'Tôi không cho phép người nhà không có tài được giữ chức quan trọng'
Thành viên gia đình không có tài năng giữ chức vụ quan trọng sẽ là thảm họa đối với đất nước và di sản của tôi - cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng tuyên bố.
Singapore là một “biểu tượng thần kỳ về phát triển” của thế kỷ 20. Từ một “làng chài” nghèo đói bị trục xuất khỏi Malaysia trở thành quốc gia độc lập năm 1965, Singapore đã trở thành con rồng châu Á chỉ trong vòng nửa thế kỷ.
Khi bị trục xuất khỏi Malaysia, ngoài cảng biển, Singapore chẳng có gì đáng kể, thiếu thốn đủ thứ, tài nguyên nghèo nàn, diện tích nhỏ bé, dân số ít, phải nhập khẩu từ lúa gạo đến nước sạch...
Trong cơn bĩ cực, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu xác định nhân tài là tài sản quý giá nhất của đất nước. Ông nhấn mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho những cá nhân tài năng đạt thành công là cách duy nhất để Singapore vươn lên.
Vậy Singapore trọng dụng nhân tài thế nào mà tạo nên sức bật phi thường như vậy? Việt Nam có thể học hỏi được gì để hóa rồng? Trên tinh thần tìm kiếm kế sách hay vì một Việt Nam hùng cường, bài viết giải mã bí quyết trọng dụng nhân tài của Singapore, từ đó rút ra một số gợi mở.
Cải cách đột phá để trọng dụng nhân tài
Chế độ trọng dụng nhân tài được thực dân Anh thực hiện ở Singapore từ tháng 1/1951 với mục đích rất hạn hẹp là đảm bảo việc tuyển chọn và bổ nhiệm công chức căn cứ vào tài năng không phải do sự đỡ đầu, hối lộ.
Sau khi thắng cử, tiếp quản chính quyền từ thực dân Anh vào tháng 6/1959, chế độ trọng dụng nhân tài được các nhà lãnh đạo đảng Nhân dân hành động tin dùng làm chủ thuyết phát triển đất nước. Do vậy, nó được mở rộng ra cả trong tuyển chọn lãnh đạo chính trị, trở thành nguyên tắc hoạt động của nền công vụ, nguyên lý vận hành của hệ thống chính trị, xã hội Singapore.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nhất quyết rằng phải có một nền văn hóa trọng dụng nhân tài để xây dựng một nền công vụ hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Chính phủ đã thiết kế và thực hiện 4 đột phá lớn nhằm xây dựng một nền công vụ trong sạch, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Chính phủ muốn động lực vươn tới sự xuất sắc lan tỏa và bao trùm mọi giai tầng xã hội, muốn người dân Singapore thấy rằng cơ hội bình đẳng dành cho mọi người bất kể nguồn gốc xuất thân, gia thế, địa vị, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính… Ai cũng có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng để thành công nhưng chỉ những người xuất sắc nhất được lựa chọn, tạo điều kiện tốt nhất để đạt thành công.
Trừ diệt tham nhũng, thanh lọc cán bộ yếu kém
Đảng Nhân dân hành động Singapore tiếp quản chính quyền từ tay thực dân Anh khi nạn tham nhũng được coi là lẽ thường, là lối sống của nhiều công chức. Công chức mang tâm thế thực dân, vô cảm đối với nhu cầu của dân chúng. Ngoại trừ một số quan chức cấp cao người Anh được hưởng lương cao, phụ cấp hậu hĩnh, còn lại đa số công chức nhận mức lương thấp.
Tham khảo thêm
Bởi vậy, tham nhũng được xác định là căn bệnh ung thư cần tận diệt với một chiến lược loại bỏ cả động cơ và cơ hội tham nhũng. Tùy theo điều kiện ở mỗi thời kỳ mà thực hiện biện pháp phù hợp.
Ban đầu, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa thể tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ để giảm thiểu động cơ tham nhũng nên Singapore tập trung thực hiện biện pháp giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng thật nặng hình phạt đối với hành vi tham nhũng.
Singapore ban hành Đạo luật mới toàn diện hơn để chống tham nhũng, trao cho Cục Điều tra tham nhũng nhiều quyền hơn trong bắt giam, khám xét, kiểm tra tài khoản ngân hàng… khi điều tra nghi phạm.
