Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang
Ông nhà văn Lỗ Tấn nói phải lắm, đại khái: 'Trên trái đất này, ban đầu làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường đó thôi'.
Khi nhà thơ Tế Hanh viết:
Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng
Ta hiểu đó là con đường làng. Cũng con đường nhưng trong truyện ngắn “Răng con chó” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, với chi tiết: "Bỗng ông trông thấy ở đằng xa, có cái bóng đen đen, chạy nhanh tít, ông bèn bấm đèn ôtô để chiếu theo, thì trông rõ người ăn mày ban nãy đương chạy", rõ ràng là con đường nhựa/ đường trải nhựa. Ngoài ra, ta còn có đường xe lửa/ đường rầy/ đường sắt, đường hàng không, đường hầm v.v… Xin hỏi một câu ngớ ngẩn một chút, được không cô Hai? Ơ hay, cứ việc. Việc gì phải rụt rè, khách sáo rào trước đón sau?
Hỏi rằng, con đường làng ở nông thôn và con đường trải nhựa ở đô thị, có gì khác trong tâm thức nhà văn, hay chỉ đơn giản là con đường cho nhân vật đi lại? Đã từ lâu, tôi thích lời tâm tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Khi trình bày "Suy nghĩ về nghề văn" in trong tập “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội Nhà văn-2020), anh viết: "Thành thị đôi khi chỉ là một khái niệm về không gian nhưng làng quê luôn là một khái niệm văn hóa. Một nhân vật đi từ ngã tư này đến góc phố kia chỉ gợi nên sự di chuyển, nhưng một nhân vật đi từ chiếc cổng làng ra bến sông lại gợi lên biết bao nhiêu kỷ niệm trong lòng người. So với những trang viết về thành thị, những trang viết về làng quê của tôi bao giờ cũng nhiều cảm xúc hơn, bất chấp nhân vật hành động ra sao và cốt truyện diễn tiến như thế nào" (tr. 853).
Tình cảm dành cho con đường làng, với nhiều nhà văn luôn là một cảm xúc vời vợi không cùng. Với Thạch Lam có những đoạn văn không chỉ giàu hình ảnh và ta tưởng chừng như còn cảm nhận cả mùi hương của nơi thôn dã. Chẳng hạn, trong “Những ngày mới”, lúc nhân vật Tân sau khi gặt xong: "Khi vào đến con đường khuất khúc trong làng, trời nhá nhem tối. Qua hàng rào cây, Tân thấy lấp lánh đèn ở sân các nhà, tiếng néo đập lúa trên cối đá, tiếng hạt thóc bắn vào nia cót như mưa rào. Đâu đâu cũng thấy tiếng cười nói vui vẻ, cảnh đêm trong làng thôn quê vẫn yên lặng âm thầm thì chiều nay hoạt động vô cùng. Mùi lúa thơm vương lại trong các bụi cây hòa lẫn với mùi đầm ấm của phân cỏ, bốc lên khắp cả". Con đường này, ai trong chúng ta lại chưa từng đi lại nhiều lần tại làng quê của mình?
Tuy nhiên khi về miền Nam do vùng đất này vốn nhiều kênh rạch, sông nước nên có nhiều tên gọi về con đường không hề "đụng hàng" với bất kỳ nơi nào khác. Mà, sự độc đáo ở đây là có những tên gọi chưa hề được… từ điển ghi nhận, chỉ có thể là từ ghi chép thực tế. Ở đây, tôi muốn nói đến nhà văn Sơn Nam, khi “Tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long” (NXB Trẻ -2000), ông nhận thấy giao thông ở miền Nam: "Đường thủy chằng chịt nhưng có thể là đường bộ, vào mùa nắng. Đường bộ ấy trở thành đường thủy khi nước mưa dâng lên lai láng" (tr. 113).
Chính tính cách này, ngày xưa lưu dân đã "tùy cơ ứng biến" hình thành những con đường mà nay vẫn còn, chẳng hạn: "Đường Thét, thét tức là vạch ra con đường ngắn, tránh con rạch thiên nhiên quá cạn và quanh co", Sơn Nam giải thích. Thét có nhiều nghĩa, chẳng hạn một người nhủ: "Việc này trần ai khoai củ, làm thét cũng xong" là làm hoài/ mãi, miết, riết, làm không ngơi nghỉ, làm một mạch, làm hết sức, làm tột cùng, làm riết róng; nhưng cũng gọi là thét khi "Cày đất thành rãnh, khai đường nước nhỏ", “Việt Nam tự điển” (1970) giải thích và dẫn chứng văn liệu: "Khi trời sa mưa, họ thét một rãnh cày, nối liền hai xóm". Không rõ, từ con đường thét này có dẫn tới một không gian ấm áp, trìu mến, thân thương như nhân vật cô Tâm trong truyện ngắn “Cô hàng xén”?
"Qua cái cổng gạch cũ, cô vào hẳn trong làng. Ngõ tối hơn, đất mấp mô vì trâu bước, nhưng cô thuộc đường lối lắm. Chân cô dẫm lên lá tre khô và tai nghe tiếng xao xác đã quen; mùi bèo ở dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt. Ði ngang các nhà quen, cô thấy ánh sáng đèn chiếu qua rào, và tiếng những người quen thuộc ở trong đưa ra".
