'Tôi luôn tâm niệm đã chọn nghề giáo, phải đến với nghề bằng một chữ 'tâm''

Với 16 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Lý Thị Cúc luôn tâm niệm rằng, khi đã chọn nghề giáo, phải đến với nghề bằng một 'chữ tâm' trong sáng.

Vừa qua, Ban Điều hành Quỹ Học bổng Vừ A Dính đã tổ chức hoạt động kỷ niệm 15 năm Giải thưởng Vừ A Dính - giải thưởng dành cho các cá nhân xuất sắc là người dân tộc thiểu số, các tập thể có nhiều đóng góp cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi và vùng biển đảo.

Cô giáo Lý Thị Cúc (sinh năm 1986), giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử tại Trường Trung học phổ thông Phủ Thông (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) vinh dự trở thành một trong 21 cá nhân tiêu biểu được trao Giải thưởng Vừ A Dính năm 2024.

16 năm gắn bó với nghề “gieo chữ" vùng cao

Là người con dân tộc Tày sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khó khăn của tỉnh Bắc Kạn, cô quyết định trở thành một nhà giáo, công tác ngay tại chính quê hương mình. “Mẹ tôi là một nhà giáo, chính vì vậy, tôi muốn theo nghề của mẹ từ khi còn rất nhỏ. Khi theo học tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc, tôi gặp được những thầy cô tận tâm với nghề, luôn chăm lo cho các học sinh là người dân tộc thiểu số. Cũng ở dưới mái trường này, mơ ước về nghề giáo ngày càng lớn dần lên trong tôi” - cô chia sẻ.

Với giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm lớp 11, nữ sinh dân tộc Tày được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), tiếp tục hiện thực hóa ước mơ trở thành nhà giáo của mình.

Nhắc về khoảng thời gian mới bước chân vào nghề, cô Cúc nhớ lại những khó khăn ban đầu khi được phân công công tác tại ngôi trường xa xôi, cách nhà gần 40km đường đèo núi, gập ghềnh. Những năm đầu đứng trên bục giảng, bản thân cô không tránh khỏi nhiều điều bỡ ngỡ cùng các tình huống sư phạm không giống với kiến thức trên sách vở.

“Quãng thời gian gắn bó với nghề, tôi có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ. Đó là lần, tôi tới thăm một em học sinh người dân tộc Dao, nhà ở trên đỉnh núi cao, phải leo quãng đường dài mới tới nơi. Hay một lần khác, tôi và cả lớp cùng nhau tới nhà một học sinh để vận động, thuyết phục phụ huynh đồng ý để em được tiếp tục đi học.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là lần tới thăm gia đình một học sinh đang có mẹ ốm rất nặng. Mẹ em vừa khóc vừa nắm lấy tay tôi, nhờ cậy cô giáo cùng các bạn trong lớp giúp đỡ để em có thể học hết lớp 12. Quãng thời gian đó, tôi cùng các em học sinh trong lớp đã ở bên cạnh, động viên em ấy vượt qua khó khăn, mất mát, để có thể tiếp tục theo học như lời mẹ em dặn trước khi mất”, cô bồi hồi nhớ lại.

Tại Trường Trung học phổ thông Phủ Thông, nơi cô Lý Thị Cúc đang công tác, có tới 95% học sinh là người dân tộc thiểu số. Cô chia sẻ, điểm chung là các em còn rụt rè, gặp trở ngại trong việc giao tiếp với giáo viên trên lớp. Có những học sinh nhà xa trường gần 30km, hay nhiều em thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Để kết nối giữa giáo viên và học trò, theo cô Cúc, bản thân nhà giáo cần rèn luyện nhiều kỹ năng và phải đặt sự quan tâm đến từng đối tượng học sinh.

Trên cương vị một người giáo viên chủ nhiệm, cô luôn gần gũi, nắm bắt hoàn cảnh gia đình từng học trò, từ đó dễ dàng chia sẻ vui buồn cùng các em. Từ việc chia sẻ ấy, cô sẽ hiểu thêm về học sinh của mình, có thể kịp thời khuyến khích các em phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu.

“Người giáo viên chủ nhiệm có vai trò như một người mẹ. Chính vì vậy, cần xây dựng tinh thần đoàn kết trong tập thể, coi nhau như một gia đình, để học sinh có thể sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, niềm vui với thầy cô, bạn bè.

Nhà giáo cần đến gần hơn nữa với học trò, lắng nghe những chia sẻ, sau đó coi học sinh như người thân để giáo dục bằng cả trái tim yêu thương. Như vậy, khoảng cách giữa học sinh và giáo viên sẽ được rút ngắn lại; dần dần, các em sẽ tìm tới thầy cô khi gặp khó khăn, vướng mắc”, cô Cúc bày tỏ.

Chính bởi sự tận tâm với nghề mà cô giáo Lý Thị Cúc đã liên tiếp nhận được những giải thưởng, bằng khen. Nổi bật nhất phải kể đến bằng khen Nhà giáo tiêu biểu năm học 2022-2023, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng; bằng khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác 2 năm liên tục, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2023-2024, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn trao tặng; Giấy khen Thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập giai đoạn 2020-2025”, do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn trao tặng.

Mới đây nhất, cô Lý Thị Cúc được trao tặng Giải thưởng Vừ A Dính năm 2024 vì những đóng góp, cống hiến của mình. Chia sẻ niềm vinh dự khi được nhận giải thưởng danh giá, cô Cúc cho biết, đây thực sự là dấu ấn không thể nào quên trong sự nghiệp giảng dạy và là động lực để cô tiếp tục vững bước trong công việc. Nữ nhà giáo cũng bộc bạch, bản thân vô cùng tự hào vì đã đóng góp được một phần nhỏ bé cho quê hương, đất nước.

