Toàn tỉnh có gần 600 tổ chức, cá nhân hành nghề thú y

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 600 tổ chức, cá nhân hành nghề thú y đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề thú y, được cấp Chứng chỉ hành nghề theo quy định; trong đó, có 330 tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y...

Cửa hàng kinh doanh thuốc Thú y của gia đình ông Nguyễn Mạnh Trí, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông đáp ứng đủ các điều kiện, được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.
(Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
(baophutho.vn) - Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 600 tổ chức, cá nhân hành nghề thú y đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề thú y, được cấp Chứng chỉ hành nghề theo quy định; trong đó, có 330 tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y; 261 tổ chức cá nhân hành nghề tiêm phòng, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y; 9 cá nhân hành nghề khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật. Toàn tỉnh hiện có 225 nhân viên khuyến nông làm nhiệm vụ về chăn nuôi thú y, chưa có nhân viên thú y cấp xã. Về trình độ chuyên môn: Có 203/225 người có chuyên môn về chăn nuôi thú y từ sơ cấp đến đại học; 22 người không có chuyên môn về chăn nuôi thú y.
Theo đánh giá, việc triển khai nhiệm vụ về chăn nuôi thú y tại cơ sở, nhất là hoạt động giám sát dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn do năng lực của đội ngũ khuyến nông cơ sở còn hạn chế; phụ cấp chi trả thấp, kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Công tác quản lý hoạt động buôn bán thuốc thú y còn khó khăn bởi hoạt động cung ứng thuốc đa dạng, trong khi thiếu quy định để kiểm soát chặt chẽ, nhất là việc buôn bán vắc-xin; việc giám sát chất lượng thuốc thú y chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế do chi phí giám sát cao trong khi ngân sách của tỉnh hạn hẹp. Việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh còn nhiều khó khăn bởi chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ khó kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh; chi phí xây dựng và duy trì điều kiện cơ sở an toàn dịch bệnh khá cao; nhận thức của người chăn nuôi về việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh chưa đầy đủ… Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường năng lực giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến xã thông qua chủ động triển khai giám sát lâm sàng và giám sát phi lâm sàng, ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, quản lý, phân tích dữ liệu dịch bệnh, xây dựng bản đồ dịch tễ. Thực hiện xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật gắn với quy hoạch phát triển chăn nuôi, tạo vùng nguyên liệu sạch bệnh cho xuất khẩu, chế biến sản phẩm từ động vật theo chương trình, kế hoạch quốc gia. Tăng cường trang thiết bị nâng cao năng lực thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra, giám sát ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư kháng sinh, chất cấm trong thực phẩm có nguồn gốc động vật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật thống nhất với chương trình của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương…

K.T

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202109/toan-tinh-co-gan-600-to-chuc-ca-nhan-hanh-nghe-thu-y-179352