"Tâm đã bước xa rồi, hàng tre vi vút thêm, trời lại lấm tấm mưa lạnh rơi xuống mặt. Cô đi qua nhà bà cụ Nhiêu rồi về đến ngõ. Cánh cửa gỗ chưa đóng. Cô xoay đầu đòn gánh đẩy cửa rồi bước vào. Tất cả cái tối tăm rét mướt, và cánh đồng hoang vắng cô để lại ở ngoài. Ðây là nhà rồi. Mùi phân trâu nồng ấm sặc ngay vào cổ; thoáng qua, cô nghe tiếng chân trâu đập trong chuồng. Con vá thấy động sủa lên, rồi chạy lại tấp vào chân quấn quít. Trong nhà mấy đứa em reo:
- A, á. Chị Tâm đã về.
Tâm đặt gánh ở trên thềm. Ánh đèn chiếu ra, cô thấy quần áo lấm tấm ướt vì mưa bụi. Thằng Lân chạy ra trước nhất, xuýt nữa vấp vào cửa bực bàn. Rồi thằng Ái, con Bé cũng theo ra.
- Quà của chúng em đâu, chị?".
Đọc lại lần nữa đi, cô Hai à. Ta cảm nhận được bao nhiêu mùi, phải không ạ? Chắc rằng, đường thét ở miền Nam cũng dẫn tới không gian đáng yêu như thế. Rồi sực hình dung ra ngay từ ngày xửa ngày xưa ở vùng đất phương Nam này cũng từng có câu hỏi: "- Quà của chúng em đâu, chị?". Yêu thương quá đỗi. Ấy còn là biểu hiện tính cách văn của cư dân người Việt trên một dãy giang san gấm vóc từ Nam chí Bắc, chứ còn gì nữa?
Vừa rồi đi về Đồng Tháp, tôi ngạc nhiên khi tại đây vẫn còn địa danh Ngã ba Đường Thét, cây cầu mang tên Đường Thét. Không những thế, cũng tại huyện Tháp Mười còn có Kinh Đường Thét, cư dân tại đây cho biết ngày xưa để đào kinh cho thẳng, ban đầu người ta lùa bày trâu để "thét đường", tức cho chúng đi miết, đi mãi trên tuyến định sẵn nhằm tạo thành đường, sau đó, mới đào sâu hơn. Đường thét trong ngữ cảnh của Sơn Nam, nói nôm na chính là đường thẳng thét - hiểu theo nghĩa mà ông Hùinh Tịnh Paulus Của giải thích: "Một đường thẳng rẵng, miết dài" nhằm dẫn từ A đến B, chứ không đi quanh co như vốn có. Cách đi này, gần hơn, ít tốn thời gian. Trộm nghĩ, thét ở đây là ban đầu ở khu vực đó không có đường, người ta đi thét/ đi mãi nhằm mở lối mà thành. Mà, thét cũng còn có nghĩa là hét, là nạt, la to khi giận dữ, trong trường hợp này, cả hai từ có thể hoán đổi cho nhau, như ca dao có câu:
Lọ là thét mắng mới nên
Một lời xiết cạnh bằng nghìn roi song
Có điều thú vị, cũng từ thét nhưng cả hai miền Nam - Bắc đều dùng nhưng không phải ai cũng rõ nghĩa. Thí dụ, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: "Người còn thét: Người còn ngủ (nói cho quan trưởng)". Không riêng miền Nam, miền Trung cũng sử dụng, bằng chứng có câu:
Ru em cho thét cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi têm trầu
Với từ "thét" này, ta thấy có văn bản ghi "théc" - nghĩa là ru cho bé ngủ say/ ngủ sâu bởi "muồi" được hiểu là sự vật/ sự việc nào đó đã đạt đến đúng độ cần thiết. Còn ngủ thẳng thét là: "Ngủ miết dài; ngủ đã sức, đã thèm". Ngủ như thế này, ngoài Bắc lại gọi "ngủ đẫy giấc/ ngủ đẫy mắt" - đẫy trong ngữ cảnh này là "thỏa mãn được yêu cầu vì đạt được tới mức tối đa", theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999).
Nhà văn Sơn Nam còn cho biết ở khu Tứ Giác Long Xuyên, "còn có Đường Cầm, hiểu là con đường đi tới gò nỗng cao, để cầm giữ cho trâu lưu trú trong suốt mùa lụt. Lại có Đường Độn, kiểu đường bộ dùng nhánh cây, cỏ mục mà tôn lên cho cao hơn mặt nước". Độn ngữ cảnh này thì dễ hiểu rồi, lại có thêm nghĩa như thí dụ, một người bảo: "Lâu quá, không ăn cơm độn khoai, tự dưng bữa nay thấy thèm", tức là trong nồi cơm ấy còn có cho thêm khoai lẫn lộn vào nữa, ngộ ghê, nếu là người Quảng Nam lại dùng từ "ghế/ ghế khoai".
