làm Hiệu trưởng. Ảnh: CTV
Trước đó, vào ngày 6-5, TAND tỉnh Cà Mau đã mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (xử 7 năm tù) đối với ông Trần Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển cũ) phạm tội tham ô tài sản với số tiền 10,7 triệu đồng.
Lãnh án từ việc trổ tài thợ hàn
Theo hồ sơ vụ án, trong năm học 2022-2023, Trường THCS Tam Giang Tây có nhu cầu mua sắm, sửa chữa một số trang thiết bị để phục vụ công tác dạy và học. Thiết bị cần mua là kệ đựng hồ sơ, kệ để tivi.
Ông Trần Văn Tâm (sinh 1971) là Hiệu trưởng của trường, cũng là người có tay nghề hàn nên thay vì mua, ông này đã nhận việc tự tay chế tác kệ hồ sơ, kệ tivi...
Cụ thể, cuối năm 2022, đầu năm 2023, ông đã tự tay làm ra 1 kệ đựng hồ sơ, 2 kệ để tivi và 4 bộ bàn ghế học sinh. Tất cả các sản phẩm này sau khi hoàn thành đều được nhà trường đưa vào sử dụng, phục vụ trực tiếp cho hoạt động chung.
Vấn đề nảy sinh khi đến khâu thanh quyết toán. Vì các sản phẩm do chính ông Hiệu trưởng làm ra không có hợp đồng mua bán, không có hóa đơn đầu vào, nên không thể làm thủ tục chi trả theo quy định của nhà nước.
Để hợp thức hóa chi phí cho công sức và vật tư mình đã bỏ ra, ông Tâm đã liên hệ với các doanh nghiệp bên ngoài để mua hóa đơn, ghi khống nội dung mua bán.
Cụ thể, ông Tâm đã lấy hóa đơn từ Doanh nghiệp HK với giá trị 11 triệu đồng, từ Doanh nghiệp MĐ 3,45 triệu đồng và Doanh nghiệp MD 3,45 triệu đồng. Tổng số tiền trên các hóa đơn này được dùng để thanh toán cho các sản phẩm do ông Tâm làm cho nhà trường.
Cấp sơ thẩm xác định số tiền thực tế ông Tâm chi trả cho việc mua vật tư và công sức lao động thấp hơn nhiều so với số tiền ghi trên hóa đơn mà ông đã được thanh toán. Phần chênh lệch được cho là tiền ông Tâm chiếm đoạt, bị tính toán là 10,708 triệu đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 17-2, TAND huyện Ngọc Hiển đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tâm 7 năm tù về tội tham ô tài sản, đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ trong 2 năm sau khi mãn hạn tù và buộc tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền 10.708.000 đồng.
Sau khi tuyên án sơ thẩm, ông Tâm làm đơn kháng cáo.

Những trang thiết bị ông Tâm tự tay tạo ra như ghế học sinh, kệ tivi, kệ hồ sơ được Nhà trường đưa vào tài sản công và đang sử dụng. Ảnh: CTV
Hủy án vì bỏ qua việc định giá tài sản
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định quá trình điều tra và xét xử ở cấp sơ thẩm có những thiếu sót nghiêm trọng, vi phạm thủ tục tố tụng; không xem xét một cách thấu đáo bản chất của vụ việc.
Bị cáo Tâm thừa nhận việc sử dụng hóa đơn khống là sai quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo khẳng định mình không có ý định tham ô.
Bị cáo là giáo viên, có tay nghề hàn nên đã tận dụng vật liệu vụn, bỏ công sức ra làm để kiếm được chút tiền công. Các sản phẩm như kệ hồ sơ, bàn ghế, bảng thông báo là có thật, hiện hữu và đang được sử dụng tại trường. Lời khai này cũng phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ.
HĐXX phúc thẩm cho rằng: "Để giải quyết vụ án một cách toàn diện, khách quan và đúng pháp luật, cần phải làm rõ giá trị thực tế của các sản phẩm mà bị cáo Tâm đã tạo ra. Các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ qua việc định giá tài sản này. Đây là một thiếu sót mấu chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định bản chất hành vi và mức độ thiệt hại (nếu có)".
HĐXX lập luận rằng dù ông Tâm có sai phạm về thủ tục tài chính khi mua hóa đơn, nhưng không thể phủ nhận giá trị sức lao động và giá trị của các sản phẩm mà ông đã làm ra.
Những sản phẩm này đã nhập vào tài sản của nhà trường và được sử dụng. Do đó, muốn xác định số tiền ông Tâm chiếm đoạt (nếu có), bắt buộc phải lấy tổng số tiền đã được thanh toán trừ đi giá trị thực tế của các sản phẩm đã được tạo ra. Phần chênh lệch còn lại (nếu có) mới có thể được xem là tài sản bị chiếm đoạt.
Từ những nhận định trên, cấp phúc thẩm đã quyết định hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 05/2025/HS-ST ngày 17-2-2025 của TAND huyện Ngọc Hiển.
Vụ án được giao lại cho VKSND huyện Ngọc Hiển (nay là VKSND khu vực 5 Cà Mau) để tiến hành điều tra lại theo đúng quy định.
Nguồn PLO: https://plo.vn/toa-huy-an-vu-hieu-truong-o-ca-mau-tham-o-107-trieu-dong-post859224.html