Tối ưu sức khỏe cộng đồng: Trách nhiệm không chỉ của ngành y tế

Sức khỏe con người có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe động vật, thực phẩm và môi trường. Để tối ưu hóa sức khỏe của con người cần thay đổi cách tư duy và tiếp cận mới.

Phương pháp tiếp cận One Health - Một sức khỏe là cách tiếp cận đa ngành y tế, thú y, môi trường nhằm phát hiện và ngăn chặn các rủi ro về sức khỏe và môi trường.

Vậy hiện nay cách tiếp cận One Health ở Việt Nam đang thực hiện ra sao, gặp những thách thức gì? PV VOVGT có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Phúc- Phó Giám đốc Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Điều phối mạng lưới Một sức khỏe các trường đại học Việt Nam về nội dung này:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Dự án One Health- Một sức khỏe ở Việt Nam sau một thời gian triển khai đang gặp phải những khó khăn, thách thức như thế nào?

Ông Phạm Đức Phúc: Sau hơn 10 năm triển khai dự án One Health có rất nhiều thách thức, khó khăn. Thứ nhất, vẫn còn sự rời rạc, chưa thống nhất giữa các ngành với nhau và điều phối giữa các ngành, các cấp, từ Trung ương cho tới dưới địa phương.

Mặc dù, chúng ta có những quy định hướng dẫn hoặc thông tư nhưng để triển khai những thông tư đó ở dưới đang bị vướng. Bởi vì đôi khi người ta chưa hiểu rõ được hết cái tên gọi của One Health-một sức khỏe. Thứ hai là cơ chế về sự phối hợp giữa các ngành bị vướng ở việc phân bổ về tài chính.

Thông thường, tài chính của các ngành được phân bổ ngay từ đầu năm và hiện chưa có kinh phí giao thoa giữa các ngành để có thể sử dụng kinh phí dự phòng cho những việc đó. Hiện các địa phương chỉ ưu tiên kinh phí dự phòng cho những gì thực sự khẩn cấp.

Ngoài ra, vấn đề nhận thức hiểu được lợi ích của hợp tác đa ngành khi giải quyết một vấn đề sức khỏe phức tạp cũng chưa thật sự vào rõ, đặc biệt là người ở dưới địa phương.

PV: Khái niệm One Health cần tiếp cận dưới góc độ như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Đức Phúc: Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới, bắt đầu từ 2009, Việt Nam có nhiều dịch bệnh, muốn tiếp cận theo cách thức One Health- Một sức khỏe thì phải xác định rất rõ được vấn đề sức khỏe có sự quan tâm chung của xã hội. Ví dụ như dịch COVID-19, nhắc đến COVID-19 tất cả các ngành cùng vào cuộc.

Nếu chúng ta không rõ được vấn đề sức khỏe chung của xã hội sẽ rất khó để huy động các bên và các bên không biết được vai trò, trách nhiệm của họ và họ sẽ được lợi ích gì từ việc đó.

Chính vì vậy, bước đầu tiên rất quan trọng là phải xác định rất rõ vấn đề sức khỏe nói chung. Và muốn làm như thế, chỉ có cách nào chúng ta phải triển khai làm ngay, bắt tay làm ngay mới thấy được vấn đề chung của các bên, chứ không nên chỉ nói lý thuyết.

Ví dụ như vấn đề an toàn thực phẩm cũng là vấn đề có thể giải quyết bằng cách tiếp cận Một sức khỏe được. Vì thực phẩm liên quan đến nguồn cung cấp thực phẩm, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ. Nguồn cung cấp thực phẩm từ ngành nông nghiệp và ngành môi trường, nguồn nước, nguồn đất. Ngành môi trường không quan tâm đến nguồn đất, nguồn nước thì chắc chắn các sản phẩm cung cấp cho con người cũng ảnh hưởng.

Chúng ta phải bóc tách từng giai đoạn một thì huy động sự tham gia của các bên sẽ rõ hơn. Nếu chúng ta chỉ nói là các bên cùng làm với nhau thì không thể giải quyết

PV: Ông có chia sẻ rằng dự án Một sức khỏe không có nhiều sự khác mấy so với các dự án liên quan y tế công cộng, ông kỳ vọng gì vào dự án này?

Ông Phạm Đức Phúc: Bản chất cốt lõi đều hướng tới sức khỏe, tối ưu hóa sức khỏe cho con người, con người là chuỗi cuối cùng trong hệ sinh thái này. Con vật khỏe, môi trường khỏe, cây trồng khỏe thì chúng ta cũng khỏe mạnh.

Phương pháp tiếp cận Một sức khỏe này mong đợi rằng mọi người phải thay đổi tư duy (mindset), hiểu khái niệm sức khỏe bao trùm, nó rộng hơn và các bên sẵn sàng cùng nhau giải quyết một vấn đề sức khỏe phức tạp nói chung.

Chúng ta không nên nghĩ rằng, sức khỏe là vấn đề riêng của ngành y tế. Chúng ta mong đợi rằng, tất cả mọi người được thay đổi tư duy, không chỉ ngành y tế mà ngành thú y, môi trường cũng phải hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình. Tôi mong đợi sự thay đổi tư duy và hành động cụ thể bằng các nội dung, chương trình đào tạo cũng như cùng nhau truyền thông, triển khai các mô hình và các mô hình đấy để tạo ra sản phẩm cho các bên cùng sử dụng được

PV: Vậy truyền thông cần làm gì trong thời gian tới để nâng cao sự hiểu biết về phương pháp tiếp cận Một sức khỏe thưa ông?

Ông Phạm Đức Phúc: Truyền thông từ trước đến nay luôn luôn đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, muốn làm được hiệu quả, trước tiên, những người làm truyền thông thật sự đam mê với những vấn đề đang quan tâm, ví dụ như phương pháp tiếp cận One Health.

Người làm truyền thông phải tìm hiểu kỹ khái niệm One Health là Một sức khỏe hoặc Sức khỏe là một. Người làm truyền thông phải tự đào sâu hiểu nó và đi theo cách hiểu của mình hơn là đi theo cách hiểu của ngành khác chỉ cho mình?

Trước đây, tôi nghĩ bệnh nhân có bệnh đến bệnh viện khám, chữa bệnh thì chỉ tiếp cận với bện nhân. Tuy nhiên, bây giờ tôi tư duy lại, tôi phải tìm hiểu gia đình người bệnh có ai sinh sống, người nhà có nguy cơ bị mắc bệnh nữa hay không?

Tôi phải tiếp cận tới người cộng đồng. Cái cốt lõi nhất là chúng ta phải tôn trọng tất cả các ý kiến của các ngành, kể cả những người làm khoa học và người không làm khoa học, ý kiến đều công bằng lẫn nhau.

Một sức khỏe tạo được một sự công bằng, mọi ý thức đều được tôn trọng, giúp chúng ta sẽ thay đổi văn hóa và phối hợp với nhau chặt chẽ hơn.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Hải Hà, Hồng Lĩnh/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/toi-uu-suc-khoe-cong-dong-trach-nhiem-khong-chi-cua-nganh-y-te-post1098177.vov