Cầm là tiếng Hán-Việt chuyển qua tiếng Việt có nghĩa bắt/ mời giữ lại, hẳn ta nhớ đến câu ca dao tuyệt hay:
Em về, anh chẳng dám cầm
Giăng tay đưa bạn ruột bầm như dưa
Với nhiều người yêu thơ, hẳn còn nhớ đến từ cầm cực kỳ lưu luyến, xao xuyến trong một bài thơ tứ tuyệt của Yến Lan. Đọc lại tặng cho cô Hai nè:
Em đến xin hồng, hồng mới nụ
Đêm nay hồng nở, bóng em xa
Cầm em bữa trước, em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa?
Có ai trả lời được không? Tôi không rõ nhưng biết rằng rằng có câu trả lời rồi đấy. Hãy cứ lặng lẽ thầm hỏi mùi hương đang lãng đãng xa gần, có như thế ắt sẽ tìm ra câu trả lời có như thế ắt nhân vật Nga trong truyện ngắn của Thạch Lam mới thể hiện một động tác tinh tế: "Mỗi mùa, cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương". Người đã xa. Hương ở lại. Vẫn là một cách "cầm em", giữ em lại đó thôi. Tôi nói thế, sao cô Hai lại cười mím chi?
Nhưng cầm cũng còn có nhiều nghĩa khác nữa. Chẳng hạn, anh A kể: "Mẹ tôi và tôi đến chơi nhà cô X, do đã xế trưa nên cô cầm khách" - cầm ở đây dù hiểu là giữ lại nhưng còn ngụ ý nhằm mời khách nán lại đặng mình thết đãi cơm nước - hoàn toàn khác với "cầm chân" cũng là giữ lại, không cho đi đâu nữa, thí dụ, do cậu con trai suốt ngày lông bông, đàn đúm theo bạn bè, bỏ bê công việc, người vợ thủ thỉ cùng chồng: "Con mình hư quá, hay là ta nên cưới vợ cầm chân nó lại?".
Lúc mẹ anh A ngồi vào bàn ăn, cô X ân cần: "Em mời bác và cháu cầm đũa", tất nhiên bảo người đó cầm lấy đôi đũa nhưng ngụ ý lại là lời mời ăn; bằng không còn có cách nói khác là "đụng đũa". "Ối dào, lúc ấy, mẹ tôi và cô X cứ nói chuyện cầm canh", anh A cho biết, tức là họ nói chuyện lâu lắc lâu lơ, hết chuyện nọ xọ chuyện kia như một cách giết thời giờ. Rõ ràng, cũng cầm canh nhưng lại hoàn toàn khác với trường hợp:
Một mình thương chị nhớ anh
Đêm đêm nghe trống cầm canh não nề
Cầm canh ở đây lại là hết canh này sang canh khác được báo hiệu qua tiếng trống. "Vậy, lúc ấy anh làm gì?", nghe bạn hỏi, anh A đáp: "Tôi chỉ nói cầm chừng" - là nói đẩy đưa cho có tiếng nói, chứ trong bụng không thích lắm. "À, họ nói chuyện gì nhỉ?", nghe bạn hỏi, anh A đáp: "À, họ kể lại chuyện ngày xưa cả hai đã từng cầm roi". Ơ hay, họ cầm roi đánh ai thế? Không, cầm roi ở đây nghĩa là cả hai theo nghề võ, giỏi võ nghệ.
Ai về Bình Định mà coi
Đàn bà cũng biết cầm roi đi quyền
là hiểu theo nghĩa này. Từ quyền này, trong Nam cũng gọi là quờn:
Thấy cô nho nho nhỏ, tôi muốn bỏ nghề đờn
Theo cô làm tùng giá, đánh quờn cho cô coi
Dấu vết của từ quờn này, ta có thể tìm thấy trong “Đại Nam quấc âm tự vị”. Cuối cùng, anh A tặc lưỡi: "Thế là thời gian hẹn hò của tôi với cô bạn gái ngày hôm ấy, cầm bằng xong phim". Ta hiểu "xong phim" là cách nói hàm ý đã xong, đã kết thúc một chuyện gì đó; còn cầm bằng là xem như, ví như, coi như, kể như... Từ "cầm bằng" này, ta còn thấy trong câu ca dao:
Một liều ba bảy cũng liều
Cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây
Trở lại với từ đường/ con đường, ta dễ dàng nhận ra, đường cũng gọi là đàng, tùy ngữ cảnh. Thiết nghĩ cách sử dụng này hình thành là do thói quen vùng miền, tuy nhiên có những trường hợp, hai từ này không thể hoán đổi cho nhau, thí dụ, nói lời đường mật/ nói lời đàng mật v.v… Tỷ như về kinh nghiệm nấu chè Huế, dân gian đất Thần kinh có câu bảo nhau: "Nấu chè hạt sen: đường phèn; nấu chè đậu đen: đường bánh" - nếu đổi qua đàng thì éo le quá, phải không cô Hai?
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/toi-con-duong-nho-chay-lang-thang-i672329/