Toàn bộ mô hình kinh doanh của Đức đang bị đặt dấu hỏi

Sự kỳ vọng lớn về việc nền kinh tế Đức sẽ lấy lại động lực tăng trưởng trong năm 2024, nhờ tâm lý người tiêu dùng tăng trở lại và sự hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu, đang dần bị thu hẹp.

Kinh tế Đức không có nhiều dấu hiệu phục hồi trong năm 2024. Ảnh: THX/TTXVN

Kinh tế Đức không có nhiều dấu hiệu phục hồi trong năm 2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo bài viết trên báo Die Welt của Đức, lượng hàng hóa từ “đầu tàu kinh tế châu Âu” xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ và các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) khác đang giảm, mặc dù các nền kinh tế đó hoạt động tốt. Sự giảm sút này nghiêm trọng đến mức một số nhà quan sát cho rằng toàn bộ "mô hình kinh doanh" của Đức đang bị đặt dấu hỏi.

Đã có những kỳ vọng lớn về việc nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ lấy lại động lực tăng trưởng trong năm 2024, nhờ tâm lý người tiêu dùng tăng trở lại và sự hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu. Một năm trước,

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm 2024. Chính phủ liên bang Đức cũng dự báo rằng mức tăng 1,3% là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy sự trì trệ, mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khó có thể đạt được những dự báo nêu trên. Những trụ cột hy vọng cho nền kinh tế Đức đang dần tan vỡ.

Mặc dù giá trị xuất khẩu tính theo từng tháng riêng lẻ không có quá nhiều ý nghĩa, nhưng nhu cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa Đức đã giảm rõ rệt trong những tháng gần đây. Bức tranh tổng thể cho thấy lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế Đức đang có rất ít động lực tăng trưởng. Chuyên gia kinh tế Thomas Obst từ Viện nghiên cứu Kinh tế Đức (IW) cho biết lượng hàng hóa xuất khẩu của Đức sang các nước khác thấp hơn, phù hợp với số lượng đơn đặt hàng yếu hơn thời gian qua.

Cũng trong tháng 6/2024, lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ - thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Đức - giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù nền kinh tế Mỹ đang có kỳ vọng tăng trưởng tốt (dự báo tăng trưởng từ 2% trở lên trong năm nay). Mức giảm thậm chí còn lớn hơn đối với thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của Đức là Trung Quốc (giảm 9,9%). Chỉ có một đối tác thương mại quan trọng có nhu cầu về hàng hóa Đức tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, đó là Hàn Quốc, với mức xuất khẩu tăng 9,4%.

Vũ Tùng (P/v TXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/toan-bo-mo-hinh-kinh-doanh-cua-duc-dang-bi-dat-dau-hoi/341543.html