Tôi chào đất nước tôi

Tôi xin mạn phép nhà thơ Thanh Thảo lấy tựa đề bài thơ nổi tiếng của ông viết năm 1986 để ghi lại vài dòng cảm xúc của riêng mình trong không khí cận kề ngày kỷ niệm thống nhất đất nước 50 năm.

Ông đã viết rất nhiều điều trong bài thơ Tôi chào đất nước tôi, nhưng có lẽ hình ảnh gửi gắm cuối cùng là diễn tả về những ngọn cỏ non. Hình tượng ấy trong thơ Thanh Thảo vốn đã được gieo vào bài thơ mang tên Dấu chân qua trảng cỏ mà ông từng viết trong chiến tranh. Điều ấy khiến tôi nghĩ ông có một “ám ảnh” đẹp: ám ảnh cỏ. Bởi, không phải ngẫu nhiên mà ông kết bài thơ bằng hai câu độc đáo: “Tôi chào đất nước tôi. Có lẽ/cỏ non vừa thúc lưng mình”. Ngọn cỏ xanh lên khi đất nước im tiếng súng, khi không còn bom đạn khói lửa, ngước mắt lên là trời xanh mây trắng. Phải chăng ngọn cỏ ấy là chỉ dấu hòa bình? Nhưng hòa bình rồi phải đâu an nhiên hưởng thụ, hòa bình rồi là tiếp nối dựng xây. Có lẽ “cỏ non vừa thúc lưng mình”, là vậy!

Những cánh chim hòa bình. Ảnh chụp ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM - Ảnh: N.K

Những cánh chim hòa bình. Ảnh chụp ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM - Ảnh: N.K

Cũng trong bài thơ ấy, mấy khổ thơ trên Thanh Thảo viết rất sâu với giọng thơ buồn. Buồn vì cái nghèo cái cực, cái sự lãng quên, ngả nghiêng của lòng người nơi này nơi nọ trong một giai đoạn bao cấp. Và ông cũng tỏ rõ chính kiến yêu đất nước của một nhà thơ - người lính vừa ra khỏi cuộc chiến. Chính bởi vậy, những dòng thơ đã hòa chung trong thao thức của nhiều người dạo ấy. Họ đọc lên và họ chia sẻ, thấy từng chữ như có bóng dáng mình trong đó: “Có nhiều lúc thò tay vào túi lấy tiền chỉ gặp bài thơ/bài thơ viết cho tương lai mà buổi trưa cần đi chợ/tôi chào đất nước tôi. Trưa đó/đất nước với mình dùng tạm bữa cơm chay”. Nhưng với hai câu kết bài thơ thần tình như đã dẫn ở trên, ông đã thắng cả những sự bất toàn của đời sống một thời bao cấp nghèo nàn, eo hẹp!

Ngược về những tháng năm xa hơn nữa, tôi cũng yêu quý bài thơ với tuyên ngôn rất riêng, nhẹ nhàng mà thấm thía của Trần Vàng Sao: Bài thơ của một người yêu nước mình, sáng tác năm 1967. Bài thơ dài như bản trường ca nhiều khúc đoạn thao thức, như một quãng đời nếm trải đủ thứ cay đắng ngọt bùi của nhà thơ xứ Huế. Nhưng tiếng vọng yêu thương đất nước gian lao thì rộng dài vô bờ bến: “Tôi yêu đất nước này rau cháo/Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu”. Để rồi, sau khi nói hết lời gan ruột qua những tháng năm bi tráng đi dài theo cuộc chiến, ông mơ về ngày hòa bình thống nhất: “Tôi yêu đất nước này chân thật/Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi/Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi/Và yêu tôi đã biết làm người/Cứ trông đất nước mình thống nhất”.

Khi đọc những dòng thơ ấy, tôi hình dung nhà thơ như dự báo được niềm hy vọng ngày thống nhất non sông rồi sẽ thành hiện thực. Cũng như bao người từng mơ về một ngày cánh chim bồ câu chao liệng trên dải đất hình chữ S, lúc đã im tiếng súng. Một giấc mơ để có được, đã phải đổi lấy bằng máu xương của nhiều thế hệ, khó nguôi ngoai trong tâm thức bao người!

Cũng trong những ngày cuối tháng 4 này, giữa lúc nhà thơ Nguyễn Duy đi dài theo đất nước để đọc thơ mình, những vần thơ đau đáu một thời của ông bỗng trở lại trong tôi. Của lứa tuổi cùng bạn bè những ngày tháng thanh xuân vừa ra khỏi năm cuối đời sinh viên, chúng tôi thỉnh thoảng lại ngâm ngợi bài thơ Nhìn từ xa Tổ Quốc của ông sáng tác năm 1988: “Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng/Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”. Cảm thức về một Tổ Quốc máu thịt được dựng xây từ công lao vĩ đại của bậc tiền nhân, mỗi khi đọc bài thơ ấy của Nguyễn Duy, lại thấy ngân lên một thoáng xót xa, một dấu ấn đầy tự hào. Mà đoạn kết bài thơ cũng chính là một sự xác quyết muôn đời, của muôn lòng nhờ ông nói hộ: “Dù có sao/vẫn Tổ Quốc trong lòng/mạch tâm linh trong sạch vô ngần/còn thơ còn dân/ta là dân - vậy thì ta tồn tại”.

Chợt tôi nhớ, trong bộ phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh, ở thời lượng 1 giờ 31 phút 31 giây, ông đã đưa vào một câu trong cuốn nhật ký bất hủ của nữ liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, hy sinh ở chiến trường Đức Phổ - Quảng Ngãi 55 năm trước. Như một lời độc thoại ngân vọng giữa ngàn lá rừng, không thể nào quên:

“Đêm qua mơ thấy hòa bình”…

Trần Thanh Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/toi-chao-dat-nuoc-toi/