Toàn cảnh thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse

Ngày 12/6, ngân hàng UBS của Thụy Sỹ thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse, qua đó cho ra đời một ngân hàng khổng lồ với tổng giá trị tài sản lên tới 1.600 tỷ USD. Thương vụ này được đánh giá là thỏa thuận giải cứu ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018.

Trong bức thư ngỏ được Financial Times công bố, Giám đốc điều hành Sergio Ermotti và Chủ tịch Colm Kelleher của ngân hàng UBS đánh giá thỏa thuận “siêu sáp nhập” vừa qua "là sự khởi đầu của một chương mới - đối với UBS và ngành tài chính toàn cầu".

Cơ quan quản lý tài chính FINMA của Thụy Sĩ cho biết trong một tuyên bố hôm 12/6 rằng việc hoàn tất hợp pháp thương vụ thâu thâu tóm này “mang lại sự rõ ràng và ổn định cho hai ngân hàng”. FINMA hoan nghênh trọng tâm chiến lược của UBS, qua đó báo hiệu rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư sẽ nhanh chóng giảm xuống.

Thỏa thuận “siêu sáp nhập”

Với cả loạt bê bối trong nhiều năm, việc thay đổi ban lãnh đạo cấp cao, thua lỗ hàng tỷ USD và một chiến lược không hấp dẫn có thể là những nguyên nhân dẫn tới mớ hỗn độn mà Credit Suisse - một ngân hàng Thụy Sĩ có lịch sử 167 năm - đã vướng vào.

Ngày 12/6, Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse.

Ngày 12/6, Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse.

Ngày 15/3, khả năng Credit Suisse có thể bị sụp đổ đã trở nên rõ ràng hơn khi giá cổ phiếu của ngân hàng này giảm hơn 30% trong các phiên giao dịch, kéo theo cổ phiếu của các nhà băng lớn khác của châu Âu đồng loạt giảm sau sự sụp đổ của các ngân hàng ở Mỹ. Chỉ vài ngày sau, ngày 19/3, chính phủ Thụy Sĩ, ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính của nước này đã can thiệp và mạnh mẽ thúc đẩy thương vụ UBS mua lại Credit Suisse trị giá 3,4 tỷ USD. Vụ sáp nhập lớn này kèm theo các bảo đảm cho UBS trong trường hợp có bất kỳ bất ngờ nào xảy ra đối với tài sản của Credit Suisse.

Trước khi ngân hàng UBS thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse, ngày 9/6, Bộ Tài chính Thụy Sĩ thông báo chính phủ nước này đã ký một thỏa thuận cung cấp bảo lãnh trị giá 9 tỷ franc (10,01 tỷ USD) với UBS nhằm giảm rủi ro mà ngân hàng này phải gánh chịu sau thương vụ mua lại Credit Suisse. Thông báo của bộ trên nêu rõ: "Chính phủ Thụy Sĩ sẽ cấp cho UBS khoản bảo lãnh trị giá 9 tỷ franc để bù đắp cho các chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản của Credit Suisse, theo đó hoàn tất việc tiếp quản. Khoản bảo lãnh sẽ chỉ có hiệu lực nếu tổn thất từ việc thanh lý các tài sản này ở trong khoảng 5-9 tỷ franc". Chính phủ Thụy Sĩ nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của cả chính phủ lẫn UBS là giảm thiểu những tổn thất và rủi ro tiềm ẩn để "tránh trường hợp phải sử dụng tối đa khoản bảo lãnh".

Hiện tại, 2 ngân hàng sẽ tiếp tục hoạt động riêng biệt dưới sự bảo trợ của UBS. Nhưng UBS đã thành lập một ban giám đốc mới để điều hành một số hoạt động của Credit Suisse, đứng đầu là Phó chủ tịch hiện tại của UBS Lukas Gaehwiler. Trong bức thư ngỏ, các giám đốc điều hành của UBS đã hoan nghênh các nhân viên của Credit Suisse và kêu gọi tất cả nhân viên "kiên nhẫn" trong khi các chi tiết cụ thể được làm rõ. Kelleher và Ermotti nói: "Giai đoạn quan trọng nhất chỉ mới bắt đầu”.

Suvi Platerink Kosonen, chiến lược gia cấp cao của ING cho biết: “Chúng tôi coi việc sáp nhập là một nhiệm vụ lớn với những rủi ro thực thi đáng kể”. Còn theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ Thomas Jordan, không có giải pháp nào khác. Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ nói với tuần báo SonntagsZeitung: "Tất nhiên, thật đáng tiếc khi chỉ còn lại một ngân hàng lớn. Nhưng tôi chắc chắn rằng nếu việc tiếp quản của UBS không thành công, sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế".

Giám đốc điều hành UBS Ermotti hôm 12/6 nói rằng "thay vì cạnh tranh, giờ đây chúng tôi sẽ đoàn kết khi bắt tay vào chương tiếp theo trong hành trình chung của chúng tôi. Cùng nhau, chúng tôi sẽ mang đến cho khách hàng của mình một dịch vụ toàn cầu nâng cao, tầm vươn rộng lớn hơn và chuyên môn cao hơn".

