Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam giảm sâu nhất sau 26 năm tái lập tỉnh
Năm 2023, tỉnh Quảng Nam thực hiện ước đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022, mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay. Đó là thông tin được đưa ra tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) diễn ra vào sáng nay (6/12).
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Nam giảm sâu do ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 24%; thị trường tiêu thụ ô tô giảm mạnh. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú tại tỉnh Quảng Nam năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2022, trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt, doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm ngoái.
Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Nam trong năm 2023 dự kiến đạt gần 24 ngàn tỷ đồng, chỉ bằng 71,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, tỉnh Quảng Nam thực hiện đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra, 3 chỉ tiêu không đạt.
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phục hồi, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
“Việc xử lý các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, khu dân cư, khu đô thị,… còn kéo dài. Công tác quản lý quy hoạch được duyệt, quản lý đất đai, quản lý hiện trạng tại một số địa phương còn hạn chế. Việc triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải còn chậm. Việc mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, đấu thầu thuốc còn lúng túng. Xảy ra một số hạn chế, khuyết điểm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, giá đất, khoáng sản,... mà các Đoàn Kiểm tra, Thanh tra đã chỉ ra,” ông Lê Trí Thanh nói.
Phát biểu tại Kỳ họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải biểu dương tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp tài khóa, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các khó khăn chung do suy giảm thị trường…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022, đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay. Công tác theo dõi, giám sát, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ, xảy ra sai phạm đã được các cơ quan kiểm tra, thanh tra chỉ rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tỉnh Quảng Nam thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
“Khắc phục kịp thời, triệt để các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra. Chuẩn bị tốt các điều kiện, nguồn lực, triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy định hướng phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tạo sức bật mới cho khu kinh tế Chu Lai và vùng đông của tỉnh, hoàn thành dứt điểm các tuyến giao thông trọng điểm kết nối các trục ngang của tỉnh,” Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị.