Tối ưu hóa các nguồn lực và kết nối doanh nghiệp hỗ trợ

Sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội là một dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của thành phố. Những nỗ lực từ Chính phủ, chính quyền địa phương, đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ và từng bước khẳng định vị thế của mình không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.

Tạo môi trường thuận lợi

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Trong đó, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện cung cấp cho các doanh nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử... Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, từng bước tham gia được vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

 Sản xuất linh kiện máy tại Công ty Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Quang Thái

Sản xuất linh kiện máy tại Công ty Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Quang Thái

Mặc dù vậy, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vẫn cần được cải thiện; doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu vốn, công nghệ và kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại. Đây sẽ là những vấn đề then chốt cần được giải quyết để các doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trước thực tế đó, Hà Nội đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Sở Công Thương đã chủ trì lập kế hoạch triển khai để tối ưu hóa các nguồn lực, hỗ trợ thị trường và kết nối doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cũng đã phối hợp với Sở Công Thương để chia sẻ thông tin, động viên doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động, như hội chợ và triển lãm.

Những hỗ trợ này đã giúp tạo nên môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị, hội thảo để nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp trong hiệp hội đã duy trì hoạt động sản xuất, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là điểm sáng thu hút đầu tư trong khu vực, bất chấp những thách thức chung từ nền kinh tế toàn cầu.

Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cũng nỗ lực kết nối với các tổ chức kinh tế từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu để hình thành các tổ hợp sản xuất. Các doanh nghiệp tập trung hợp tác với doanh nghiệp FDI, giúp tạo ra những tổ hợp sản xuất hiệu quả. Đơn cử như Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip) đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, điển hình như Công ty TNHH Inventec Appliances (Đài Loan - Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 125 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý IV.2024.

Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… triển khai nhiều giải pháp thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Để đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Hà Nội sẽ đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ triển khai mô hình nhà máy thông minh; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng sản phẩm.

Chỉ rõ những thách thức mà ngành công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội vẫn đang đối mặt, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội cho biết, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm rằng họ đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, phân tích và cải thiện chính sách để doanh nghiệp nhận biết kịp thời ưu đãi; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới và hợp tác với các tổ chức nghiên cứu; xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường cũng là một khía cạnh không thể bỏ qua; doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn tài chính để phát triển.

Chính vì vậy, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội cho biết, sẽ kết nối đầu vào - đầu ra, gói vay tài chính ưu đãi từ Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hỗ trợ về đào tạo lao động kỹ thuật cao, xuất nhập khẩu máy móc cũ, ủy thác chất lượng sản xuất; giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đỗ Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/toi-uu-hoa-cac-nguon-luc-va-ket-noi-doanh-nghiep-ho-tro-post393763.html