Tôi nghỉ việc Hà Nội, sống dọc biển miền Trung
Từ Hội An, Sa Huỳnh, Lý Sơn đến Nha Trang, Phan Thiết, tôi dành thời gian trải nghiệm và sống theo cách người địa phương ở các làng chài.

Thảo Vân đã có 2 mùa hè lê la "sống thử" ở nhiều vùng biển dọc dải đất hình chữ S. Ảnh: Thảo Vân.
Sau nhiều năm ngược xuôi ở thành phố, tôi nhận ra công việc văn phòng "vắt kiệt" mình trong guồng quay bức bối. Có những ngày mùa đông Hà Nội, tôi không được chạm vào ánh nắng vì phải ra đường từ sáng sớm, tan làm khi trời đã tối mịt. Thậm chí có những tháng, tôi chẳng ngắm nổi một buổi hoàng hôn.
Cảm giác như bị nhốt trong một chiếc hộp khổng lồ khiến tôi quyết định dừng lại. Nghỉ việc, rời phố, tôi bắt đầu hành trình "sống thử" giữa những làng biển vắng dọc miền Trung.
Tôi là Thảo Vân (quê ở Nghệ An). Đầu năm 2024, tôi quyết định từ bỏ công việc văn phòng ở Hà Nội để theo đuổi cuộc sống du mục - vừa làm việc từ xa, vừa dịch chuyển, khám phá thế giới. Đây không phải là một quyết định dễ dàng, nhưng đó là lựa chọn khiến tôi thấy mình thực sự được "sống", được "lớn, khôn" hơn mỗi ngày.
Biển cả là nhà
4h sáng một ngày tháng 3/2024, chiếc xe khách thả tôi ở UBND xã Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Thoáng một cái, chiếc ba gác nhỏ đã chạy đến chở hành lý và người đi mất hút. Ở trên xe, một cô nói với sang: "Bé ơi qua bên ni ngồi, từ đây ra Gò Cỏ còn xa". Và thế là hành trình du mục của tôi bắt đầu từ đó.
Chuyến đi này tôi lưu lại tại nhà bà "Tám Sương Gió". Đúng như tên gọi, bà Tám với mái tóc lốm đốm bạc và làn da rám nắng đặc trưng của phụ nữ làng chài trở thành người bà của tôi trong thời gian ở đây.




Gò Cỏ hiện ra đẹp tựa một bức tranh với nhiều mảng màu sắc, từ ánh bình minh, hoàng hôn rực rỡ đến bãi biển xanh ngát. Ảnh: Anh Linh.
Như một đứa cháu xa quê trở về, tôi được bà chăm chút từng bữa cơm, giấc ngủ. Người làng quen mặt tôi, gọi tôi là "cháu bà Tám" - thứ tình cảm tôi chưa từng có giữa phố thị đông đúc.
Trưa, bà Tám kê bàn ra đầu hè ngồi ăn cơm, gió thổi từng cơn mát lạnh. Tại đây tôi được ăn món canh đặc sản dân dã của vùng đất này. Không giống những loại canh chua thông thường, canh "lưỡi long" có vị chua thanh, hơi nhớt, xương rồng giòn sần sật, là món ăn giải nhiệt độc đáo của người làng biển.
Ban ngày, tôi làm việc vài tiếng, còn lại dành thời gian khám phá những bãi biển hoang sơ không bóng người, để mặc sóng gió cuốn trôi những mệt mỏi, lo toan. Ở Gò Cỏ, tôi kết nối cùng các chị trong Hợp tác xã dạy vẽ, dạy tiếng Anh cho trẻ em địa phương. Nhìn lũ trẻ cười toe, tôi thấy lòng mình dịu lại, những ký ức tuổi thơ chợt ùa về.