UBS đã hoàn tất thương vụ tiếp quản trong vòng chưa đầy 3 tháng, một thời gian quá ngắn so với quy mô và sự phức tạp của nó, trong một cuộc đua nhằm mang lại sự đảm bảo chắc chắn hơn cho cả khách hàng và nhân viên. Tuy nhiên, thỏa thuận đã phơi bày 2 điều lầm tưởng - đó là Thụy Sĩ là một điểm đến đầu tư ổn định, có thể dự đoán được và các vấn đề của ngân hàng sẽ không ảnh hưởng đến người nộp thuế.

Arturo Bris, Giám đốc Trung tâm Cạnh tranh Thế giới IMD, cho biết cuộc giải cứu cũng cho thấy ngay cả các ngân hàng lớn trên toàn cầu cũng dễ bị hoảng loạn. Dòng chảy tiền gửi buộc Credit Suisse phải tìm kiếm sự giúp đỡ. Bris cho biết thêm, danh tiếng của Thụy Sĩ là một "môi trường chính trị an toàn, dễ đoán, nơi khu vực tư nhân hoạt động tự do và không có sự can thiệp của chính phủ" đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Sự biến mất của ngân hàng đầu tư Credit Suisse đánh dấu một sự rút lui khác của một công ty cho vay châu Âu khỏi các sàn giao dịch chứng khoán, một hoạt động kinh doanh hiện phần lớn do các công ty Mỹ thống trị.

Những cơ hội mở ra

Credit Suisse nằm trong số 30 tổ chức tài chính được coi là ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu và giới chức lo lắng về hậu quả nếu ngân hàng sụp đổ. UBS lớn hơn nhưng Credit Suisse có ảnh hưởng đáng kể, với tài sản trị giá 1.400 tỷ USD được quản lý. UBS có các chi nhánh giao dịch quan trọng trên khắp thế giới, phục vụ giới thượng lưu thông qua hoạt động kinh doanh quản lý tài sản và là cố vấn cho các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn.

Giám đốc điều hành UBS Sergio Ermotti cho biết có thể sẽ phải cắt giảm nhân sự sau thương vụ Credit Suisse.

Giám đốc điều hành UBS Sergio Ermotti cho biết có thể sẽ phải cắt giảm nhân sự sau thương vụ Credit Suisse.

Theo CNN, thỏa thuận mua lại Credit Suisse sẽ đem lại nhiều lợi ích cho UBS. Thương vụ này sẽ tạo ra một ngân hàng quản lý khối lượng tài sản trị giá 5.000 tỷ USD, đưa UBS lên vị trí dẫn đầu tại các thị trường chủ chốt mà lẽ ra ngân hàng này sẽ mất nhiều năm tăng trưởng về quy mô và phạm vi hoạt động mới có thể đạt được, đồng thời giúp UBS giành được bộ phận ngân hàng bán lẻ được đánh giá cao của Credit Suisse.

Johann Scholtz - nhà phân tích tại Morningstar, nhận định rằng lợi ích mà UBS nhận được từ thương vụ trên lớn hơn nhiều so với số tiền 3,2 tỷ USD mà họ bỏ ra để mua lại Credit Suisse. Việc tiếp quản Credit Suisse sẽ củng cố vị trí của UBS với tư cách là công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới với 5.000 tỷ USD tài sản đầu tư, đồng thời thúc đẩy tham vọng phát triển ở châu Mỹ và châu Á của ngân hàng.

UBS cũng ước tính sẽ được hưởng phần “lợi thế thương mại âm” trị giá 34,8 tỷ USD vì mua lại Credit Suisse với giá thấp hơn nhiều so với giá trị "hợp lý" của ngân hàng này. Khoản này sẽ giúp bù đắp cho những thiệt hại nếu có, và có thể làm tăng lợi nhuận quý II của UBS nếu ngân hàng này hoàn tất thương vụ mua lại Credit Suisse trong tháng tới như kế hoạch.

Thách thức phía trước

UBS ngày 17/5 dự đoán sẽ bị thiệt hại tài chính khoảng 17 tỷ USD do thương vụ mua lại Credit Suisse. UBS ước tính những điều chỉnh trong giá trị hợp lý của các tài sản và nợ mà ngân hàng sau sáp nhập nắm giữ đã gây ra thiệt hại tài chính 13 tỷ USD. Bên cạnh đó, UBS còn dành ra 4 tỷ USD để trang trải các chi phí về pháp lý nếu phát sinh do thương vụ nói trên. UBS còn cho biết có thể có các chi phí cho việc tái cơ cấu, nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher tại cuộc họp báo ở thành phố Bern, Thụy Sĩ.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher tại cuộc họp báo ở thành phố Bern, Thụy Sĩ.

Reuters đánh giá rằng thỏa thuận “siêu sáp nhập” hiện đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho cả Thụy Sĩ và ngân hàng lớn nhất của nước này. Thụy Sĩ hiện phải cạnh tranh với một ngân hàng có bảng cân đối kế toán lớn gấp đôi nền kinh tế của nước này, trong khi Giám đốc điều hành Ermotti sẽ phải đối mặt với các quyết định chiến lược khó khăn khi UBS hợp nhất với đối thủ nhỏ hơn của mình trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn.

Có thể trở ngại đầu tiên sẽ là một quyết định đầy rủi ro chính trị đối với "viên ngọc quý" của Credit Suisse - mảng kinh doanh tại Thụy Sĩ. Kết hợp mảng kinh doanh này của Credit Suisse với mảng trong nước của UBS có thể tạo ra khoản tiết kiệm đáng kể và Ermotti đã đề xuất đây là kịch bản cơ bản cho việc sáp nhập. Tuy nhiên, UBS sẽ phải cân nhắc điều đó trước áp lực của công chúng nhằm giữ cho hoạt động kinh doanh của Credit Suisse tách biệt với thương hiệu, bản sắc riêng và quan trọng là lực lượng lao động của UBS. Cuối năm 2022, mảng kinh doanh tại Thụy Sĩ của Credit Suisse có gần 7.300 nhân viên và lợi nhuận hoạt động là 1,43 tỷ franc Thụy Sĩ (1,65 tỷ USD) trong khi toàn bộ tập đoàn bị lỗ nặng.

Chuyên gia Ipek Ozkardeskaya của ngân hàng Swissquote cho rằng một trong những lập luận hỗ trợ cho ý tưởng chia tách là thực tế rằng UBS đã trở nên quá lớn đối với thị trường Thụy Sỹ sau khi thâu tóm Credit Suisse. Một lập luận khác cho phương án này là để phát huy tối đa tiềm năng của bộ phận này và để khách hàng ở Thụy Sỹ có thêm một lựa chọn thay thế UBS. Giữ bộ phận này của Credit Suisse như một đơn vị độc lập là một ý tưởng hấp dẫn với nhiều người tại Thụy Sỹ, đặc biệt khi việc này có thể ngăn chặn khả năng cắt giảm việc làm hàng loạt trong lĩnh vực ngân hàng.

Một thách thức khác mà UBS đang đối mặt là “làn sóng” ra đi của nhân viên và khách hàng. Đã có thông tin về việc các đối thủ đang tích cực lôi kéo khách hàng và nhân viên của Credit Suisse. Một nguồn tin cho biết có khoảng 200 người rời ngân hàng này mỗi tuần. Các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính và nhà phân tích cho rằng việc duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh đồng thời cải thiện tinh thần của nhân viên có thể là thách thức lớn nhất đối với UBS sau khi sáp nhập.

Những khách hàng thường gửi tiết kiệm ở cả UBS và Credit Suisse để phân tán rủi ro giờ đây có thể chuyển một số khoản tiền gửi của họ sang nơi khác. Alan Mudie, Giám đốc đầu tư của công ty Quản lý Tài sản Woodman, cho biết: "1 + 1 sẽ không bằng 2. Một phần lớn tài sản sẽ bị mất và điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của UBS trong thương vụ này".

Bên cạnh đó, UBS cũng nói rõ lực lượng lao động của họ sau thương vụ sáp nhập - hiện lên tới khoảng 120.000 người - sẽ cần phải thu hẹp lại. Hồi tháng 5, sau khi UBS tuyên bố tiếp nhận nhân viên của Credit Suisse, Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết: "Chúng tôi lo ngại tình trạng ô nhiễm văn hóa. Chúng tôi sẽ đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho những người làm việc tại UBS". Các lãnh đạo của UBS lo ngại rằng ngân hàng này đang tiếp nhận một doanh nghiệp có truyền thống làm việc với các khách hàng có nhiều rủi ro. Những năm cuối cùng mà Credit Suisse hoạt động độc lập được đánh dấu bởi các vụ bê bối và khủng hoảng. Một số nhà quan sát cảnh báo rằng tất cả những điều đó góp phần tạo nên bầu không khí không chắc chắn, khiến UBS sau khi sáp nhập khó giữ được những người làm việc hiệu quả nhất và tuyển dụng nhân viên mới.

Zurich - trung tâm kinh tế-tài chính lớn của Thụy Sỹ - sẽ là bang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khả năng mất việc làm ước tính rơi vào con số khoảng từ 6.500 đến 8.000, chiếm khoảng 0,9% tổng công việc của bang. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng không nên lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đột ngột. Quá trình hợp lý hóa của UBS sẽ mất vài năm. Hơn nữa, một bộ phận những người liên quan có thể sẽ dễ dàng được tuyển dụng trên thị trường lao động vì tại Thụy Sỹ đang xảy ra tình trạng thiếu lao động có trình độ.

Theo BAK Economics, những tác động tiêu cực của thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse sẽ vẫn chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực ngân hàng. Thỏa thuận giải cứu ngân hàng lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2018 này sẽ giúp “làm giảm nguy cơ khủng hoảng ngân hàng nói chung và giúp duy trì các dịch vụ tài chính không hạn chế cho các khách hàng của Credit Suisse”.

Khánh An (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/toan-canh-thuong-vu-ubs-thau-tom-credit-suisse-i697407/