Tôi choáng ngợp với Điện Biên, nơi có nhiều hơn sông Đà và hoa ban
Không chỉ sở hữu nhiều di tích lịch sử, vùng đất Điện Biên còn có những cảnh quan ấn tượng khiến tôi dành trọn 7 ngày khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa nơi đây.
4 năm trước, tôi đăng lên mạng bộ ảnh chụp hoa ban tại Hà Nội. Một người bạn nói với tôi rằng nếu có dịp hãy đến Điện Biên - thủ phủ đích thực hoa ban. Rất ấn tượng với lời nhắn, nhưng mãi đến năm nay tôi mới có dịp ghé thăm vùng đất này.
Nhắc đến Điện Biên, phần lớn mọi người sẽ nghĩ đến đèo Pha Đin, những khu di tích lịch sử, cực Tây A Pa Chải hay cánh đồng Mường Thanh. Vì là lần đầu du lịch đến thủ phủ hoa ban, trước khi đi, tôi đã dành thời gian tìm hiểu về những địa điểm du lịch trong các hội nhóm, video trên Youtube... và bị gây ấn tượng sâu sắc bởi nét đẹp của Mường Lay và Tủa Chùa.
Không chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho 7 ngày, tôi chỉ vạch ra trong đầu những điều thú vị mà mình muốn khám phá, còn lại tùy thời tiết và cơ duyên sắp đặt.
Tôi là Bùi Ngọc Công, hay mọi người còn biết đến là Rọt. Tôi sinh sống tại Hà Nội và hiện là một travel blogger.
Đặt chân đến Điện Biên vào thời điểm hoa ban nở rộ, dạo quanh thành phố hay dọc khắp những con đường, ngõ ngách, tại những khu di tích hay các bản làng, tôi đều dễ dàng bắt gặp những bông hoa trắng muốt, điểm tô chút hồng đong đưa trong gió, tạo nên cảnh sắc lung linh tuyệt đẹp trên vùng đất Tây Bắc.
Mường Lay - "phố nhà sàn" độc nhất Việt Nam
Trong hành trình lang thang khám phá Điện Biên, tôi quyết định dành một đêm ở thị xã Mường Lay. Từ TP Điện Biên đến thị xã, chúng tôi mất khoảng 3 tiếng đồng hồ để vừa di chuyển vừa hát hò, chụp ảnh, ngắm nhìn hoa ban.
Là một trong những thị xã bé nhất Việt Nam, Mường Lay mang nét đẹp bình yên, cuộc sống êm đềm nép mình bên cạnh dòng sông Đà. Những ngôi nhà được xây dựng theo mẫu nhà sàn truyền thống lợp mái ngói của dân tộc Thái trắng nằm đan xen dọc hai bên bờ sông Đà tạo nên cảnh tượng tuyệt đẹp.
Đây là cách mà người dân nơi đây đã gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống - văn hóa riêng của họ. Dọc bờ sông, những hàng dừa cao phủ bóng mát, không khí trong lành khiến tôi cảm thấy như mình đang đi lạc một làng chài ven biển đâu đó.
Khoảng thời gian ở đây, chúng tôi đi dạo quanh bản làng để ngắm sông ngắm núi, chạy nhảy trên con đường với những thửa ruộng xanh ngát nằm dọc 2 bên, dành thời gian để ngắm mặt trời dần khuất sau các dãy núi. Khung cảnh ở đây cho tôi quá nhiều cảm xúc. Từ khi có thủy điện Sơn La, con sông Đà hung bạo, dữ tợn ngày nào mà chúng ta đã học qua tác phẩm Người Lái Đò Sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân, giờ đây đã trở nên hiền hòa, êm ả và thơ mộng.
Đến đây, du khách có cơ hội thưởng thức những món ngon được chế biến từ cá, tôm được những người ngư dân đánh bắt trực tiếp trên sông. Tôm ở đây rất ngon, có vị ngọt tự nhiên, đây là lần đầu tiên tôi ăn tôm trên vùng cao có hương vị ngon đến vậy.
Ở đây không có dịch vụ đi thuyền ngắm cảnh trên sông, tuy nhiên nếu các bạn muốn trải nghiệm hoạt động tham quan, đánh bắt cá thì có thể hỏi người dân ở bến đò.
Ngoài ra, khi đến Mường Lay, các bạn đừng quên thưởng thức 2 loại bánh khẩu xén và bánh chí chọp đặc trưng của người Thái trắng. Thị xã Mường Lay không có nhiều địa điểm check-in hay các hoạt động vui chơi giải trí, bù lại cảnh quan bình yên, đường sá sạch đẹp, hoang sơ, mọi thứ cứ trôi qua nhẹ nhàng, phù hợp cho du khách tìm kiếm sự thư giãn, cân bằng.
