Tối ưu hóa chuỗi giá trị nông sản từ AI và dữ liệu lớn

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra bước ngoặt cho chuỗi cung ứng nông sản bằng cách nâng cao độ chính xác trong dự báo nhu cầu, đồng thời tinh gọn dần quy trình sản xuất. Công nghệ này, thông qua phân tích dữ liệu lớn (Big data), có thể hỗ trợ nhà cung cấp nhận diện các xu hướng, dự đoán biến động thị trường, qua đó điều chỉnh chiến lược nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sử dụng công nghệ AI trong sản xuất nông nghiệp.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sử dụng công nghệ AI trong sản xuất nông nghiệp.

Từ trồng trọt tới bàn ăn gia đình

Từ năm 2019, ông Ngô Minh Trường (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã ứng dụng mô hình trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao. Với diện tích 1.500m2, quy mô 45.000 cây của gia đình ông cho hiệu quả kinh tế cao. Lan được trồng trong nhà kính, có hệ thống quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, dùng công nghệ số quản lý sự sinh trưởng, phát triển của cây. Nhờ có sự tính toán khoa học, vườn lan cho ra hoa với nhiều khung thời gian khác nhau, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mỗi năm mô hình này giúp gia đình ông thu về hơn ba tỷ đồng.

Tương tự ông Trường, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã sử dụng công nghệ AI trong sản xuất nông nghiệp, lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G. Khi tình hình sâu bệnh được cập nhật, quá trình dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa… cũng giúp nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả tốt hơn.

Ông Hoàng Văn Vị chia sẻ: Nhờ ứng dụng công nghệ, sản phẩm rau của gia đình được Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn sẵn sàng bao tiêu với giá ổn định 8.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Rõ ràng, AI và dữ liệu lớn ứng dụng xuyên suốt quá trình trồng trọt đã và đang giúp đỡ những gia đình Việt Nam tăng trưởng năng suất một cách vượt trội. Nhờ khả năng theo dõi thông minh, nông dân có thể nhanh chóng kích hoạt các điều chỉnh phù hợp với các thông số bên trong nhà kính, như nhiệt độ, thông gió và hệ thống tưới tiêu, kế hoạch trồng trọt theo thời gian thực.

Không chỉ tối ưu hóa khâu sản xuất, dữ liệu hóa còn thúc đẩy chuỗi cung ứng nông nghiệp, từ lập kế hoạch nuôi trồng đến hậu cần và phân phối. Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã triển khai hai mô hình sản xuất lúa và trồng bưởi Diễn theo hướng hữu cơ. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đơn vị đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình quản lý và giám sát. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng. Thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử eGAP… Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất. Tất cả các vấn đề đều có thể được kiểm chứng bằng cách trích xuất hình ảnh. Nhờ đó, hợp tác xã cũng có thể kiểm soát nguồn gốc điện tử cho từng hộ, từng thửa ruộng…

Chị Vũ Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã nhận định: “Thông qua nhật ký điện tử và camera đồng ruộng, thông tin theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất sẽ được lưu trữ, giúp theo dõi giám sát được vùng trồng theo hợp đồng đã ký. Điều này giúp bảo đảm nguồn hàng duy trì chất lượng ổn định, đúng tiêu chuẩn quy định, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững trong sản xuất và tiêu thụ”.

Bên cạnh đó, ứng dụng AI và dữ liệu lớn giúp người nông dân có đủ dữ liệu để trình bày một cách rõ ràng sản phẩm của mình tới người mua, về cả thông tin lẫn giá cả. Các hộ nông dân sẽ chủ động lập kế hoạch, hạch toán, minh bạch về thông tin đầu vào (đúng quy định, chủng loại). Khách hàng thông qua tem Qr-Code tìm hiểu thông tin minh bạch, có kiểm chứng, qua đó giúp xây dựng niềm tin về sản phẩm.

Tháo gỡ những “nút thắt”

Nhờ quá trình xử lý dữ liệu thông minh, Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mang đến những giải pháp góp phần nâng cao năng suất cây trồng, kiểm soát sâu bệnh và tối ưu hóa các điều kiện canh tác. Đồng thời, AI hỗ trợ việc thu thập và tổ chức dữ liệu cho nông dân, giảm bớt khối lượng công việc và cải thiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp xuyên suốt quá trình tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm.

Dẫu vậy, việc ứng dụng công nghệ AI vẫn tiềm ẩn những “nút thắt” cần tháo gỡ, thí dụ như: Việc chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và vùng nuôi; cơ sở hạ tầng thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ và phân tán. Bên cạnh đó, chi phí phần cứng lẫn phần mềm cho các hệ thống AI còn quá cao, trong khi trình độ và nhận thức của người nông dân vẫn còn hạn chế.

Theo TS. Trần Quý, Viện trưởng Phát triển kinh tế số Việt Nam, để áp dụng thành công các công nghệ mới, như AI hay dữ liệu lớn trong nông nghiệp, nông dân cần được đào tạo để sử dụng và hiểu rõ các công nghệ này.

Điều này cần có sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự hỗ trợ này có thể bao gồm các khoản tài trợ để đầu tư vào các hệ thống AI và robot tự động hóa, các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật để giúp nông dân sử dụng các công nghệ mới.

Các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng các chính sách phù hợp, như kết nối và thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và nông dân, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp. Song song với đó, các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của ngành cần sớm được hoàn thiện để hướng dẫn các địa phương xây dựng, tích hợp chung, cùng khai thác, phục vụ trong công tác quản lý.

Minh Phú

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/toi-uu-hoa-chuoi-gia-tri-nong-san-tu-ai-va-du-lieu-lon-post868620.html