'Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa'...
Nắng trải vàng, sóng biển đu đưa, tôi lại về thăm quê hương mẹ Tơm - thôn Đông Thành, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) đúng dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024). Những mái rơm, mái rạ ngày xưa được thay thế bởi nhiều ngôi nhà kiên cố khang trang. Quê mẹ Tơm đang đổi thay từng ngày.
Đa Lộc hôm nay hiện hữu là vùng quê đáng sống bên chân sóng với những công trình trạm y tế, trường học, đường làng, ngõ xóm được đầu tư xây dựng khang trang. “Đồi cát trắng” năm nào giờ đã được thay bằng con đê kiên cố chạy dài theo chân sóng, bên cánh rừng ngập mặn xanh mướt. “Túp lều rơm” - nơi người mẹ từng “sẻ áo, nhường cơm” nuôi giấu cán bộ, giờ là nhà tưởng niệm trong khuôn viên rộng khoảng 500m2. Nơi đây đang lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật của một thời sục sôi cách mạng. Đó là bộ đồ nghề cắt tóc, hũ sành đựng gạo của gia đình hơn 80 năm trước.
Bài thơ “Mẹ Tơm” của nhà thơ Tố Hữu được in và treo trang trọng trên tường nhà để ai đến cũng có thể đọc và chụp ảnh lưu niệm. Bài thơ có đoạn: “Ôi bóng người xưa đã khuất rồi/ Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi/ Sống trên cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”.
Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển (1880-1953), quê ở làng Hanh Cù, nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc. Chồng mẹ là ông Vũ Văn Sởn (1884-1945). Mẹ có bốn người con là Vũ Thị Diệp, Vũ Thị Dực, Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu. Vì không có ruộng đất cày cấy nên hai người con trai mẹ là Sồ và Hậu phải đi ở, làm thuê, cuốc mướn, học nghề cắt tóc. Tuy nghèo khổ nhưng mọi người trong gia đình mẹ đều giàu lòng yêu nước.
Sau khi Chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành) thất bại, năm 1942 Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa chuyển về Nga Sơn củng cố tổ chức và in báo “Đuổi giặc nước”. Thấy có báo của Việt Minh, bọn mật thám và quan lại truy lùng ráo riết. Tình thế nguy cấp khiến tổ chức phải chuyển sang huyện Hậu Lộc tiếp tục hoạt động, ngôi nhà ba gian lợp bằng mái rơm trên cồn cát hoang vắng của gia đình mẹ Tơm được chọn làm căn cứ.
Ngày ngày, chồng mẹ Tơm ở nhà đan rá, rổ canh chừng người lạ đến nhà. Mọi sinh hoạt, ăn uống của cán bộ nhờ những bước chân ngược xuôi chợ búa của mẹ và hai người con trai đi cắt tóc dạo. Bởi thế, khi đọc lại những vần thơ “Con đã về đây, ơi mẹ Tơm/ Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy/ Không sợ tù gông, chấp súng gươm!”, mới thấy hết những vất vả, hy sinh của mẹ. Đôi quang gánh, hòm đựng dụng cụ cắt tóc cũng là nơi cất giấu tài liệu, truyền đơn kêu gọi kháng chiến, chống sưu cao thuế nặng... Đêm về, mẹ lại ra cồn cát thay cho chồng, làm nhiệm vụ canh gác để các cán bộ, chiến sĩ cách mạng hoạt động an toàn.
Ghi nhớ công lao của gia đình trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 9/3/1966 Thủ tướng Chính phủ đã tặng gia đình mẹ Tơm “Bằng có công với nước” và kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”. Ngày 8/9/2009 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định xếp hạng nhà mẹ Tơm là “Địa điểm di tích lịch sử cách mạng”. Ngày 22/12/2010, Khu Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm được khởi công xây dựng và khánh thành ngày 15/9/2011. Từ năm 2021 đến 2022, lăng mộ mẹ Tơm nằm trong khu di tích cũng được con cháu trong dòng họ tôn tạo khang trang, đẹp đẽ. Vào những dịp đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc đến dâng hương, dâng hoa tại Khu Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm; đoàn thanh niên thắp nến tri ân tại đài tưởng niệm liệt sĩ xã Đa Lộc, lăng mộ mẹ Tơm và gia đình.
Lấy truyền thống cách mạng làm nền tảng để phát triển, nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo và người dân Đa Lộc đã nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất để xây dựng quê hương. Đặc biệt, những năm gần đây xã Đa Lộc đã có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, nhất là trong XDNTM, NTM nâng cao. Từ nhiều nguồn vốn huy động cùng sự đồng lòng, chung tay góp sức của các tầng lớp Nhân dân, Đa Lộc đã khoác lên diện mạo mới với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Là xã bãi ngang ven biển, ngoài việc thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, Đa Lộc còn phải đối mặt với nạn xâm nhập mặn, thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Vì thế, những diện tích đất thuận lợi về tưới tiêu được xã ưu tiên trồng lúa và các loại cây hàng hóa như lạc, ngô, khoai, đậu, rau màu... Những năm gần đây, xã Đa Lộc đã đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, với nhiều loại hoa màu cho giá trị thu nhập cao như khoai tây, ngô ngọt, ớt xuất khẩu. Nổi bật, sau hơn 3 năm thực hiện "Tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung, tích tụ đất đai để phát trển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hiện nông dân trong xã đã tích tụ được hơn 87ha để xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, vườn hộ trồng cây ăn quả, đào phai, hoa, cây cảnh... mang lại thu nhập từ 700 triệu - 900 triệu đồng/ha/năm.
Phát huy thế mạnh là vùng bãi ngang ven biển, xã Đa Lộc xác định nuôi trồng thủy sản là hướng đi mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương. Xã đã tạo mọi điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay, đầu tư nâng cấp hệ thống ao đầm nuôi trồng thủy sản. Toàn xã hiện có gần 300 hộ nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích 504ha, với đối tượng con nuôi phong phú, hình thức nuôi đa dạng như tôm quảng canh, tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh. Trong đó, mô hình nuôi tôm thẻ trong nhà kính ở các thôn Mỹ Điền, Yên Lộc... đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản trên quê hương mẹ Tơm. Nhiều hộ gia đình trong xã đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao. Sản lượng nuôi trồng, khai thác hải sản các loại hàng năm của Đa Lộc đạt hơn 2.000 tấn, cho giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đa Lộc còn có khoảng 400ha rừng ngập mặn, đây vừa là tấm lá chắn sóng bảo vệ dân làng trước những trận bão biển, vừa là nơi phát triển kinh tế của bà con với nghề nuôi ong lấy mật, nuôi vịt, khai thác thủy, hải sản. Riêng nghề nuôi ong lấy mật, dưới tán rừng ngập mặn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân ở xã Đa Lộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Sản phẩm mật ong rừng ngập mặn của xã đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022.
Nhờ sản xuất hiệu quả đã nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã Đa Lộc đạt hơn 55 triệu đồng/năm. Năm 2020, Đa Lộc đã cán đích xã NTM và đang phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao vào năm 2025.
Sự phát triển của quê hương mẹ Tơm hôm nay là quá trình tiếp bước truyền thống yêu nước, ngọn lửa cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước. Khu Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm trở thành điểm tựa tinh thần để người dân Đa Lộc hướng ra biển lớn. Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc Vũ Văn Trung, cho biết: “Truyền thống vẻ vang của quê hương và các thế hệ đi trước là mạch nguồn, động lực thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đa Lộc tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/toi-lai-ve-que-me-nuoi-xua-32629.htm