Cuộc sống dung dị nơi làng chài xứ biển ấy đã dạy tôi rất nhiều bài học, từ giọng địa phương, cách sống hòa hợp với thiên nhiên. Ảnh: Anh Linh.
Rời Sa Huỳnh, tôi lên tàu ra đảo Lý Sơn. Nếu đã từng xem Hometown Cha Cha Cha, ai cũng muốn được sống trên đảo một mùa hè và tôi đã có gần 2 tuần như thế. Không deadline, không tiếng còi xe, tôi lang thang ngắm hoàng hôn, nhâm nhi que kem ven biển - điều từng là một "chấp niệm" mùa hè trong tôi.
Đến đảo đúng mùa thu hoạch tỏi, tôi ngắm nhìn người dân sáng ra rải tỏi ra phơi trắng xóa khắp những con đường làng, đêm xuống cả nhà ngồi chong đèn vặt tỏi khiến tôi chạnh lòng nhớ quê. Dù là người xa lạ, tôi được cô chú nhớ mặt, hỏi han, trò chuyện mỗi khi ra quán - những câu hỏi nhỏ bé, nhưng đủ ấm lòng một kẻ xa nhà.
Tháng 6/2024, tôi khăn gói chuyển đến Hội An, bắt đầu công việc mới. Là người hướng nội và thích nghi chậm, thời gian đầu tôi khá chật vật, ấy vậy mà tôi đã gắn bó với vùng đất này được nửa năm. Mỗi chiều tan làm, tôi chạy đi ngắm hoàng hôn rầm rì bên bờ biển, phóng xe băng qua những con đường quê vắng lặng, cuối tuần thong thả dạo phố, thăm thú đó đây.
Điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình của tôi là Nha Trang (Khánh Hòa). Đã là mùa hè thứ 2 sống ở biển, tôi cứ nghĩ mình đã "miễn nhiễm" trước vẻ đẹp của biển. Thế nhưng, Bích Đầm đã khiến tôi lần nữa xuýt xoa bởi vẻ bình dị, hoang sơ ấy. Những bãi cỏ xanh mướt ven biển, làn nước trong lấp lánh, người dân chân chất, thật thà lại lần nữa khiến tôi phải lòng với đảo.
Tự do nhưng không dễ dàng
Chuyển sang làm việc remote (từ xa) hoàn toàn không hề dễ dàng như tôi tưởng. Thời gian đầu, tôi trải qua 3 tháng thất nghiệp, rồi thêm một tháng nữa sau khi thử sức với một công việc khác ở Hội An nhưng không phù hợp. Cuối cùng, tôi may mắn tìm được một công việc toàn thời gian từ xa cho công ty ở Hà Nội.
Làm remote không đồng nghĩa với tự do tuyệt đối. Tôi vẫn làm việc từ 9h đến 18h, họp hành, hoàn thành đúng tiến độ. Chỉ là tôi không còn ngồi trong văn phòng làm việc, mà ở dưới hiên nhà ở Hội An, quán cà phê ven biển Nha Trang hay bên đồi ở Măng Đen.

Chuyến đi Tây Nguyên trong vòng 1 tháng khiến tôi nhận ra mình phải tiết chế bản thân để cân bằng giữa công việc và trải nghiệm. Ảnh: Thảo Vân.
Cân bằng giữa công việc và trải nghiệm là thử thách lớn. Trong chuyến đi Tây Nguyên cuối năm ngoái, có đôi lúc tôi bị sếp nhắc nhở vì "tạm mất sóng". Những ngày cuối ở Buôn Ma Thuột, tôi chỉ loanh quanh trong thành phố, ôm máy tính ở homestay, không dám đi xa vì công việc dồn dập. Từ đó, tôi đã phải tiết chế sở thích, chỉ đi chơi vào những ngày cuối tuần hoặc sắp xếp ngày phép để tránh xao nhãng và giữ sự chuyên nghiệp.
Những ngày tháng "sống thử" ở môi trường mới dạy tôi rất nhiều điều. Từ những ngày đầu lóng ngóng vì không hiểu giọng Quảng, đến khi quen dần với cách nói, cách sống của người miền Trung. Tôi không chỉ học cách thích nghi, mà còn học cách kiên nhẫn, lắng nghe.
Điều lớn nhất tôi có được chính là sự tự tin. Không phải vì tôi giỏi hơn, mà vì tôi biết dù từng thất nghiệp, từng loay hoay, mình vẫn có thể đứng dậy, thế nào rồi cũng có cách, khó khăn mấy cũng xoay sở được.




Từ Hội An, Sa Huỳnh, Lý Sơn, đến Nha Trang, Vĩnh Hy, Phan Thiết... mỗi vùng đất đi qua mang đến cho tôi những người bạn, người bà, người cô đầy tình yêu cuộc sống. Ảnh: Thảo Vân.