Tỏa sáng nghị lực Việt 2023: Mỗi tấm gương là một câu chuyện đẹp 'tàn nhưng không phế'
Bị teo cơ từ nhỏ nhưng chị Nguyễn Thị Xuân (Hà Nam) đã nỗ lực không ngừng nghỉ trở thành nữ kỹ sư máy tính và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người khác.
Vượt nghịch cảnh vươn lên giúp người cùng cảnh ngộ
Chị Nguyễn Thị Xuân (Hà Nam) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có người bố bị khuyết tật không thể đi lại. Năm 12 tuổi, gia đình phát hiện chị Xuân và em trai bị bệnh teo cơ giống bố. Mọi gánh vác trong gia đình đều đổ dồn vào người mẹ khi cả nhà tới 3 người khuyết tật.
Thương chị, cả gia đình vẫn cố gắng vay mượn để chạy chữa. Thế nhưng, vài năm lo thuốc men, cạn kiệt tiền bạc nên cuối cùng cả gia đình phải chấp nhận chị ‘không thể chữa được’. Thời gian sau đó, cũng vì hoàn cảnh nghèo, chị Xuân đành tạm dừng việc học để làm nghề thủ công mây tre đan để phụ giúp gia đình.
Thế nhưng không cam chịu việc ngồi bó gối chôn vùi thanh xuân của mình ở góc nhà với que giang, sợi mây, năm 2009, chị Xuân cùng em đã xin bố mẹ cho đi học nghề để thay đổi bản thân, vươn ra hòa nhập xã hội. Em trai chị chọn học cao đẳng nghề còn chị chọn học tin học văn phòng và chỉnh sửa ảnh ở Nam Định.
"Sau những năm tháng đó, tôi và em mình đã gặt hái được những kết quả. Chúng tôi thành công khi vượt qua khó khăn mặc cảm của bệnh tật. Những lỗ lực đã giúp chúng tôi có được một nhóm làm việc với nhau 14 năm cho công ty cổ phần Pixelvn", chị Xuân cho biết.
Nỗ lực vươn lên với hoàn cảnh, chị Xuân còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội với mong muốn cống hiến tuổi trẻ cùng kiến thức của mình góp phần mang tiếng nói của người khuyết tật với xã hội.
Chị đã rất thành công trong lĩnh vực công nghệ, tạo công ăn việc làm ổn định cho những thanh niên khuyết tật có hoàn cảnh giống mình. Đồng thời, chị luôn đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật. Hiện tại chị đang giữ cương vị Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam. Hàng năm, chị đã cùng các thành viên CLB kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân những phần quà giá trị để trao tặng cho những người bị khuyết tật trên địa bàn.
Ngoài ra, chị kết nối tới các đơn vị may mặc trên địa bàn tạo công ăn việc làm ổn định cho các hội viên, thu nhập hàng tháng từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng. Thành lập nhóm thiết kế quảng cáo thuộc công ty Pixel Việt Nam cho các hội viên, thu nhập hàng tháng 6 triệu đồng. Năm 2021, chị Xuân vinh dự được nhận bằng khen Gương mặt noi gương thanh niên khuyết tật vượt khó của tỉnh Hà Nam.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Nguyễn Thị Xuân là một trong số 35 gương thanh niên được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2023 tại Hà Nội. Chương trình doTrung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Công ty TNHH TCP Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tôn vinh những tấm gương ‘tàn nhưng không phế’
"Tỏa sáng Nghị lực Việt" được phát động từ năm 2013 thông qua sự kiện diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vujicic đến Việt Nam giao lưu cùng thanh niên Việt Nam.
Chương trình nhằm tuyên dương các gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu giàu nghị lực, vươn lên từ nghịch cảnh, vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp cho cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam.
10 năm qua, chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt đã tuyên dương 164 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Năm 2023, chương trình tôn vinh 35 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu thuộc 23 tỉnh, thành phố, tổ chức xã hội.
Các thanh niên khuyết tật được tôn vinh đến nhiều ngành nghề. Trong đó có những người đã đạt được thành tích cao trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và truyền cảm hứng mạnh mẽ như vận động viên bơi lội Trịnh Bích Như đạt 8 Huy chương Vàng tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á năm 2022 và 2023 và được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022; Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước năm 2023.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: "Thành tích mà các em, các cháu vượt lên chính mình để thay đổi cuộc sống là niềm cổ vũ, động viên truyền cảm hứng cho hàng triệu người khuyết tật nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, vững tin vào cuộc sống. Điều giản dị đó chính là việc làm có ích của các em, các cháu đóng góp cho cộng đồng và xã hội".
Mỗi gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương là một câu chuyện đẹp "tàn nhưng không phế’, một tấm gương điển hình về nghị lực sống và khát vọng được cống hiến, mang đến những điều tốt đẹp không chỉ cho riêng mình, cho gia đình mình mà còn cho cộng đồng và xã hội.