Người “truyền lửa” tình yêu môn Lịch sử

Giảng dạy một bộ môn có khối lượng kiến thức, dữ liệu cần nhớ cao, cô Lý Thị Cúc luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp để giúp học sinh hứng thú hơn với môn học: “Lịch sử soi sáng hiện tại và phản chiếu nên hình bóng của tương lai; đây là môn học giúp học sinh hiểu về quá khứ, qua đó hình thành tương lai tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, việc học môn Lịch sử còn có những khó khăn nhất định, đó là nhiều sự kiện, nhân vật cùng mốc thời gian, khiến một số em khó nắm bắt hoặc nhầm lẫn giữa các sự kiện, nhân vật với nhau. Trong việc giảng dạy, tôi luôn trăn trở, tìm cách để kết hợp giữa dạy học theo phương pháp truyền thống và hiện đại, giúp phát huy được năng lực, tăng hứng thú học tập của học sinh với bộ môn”.

Về các hình thức giảng dạy cụ thể, cô Cúc sử dụng phương pháp trực quan, cho học sinh quan sát tranh ảnh, biểu đồ hay video tư liệu về lịch sử, để giúp các em tưởng tượng, tái hiện các sự kiện một cách khách quan nhất. Cô khuyến khích học trò thể hiện năng khiếu bằng việc hát các ca khúc cách mạng; đóng các hoạt cảnh lịch sử; rèn kỹ năng thuyết trình; đóng vai hướng dẫn viên để giới thiệu về các di sản văn hóa, sự kiện.

Sự phát triển của công nghệ đã tạo thuận lợi hơn cho nhiều nhà giáo như cô Lý Thị Cúc trong việc tìm kiếm tư liệu phục vụ giảng dạy. Chú trọng vào nội dung thực hành, cô áp dụng dạy học STEM, cho học sinh được tự tay làm các mô hình như trận địa cọc trên sông Bạch Đằng. Ngoài ra, nữ nhà giáo cũng chia sẻ, bản thân luôn cố gắng lồng ghép vào tiết học các trò chơi lịch sử.

“Tôi tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin cho việc giảng dạy môn Lịch sử, như hướng dẫn các em tìm kiếm tư liệu liên quan bài học; lập thẻ nhớ nhân vật; làm video, infographic về nhân vật lịch sử.

Cũng nhờ đó, một số học sinh rất thành thạo trong việc sử dụng các phần mềm thiết kế cơ bản. Việc cố gắng tổ chức các hoạt động tập thể, tạo không khí vui vẻ, thoải mái, sẽ khơi gợi tính sáng tạo của học sinh cùng niềm say mê yêu thích bộ môn”, nữ giáo viên chia sẻ.

Trong quá trình giảng dạy, cô Cúc để tâm tới từng học trò của mình, qua đó chọn lựa những học sinh yêu thích đặc biệt với môn Lịch sử, để bồi dưỡng cho đội tuyển thi học sinh giỏi. Nhờ sự hướng dẫn tận tình, tâm huyết của cô Cúc, học trò của cô đã ghi được một vài dấu ấn khi tham gia các cuộc thi học sinh giỏi: Năm 2023, 4 học sinh do cô hướng dẫn đã lần lượt đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có 1 em tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia. Trong năm 2024, cô Cúc tiếp tục có thêm 8 học trò đạt giải học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh.

Trong năm học 2023-2024, nhà giáo Lý Thị Cúc đã đạt nhiều thành tích nổi bật như danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; giấy khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Ngoài ra, cô cũng tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm để góp phần nâng cao năng lực chuyên môn. Cô Cúc từng có 1 sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở năm học 2022-2023 về một số biện pháp nâng cao hiệu quả việc kết nối “địa chỉ đỏ” trong nội dung giáo dục địa phương lớp 10 tại Trường Trung học phổ thông Phủ Thông.

Trong năm học 2023-2024, cô có thêm 1 sáng kiến cấp tỉnh về hướng dẫn học sinh lập và sử dụng thẻ nhớ nhân vật lịch sử trong chương trình lịch sử lớp 11 tại Trường Trung học phổ thông Phủ Thông.

Chia sẻ thêm về quan điểm đối với một người giáo viên mẫu mực, cô Cúc cho rằng, muốn trở thành một nhà giáo cần đạo đức tốt, tận tâm với nghề nghiệp và yêu thương học trò. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, người giáo viên cần tiên phong trong việc tự học, nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân, đặc biệt là tính sáng tạo khi giảng dạy.

Nữ nhà giáo cũng nhắn nhủ tới những giáo viên trẻ: “Khi đã chọn nghề giáo, hãy đến với nghề bằng một “chữ tâm” trong sáng, đó là tấm lòng yêu nghề, trân quý công việc bản thân đã chọn. Những nhà giáo trẻ cần cố gắng học tập, rèn luyện bản thân thật tốt để trở thành những thầy cô giáo có chuyên môn vững vàng, có tấm lòng yêu mến học trò, giúp học sinh được học tập dưới một ngôi trường hạnh phúc”.

Lệ Nguyễn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/toi-luon-tam-niem-da-chon-nghe-giao-phai-den-voi-nghe-bang-mot-chu-tam-post246627.gd