Tủa Chùa - nét đặc sắc của thị trấn vùng cao
Từ thị xã Mường Lay chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Tủa Chùa, mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm đó là hang động Khó Chua La. Tại đây, tôi được thong thả ngắm nhìn vẻ đẹp nguyên sơ được kiến tạo từ những mảng địa chất có tuổi đời hàng triệu năm.
Ngày tiếp theo, sau khi ăn sáng ở thị trấn Tủa Chùa, chúng tôi lên đường di chuyển đến cầu Pa Phông cách đó 50 km. Quãng đường đến đây đang được sửa chữa nên khá dốc, bụi bặm và khó đi.
Cây cầu treo có màu đỏ, được thiết kế đẹp mắt, bắt ngang qua một nhánh suối nhỏ đổ ra sông Đà, kết nối tuyến đường từ trung tâm xã Huổi Só đến khu tái định cư Huổi Lóng. Đây chỉ là một nhánh suối đổ ra sông Đà, nhưng khung cảnh thơ mộng và hùng vĩ, màu nước xanh ngọc bích rất đẹp không thua kém gì sông Nho Quế ở Hà Giang khiến tôi rất ấn tượng.
Trước đó, tôi cứ mặc định rằng sẽ ăn trưa tại căn homestay gần đó. Tuy nhiên, hôm ấy homestay đóng cửa, chúng tôi không tìm được hàng quán bán đồ ăn. Bên cạnh cầu có một chiếc lán, ở đó có 2 vợ chồng anh chị người Dao đang nấu rượu, chúng tôi tiến đến hỏi xem quanh đây có quán ăn nào không. Thế mà chúng tôi đã được anh chị mời một bữa cơm trưa với những đặc sản địa phương.
Sau bữa trưa, tôi di chuyển sang bãi đá cổ Tả Phìn. Những lớp đá tai mèo nằm san sát, trải dài hàng chục km từ thung lũng đến đỉnh đồi, bao quanh các ngôi nhà của người Mông, tạo nên cao nguyên đá cổ rộng lớn mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ khiến tôi lạc lối. Được bao bọc bởi những ngọn núi trùng điệp, khung cảnh ở đây tuyệt đẹp tái hiện như một bức tranh miền sơn cước.
Men theo các lớp đá, chúng tôi tìm đến một đỉnh đồi, tại đó tôi có thể phóng tầm mắt, ngắm nhìn toàn cảnh khung cảnh hùng vĩ với các dãy núi đồ sộ, những cây hoa ban nở trắng xóa, hàng nghìn lớp đá tai mèo với hình thù rất độc đáo.
Chạy xe máy dọc theo con đường nhỏ uốn lượn, hai bên là rừng đá huyền bí, đây là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi trong chuyến đi Điện Biên vừa rồi dù đường đi gặp một chút khó khăn. Ngoài ra, các bạn có thể kết hợp ghé thăm Thành Vàng Lồng - di tích kiến trúc nghệ thuật được tạo bằng đá rất độc đáo.
Trên đường về, chiếc xe máy của chúng tôi bị hết xăng giữa đường, cũng may xe dừng gần một chiếc lán. Chúng tôi may mắn khi có một người dân địa phương đã chia sẻ xăng. Chính sự nhiệt tình, mến khách của người dân đã để lại ấn tượng sâu sắc về Điện Biên trong tôi đến tận bây giờ.
Không chỉ sở hữu vẻ hoang sơ, hùng vĩ, vùng đất này còn nổi tiếng với nhiều món ngon, đặc biệt là gà nướng, rượu Tủa Chùa. Các món ăn được tẩm ướp cùng nhiều loại gia vị đặc trưng của Tây Bắc như mắc khén, chẩm chéo, hạt dổi... khiến hương vị trở nên thơm ngon đặc biệt. Đến Điện Biên mùa hoa ban, du khách còn có cơ hội thưởng thức nộm hoa ban và canh hoa ban siêu ngon.
Ngoài ra, đến Tủa Chùa du khách đừng bỏ qua trải nghiệm tham quan chợ đêm (chỉ diễn ra vào tối thứ 7 hàng tuần), tìm hiểu về văn hóa địa phương, thưởng thức và giao lưu các chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc. Ngoài ra còn có chợ phiên vào sáng chủ nhật, phiên chợ bày bán rất nhiều mặt hàng từ ẩm thực, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản địa phương... tạo nên không khí đông đúc, nhộn nhịp.
Bên cạnh các cảnh quan thiên nhiên, là một người yêu thích lịch sử nước nhà, tôi đã rất xúc động khi được sống trong những giây phút lịch sử hào hùng trong lúc ghé thăm nhiều địa điểm như Đồi A1, Đồi Him Lam, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tượng đài chiến thắng, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, hầm Đờ Cát, đền thờ Hoàng Công Chất…
Mảnh đất này để lại cho tôi nhiều lưu luyến, tôi dự định sẽ quay trở lại Điện Biên vào tháng 5 để xem Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).