Hơn nữa, để Đạo luật chống tham nhũng luôn có hiệu quả, Singapore sửa đổi, bổ sung và ban hành Đạo luật mới khi cần thiết nhằm khắc phục lỗ hổng luật pháp và những vấn đề chưa lường tới. Thực tế, Đạo luật chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1963, 1966, 1981 và một đạo luật mới được ban hành năm 1989.
Từ những năm đầu thập kỷ 1970, sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng tốt, ngân sách khấm khá hơn, Singapore thực hiện cả biện pháp giảm thiểu động cơ tham nhũng với việc tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ.
Kết quả là Singapore đã đảo ngược tham nhũng từ thế “lợi lớn, rủi ro thấp” sang “rủi ro cao, lợi ít” và do vậy, tham nhũng không còn là vấn đề nghiêm trọng nữa. Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp Singapore là nước tham nhũng ít nhất châu Á từ năm 1995 đến năm 2009, xếp thứ 3 thế giới năm 1995 và thứ 4 thế giới năm 2019.
Cùng với chống tham nhũng, Singapore quyết liệt sàng lọc, loại bỏ cán bộ yếu kém. Những công chức cao cấp người Anh yếu kém bị cho nghỉ hưu sớm hoặc cho thôi việc, chỉ giữ lại người có năng lực. Singapore cũng thực hiện việc cắt phụ cấp của công chức cấp cao để thúc đẩy nền kinh tế. Kết quả là tỷ lệ thôi việc cao, tạo chỗ trống để tuyển chọn những người tài giỏi nhằm nâng cao năng lực của bộ máy công quyền.
Chính sách sàng lọc công chức vẫn được Singapore tiếp tục thực hiện cho tới nay. Hàng năm, công chức nước này được đánh giá năng lực toàn diện để xếp loại và tái xem xét về triển vọng nghề nghiệp. Những người được đánh giá có triển vọng thì được giao việc để thử thách, rèn luyện.
Ngay cả công chức hành chính, khi tuyển chọn đầu vào đã được sàng lọc vô cùng khắt khe song ở độ tuổi 35, 36, họ được đánh giá về tiềm năng nghề nghiệp. Nếu kết quả cho thấy tiềm năng của họ thấp hơn so với năng lực của các thứ trưởng hiện thời thì họ bị yêu cầu rời khỏi hệ thống công vụ hành chính để nhường chỗ cho những người mới tài giỏi hơn, nhằm bổ sung luồng máu mới để hệ thống vận hành hiệu quả hơn.
Mỗi năm, Singapore có khoảng 5% công chức không đáp ứng được yêu cầu phải rời vị trí trong danh dự, bởi vậy trong bộ máy công quyền hầu như không có công chức chây ỳ, bất mãn.
Trao chức vụ lãnh đạo cho người tài
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu ví phát triển giống như bơi ngược dòng nước, người lãnh đạo tài giỏi là đầu tàu định hướng cho đất nước phát triển, người lãnh đạo kém sẽ ngáng chân người tài giỏi, cản trở sự phát triển của quốc gia.
Bởi vậy, ông nhấn mạnh rằng vì sự phát triển vững mạnh của đất nước, Singapore nhất quyết phải thực hiện chế độ trọng dụng nhân tài một cách triệt để và nhất quán, không có ngoại lệ. "Tôi không cho phép bất kỳ thành viên gia đình nào không có tài năng được giữ chức vụ quan trọng bởi đó sẽ là thảm họa đối với Singapore và di sản của tôi" - đây là quan điểm của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Singapore còn bãi bỏ chế độ bổ nhiệm lãnh đạo lấy thâm niên làm nền tảng ngay từ khi tiến hành cải cách hành chính từ năm 1959. Năm 1961, khi diễn giải về các nguyên tắc mới của cải cách, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nhấn mạnh: “Tôi ưa chuộng hiệu quả. Với một công chức trẻ ở vị trí cao, tôi không quan tâm anh ta đã làm việc bao nhiêu năm. Nếu anh ta là người tốt nhất cho vị trí đó, hãy xếp anh ta ở vị trí đó”.
TS Phạm Mạnh Hùng(Viện Kinh tế và chính trị thế giới)