Toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp

Sáng ngày 10/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Tạp chí Công Thương trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Bộ trưởng.

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Bộ Công Thương đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vai trò vị trí, tầm quan trọng và những nỗ lực đóng góp của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải.

Thời gian tới để tiếp tục khai thác phát huy tiềm năng to lớn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% GDP năm 2025, Bộ Công Thương kiến nghị các doanh nghiệp một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, đề nghị các doanh nghiệp bám sát tình hình chính trị, kinh tế thế giới, cơ hội hiếm có và những yêu cầu trong nước để có sự điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.

Tập trung cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong việc đầu tư kinh doanh của mình.

Thứ hai, tích cực tham gia thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua việc đầu tư, kích hoạt tiêu dùng và tăng cường xuất khẩu.

Đồng thời chủ động khai thác các động lực tăng trưởng mới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; phát triển các lĩnh vực mới nổi như chip và công nghệ AI để tăng tốc, bứt phá, phát triển một cách bền vững.

Thứ ba, chủ động nghiên cứu, thu xếp nguồn vốn, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh để tích cực tham gia dự án trọng điểm quốc gia, nhất là trong lĩnh vực giao thông và năng lượng, các dự án nằm trong nhóm khuyến kích đầu tư đã được xác định tại các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị một số vấn đề để tiếp tục khai thác phát huy tiềm năng to lớn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% GDP năm 2025 (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị một số vấn đề để tiếp tục khai thác phát huy tiềm năng to lớn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% GDP năm 2025 (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Với ngành Công Thương có 4 Quy hoạch ngành bao gồm: Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện, Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia và Quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản, trong đó đã xác định rõ, có khoảng hơn 50 nghìn dự án và tổng mức đầu tư lên tới hàng triệu tỷ đồng. Đây là dư địa rất lớn để các doanh nghiệp có thể khai thác vừa là tăng dư địa cho đất nước, vùa là nguồn cung các nguyên liệu cho sản xuất và dự phòng.

Đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân lớn cần nêu cao tinh thần tự chủ, tự tin, tinh thần tự hào dân tộc để phát huy thế mạnh, vươn lên đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoài, tham gia tích cực và chủ động vào kinh tế toàn cầu đồng thời cùng với doanh nghiệp nhà nước dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hệ sinh thái các doanh nghiệp Việt Nam và các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thứ tư, chú trọng khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, các mô hình phân phối hiện đại, dịch vụ logictics để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Chú trọng xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu nhất là các mặt hàng truyền thống, mặt hàng nông lâm thủy sản, hàng tiêu dùng…

Chủ động tìm kiếm giải pháp để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân lớn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Thứ năm, đề nghị chủ động, tích cực nghiên cứu tham gia xây dựng và phản biện chính sách với các cơ quan quản lý nhà nước trên tinh thần xây dựng khẩn trương theo cách vừa chạy vừa xếp hàng, góp phần nâng cao chất lượng công tác hoàn thiện thể chế.

Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối thị trường, hỗ trợ trong quá trình tiếp cận các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách hiện hành, thực thi các nội dung hành chính một cách nhanh chóng thuận lợi.

Đặc biệt, sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đối thoại một cách cởi mở để tiếp thu có chọn lọc, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi để các doanh nghiệp có thể tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước 8% trở lên trong năm 2025.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-bo-truong-nguyen-hong-dien-tai-hoi-nghi-thuong-truc-chinh-phu-gap-go-doanh-nghiep-133051.htm