Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước bị xử phạt như thế nào?

Bạn đọc Trần Thanh Thủy ở xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 338 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự. Cụ thể như sau:

1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật;

b) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

* Bạn đọc Nguyễn Văn Tâm ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, chính sách tạo việc làm đối với người khuyết tật được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 33 Văn bản hợp nhất Luật Người khuyết tật số 35/VBHN-VPQH ngày 16-12-2019. Cụ thể như sau:

1. Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.

3. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.

4. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật.

5. Tổ chức giới thiệu việc làm có trách nhiệm tư vấn học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.

6. Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/toi-vo-y-lam-lo-bi-mat-nha-nuoc-toi-lam-mat-vat-tai-lieu-bi-mat-nha-nuoc-bi-xu-phat-nhu-the-nao-779228