'Tôi sẽ mất 10 năm sự nghiệp nếu lấy chồng, đẻ con'
Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc lựa chọn sống độc thân, không con cái vì bi quan về tương lai và không muốn đánh đổi sự nghiệp, cuộc sống hiện tại.
Ba năm sau khi kết hôn, một nhân viên văn phòng Hàn Quốc nói với Joongang Daily cô vẫn chưa có kế hoạch sinh con.
Người phụ nữ 33 tuổi cho biết cô không muốn con mình gặp phải các vấn đề xã hội kinh niên như bất bình đẳng thu nhập và không mua nổi nhà vì giá bất động sản cao.
"Tôi lớn lên ở Seocho và Mokdong, nhưng đã phải chịu đựng rất nhiều do chênh lệch học tập và thu nhập quá lớn giữa tôi và các đồng nghiệp sống ở các quận giàu có hơn. Nếu tôi sinh con mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào, các con tôi sẽ phải gánh chịu những gì mà tôi đã phải trải qua trong quá khứ".
Văn hóa cạnh tranh của xã hội Hàn Quốc, bất bình đẳng thu nhập lớn và giá bất động sản cao đang buộc những người trẻ tuổi phải gác lại kế hoạch kết hôn và sinh con.
Sự cạnh tranh gay gắt trong hệ thống giáo dục và việc làm trong nước đồng nghĩa với việc mọi người tham gia lực lượng lao động muộn hơn. Một số phụ nữ lựa chọn không có con vì không muốn sinh nở trong cả hai trường hợp: lúc còn trẻ nhưng thiếu ổn định, khi có sự nghiệp song đã lớn tuổi.
Thế hệ bi quan
Độ tuổi trung bình của phụ nữ Hàn Quốc sinh con đầu là 32,2 vào năm ngoái, so với 29,9 vào năm 2009, theo thống kê của Hàn Quốc.
Khoảng 272.410 trẻ được sinh ra vào năm ngoái, giảm 30.300 (khoảng 10%) so với năm 2019. Con số này cũng thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được tổng hợp vào năm 1970.
Trong khi đó, khoảng 305.100 người đã chết, tăng 10.017 (khoảng 3,4%). Số người chết lớn nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được tổng hợp.
Kết quả, sự suy giảm dân số tự nhiên, tức chênh lệch giữa số trẻ được sinh ra và số người chết, lên tới 33.000 người. Hàn Quốc đối diện thảm họa dân số khi lần đầu tiên số người qua đời nhiều hơn số trẻ sơ sinh.
Tổng tỷ suất sinh của cả nước, tức là số trẻ sơ sinh có thể được sinh ra bởi một phụ nữ trong đời, là 0,84, giảm so với 0,92 của năm 2019 và là mức thấp nhất từ trước đến nay.
"Nguyên nhân chính đằng sau tình trạng này là do những người sinh năm 1990 đã bước vào độ tuổi 30, đây là nhóm tuổi mà hầu hết phụ nữ đáng ra sẽ sinh con nhưng họ không chọn làm như vậy", giáo sư Cho Young-tae, giảng viên sức khỏe cộng đồng tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết.
Những người Hàn Quốc sinh vào những năm 1990 đã trải qua thời thơ ấu cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực giáo dục và việc làm. Nhóm này đang trở nên bi quan hơn về việc sinh đẻ, nuôi dạy con trong một xã hội cạnh tranh như ngày nay.
"Cuối cùng tôi cũng tìm được một công việc ổn định sau nhiều năm chật vật", một nhân viên văn phòng 29 tuổi cho biết.
"Chỉ gần đây tôi mới có thể tiêu tiền và thời gian cho riêng mình. Nếu lấy chồng và đẻ con, tôi sẽ mất thêm 10 năm nữa. Trong xã hội Hàn Quốc, sự nghiệp của phụ nữ bị gián đoạn nhiều ngay sau khi họ mang thai", cô nói.
Sống cho hiện tại thay vì tương lai
Theo một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc về sự thay đổi dân số trong thời kỳ Covid-19, những người trẻ tuổi đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.
Quan điểm của họ về hôn nhân đã thay đổi theo hướng tiêu cực.
Báo cáo cho biết thêm: "Do sự tập trung của dân số và tài nguyên, người dân ở các thành phố và khu vực đô thị phải trải qua sự cạnh tranh gay gắt để 'tồn tại', trong khi người dân ở các vùng nông thôn phải khổ sở để vào các thành phố và khu vực đô thị".
Giới trẻ Hàn Quốc có xu hướng chọn "hiện tại" hơn "tương lai" và quyết định không sinh con.
Một phụ nữ 31 tuổi lựa chọn không có con cho biết: "Nhìn lại, tôi nghĩ trước đây mình chưa bao giờ hạnh phúc vì luôn phải chịu áp lực để tồn tại trong xã hội cạnh tranh này.
Tôi không muốn các con tôi phải trải qua những khó khăn mà tôi đã phải gánh chịu. Tôi thà tự mình sống hạnh phúc thay vì sinh con".
Theo một báo cáo được công bố bởi Cục Thống kê Hàn Quốc, chỉ 42,2% những người ở độ tuổi 30 cho biết họ "sẽ kết hôn" hoặc "cảm thấy tốt nếu có thể kết hôn".
Năm 2008, tỷ lệ này là 60,8%. Đối với những người ở độ tuổi 20, con số này giảm xuống 35,4% từ 61,9% sau hơn 10 năm.
Các chuyên gia cho rằng chính sách phúc lợi xã hội tốt hơn là điều cần thiết để giải quyết tình hình hiện nay.
Choi Seul-ki, giáo sư tại Trường Quản lý và Chính sách Công KDI, cho biết: "Do sự bùng phát của virus corona, những người trẻ vẫn đang tìm kiếm việc làm hoặc cân nhắc thay đổi công việc có thể từ bỏ kế hoạch kết hôn và sinh con nhiều hơn. Hệ thống phúc lợi xã hội hiện tại phải được cải thiện để giảm gánh nặng tài chính cho phụ nữ".
Lee Sam-sik, chủ tịch Viện Người cao tuổi Đại học Hanyang, đồng ý với giáo sư Choi. "Vì tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa là những vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn, nên các cuộc thảo luận sâu hơn về việc thay đổi chính sách như kéo dài tuổi nghỉ hưu và cải cách lương hưu là rất cần thiết".
Đất nước không thể tiếp cận và giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp nếu không có nỗ lực cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội trong tất cả lĩnh vực, bao gồm việc làm và giáo dục", ông Lee nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-se-mat-10-nam-su-nghiep-neu-lay-chong-de-con-post1191091.html