Tội phạm tình dục ở Anh sẽ bị thiến hóa học

Chính phủ Anh áp dụng biện pháp thiến hóa học tại 20 nhà tù nhằm cắt giảm tỷ lệ tái phạm tội tình dục và giải tỏa áp lực hệ thống nhà tù đang quá tải nghiêm trọng.

 Bộ trưởng Tư pháp Anh Shabana Mahmood. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Tư pháp Anh Shabana Mahmood. Ảnh: Reuters.

Trong tuyên bố trước Quốc hội hôm thứ 22/5, Bộ trưởng Tư pháp Shabana Mahmood cho biết biện pháp sử dụng thuốc ức chế ham muốn tình dục, thường gọi là thiến hóa học, sẽ được triển khai thí điểm tại 20 nhà tù thuộc hai khu vực và bà đang cân nhắc khả năng bắt buộc áp dụng trong tương lai.

“Dĩ nhiên, điều quan trọng là giải pháp này phải đi kèm với các can thiệp tâm lý nhằm xử lý tận gốc những nguyên nhân khác dẫn đến hành vi phạm tội, như nhu cầu kiểm soát và áp đặt quyền lực”, bà Mahmood nhấn mạnh.

Dù báo cáo độc lập về cải cách án tù, do cựu Bộ trưởng Tư pháp David Gauke chủ trì, lưu ý rằng thiến hóa học không phù hợp với tất cả tội phạm tình dục, đặc biệt là những người phạm tội do động cơ kiểm soát thay vì vì ham muốn tình dục, nhưng bà Mahmood vẫn khẳng định các nghiên cứu cho thấy phương pháp này có thể làm giảm tới 60% nguy cơ tái phạm.

Biện pháp thiến hóa học vốn đã được áp dụng tự nguyện tại Đức và Đan Mạch, và bắt buộc đối với một số trường hợp tại Ba Lan. Việc Anh xem xét mở rộng triển khai cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy chính sách hình sự dưới thời chính phủ mới.

Kể từ khi đảng Lao động lên nắm quyền vào tháng 7 năm ngoái sau 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ, bà Mahmood đã nhanh chóng phê duyệt chương trình thả tù trước hạn nhằm giải phóng không gian trong các trại giam. Bà cho rằng hệ thống tư pháp hiện tại là "di sản mục nát" do bị bỏ bê suốt nhiều năm và cần một cuộc đại tu toàn diện để tránh sụp đổ.

“Nếu hệ thống nhà tù sụp đổ, tòa án sẽ buộc phải hoãn xử, cảnh sát phải dừng bắt giữ, tội ác không bị trừng trị, tội phạm lộng hành và hỗn loạn lên ngôi. Đó là viễn cảnh phá vỡ luật pháp và trật tự mà chúng ta không thể để xảy ra”, bà cảnh báo.

Báo cáo của ông Gauke cũng đề xuất loạt cải cách sâu rộng, từ việc trao thêm quyền linh hoạt cho thẩm phán như thay án tù ngắn bằng các hình phạt như cấm lái xe cho đến đề xuất bỏ hẳn các bản án dưới 12 tháng, trừ các trường hợp đặc biệt như bạo lực gia đình. Đồng thời, báo cáo cũng kêu gọi trục xuất ngay lập tức người nước ngoài bị kết án tù ba năm trở xuống.

Một trong những kiến nghị trọng tâm của báo cáo là đầu tư mạnh vào lực lượng quản chế, nhằm giúp cán bộ có đủ thời gian giám sát và hỗ trợ người phạm tội tái hòa nhập. Cùng với đó là tăng kinh phí cho hệ thống giám sát bằng thiết bị định vị (tag điện tử) trong cộng đồng.

Đáp lại, bà Mahmood cam kết sẽ chi 700 triệu bảng mỗi năm để nâng cấp hệ thống quản chế trong vài năm tới.

Hiện dân số nhà tù tại Anh và xứ Wales đã tăng gấp đôi trong ba thập kỷ qua, chạm ngưỡng gần 90.000 người, bất chấp tỷ lệ tội phạm có xu hướng giảm. Áp lực từ dư luận và giới chính trị buộc tòa án phải tuyên án nặng hơn, góp phần đẩy hệ thống nhà tù đến mức quá tải.

Tuy nhiên, kế hoạch cải tổ của chính phủ không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối. Robert Jenrick, phát ngôn viên của đảng Bảo thủ, cảnh báo rằng việc loại bỏ án tù ngắn có thể dẫn đến “hợp pháp hóa trên thực tế” các hành vi như trộm cắp, hành hung hay đột nhập. Ông cũng mỉa mai rằng các thiết bị giám sát điện tử “có ích chẳng khác gì chuông báo cháy khi đối mặt với đám cháy lớn”.

Đáp trả, bà Mahmood khẳng định chính phủ đang dọn dẹp "mớ hỗn độn" mà phe Bảo thủ để lại, đồng thời cho biết Anh đang tiến hành chương trình mở rộng nhà tù quy mô lớn nhất kể từ thời kỳ Victoria vào thế kỷ 19.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/toi-pham-tinh-duc-o-anh-se-bi-thien-hoa-hoc-post1555120.html