Tôm Long Tỉnh, món đặc sản khiến vua Càn Long phải tấm tắc khen ngon
Sự kết hợp giữa tôm nõn và lá trà Long Tỉnh thượng hạng nghe có vẻ rất kỳ lạ, nhưng đây lại là một món đặc sản nổi tiếng của Hàng Châu, Trung Quốc.
Tôm Long Tỉnh là món ăn có sự kết hợp khá độc đáo giữa tôm nõn tươi ngon và những búp trà Long Tỉnh thượng hạng. Đây là một trong những món đặc sản nổi tiếng của Tây Hồ, Hàng Châu, Trung Quốc. Bất cứ du khách nào khi có dịp ghé thăm nơi đây cũng đều phải thưởng thức món ăn độc đáo này.
Tôm Long Tỉnh có cách làm khá đơn giản nhưng lại có yêu cầu vô cùng cao ở khâu lựa chọn nguyên liệu chế biến. Những con tôm được chọn phải là tôm sú Tây Hồ (Trung Quốc) còn tươi rói.
Sau khi được sơ chế, bóc vỏ, ướp gia vị, tôm được bọc một lớp bột ngô mỏng rồi mang đi xào sơ trong khoảng 15 giây, sao cho vừa chín tới để giữ được hương vị ngọt mềm, tươi ngon.
Sau đó, người ta sẽ hãm những búp trà Long Tỉnh - loại trà trứ danh của Hàng Châu, Trung Quốc trong nước ở nhiệt độ khoảng từ 85 - 90 độ C. Bước cuối cùng là cho tôm vào sốt cùng nước trà, đến khi phần nước sốt hơi sền sệt, miếng tôm sáng bóng là được.
Điểm tạo nên sự đặc biệt của món ăn này nằm ở lá trà Long Tỉnh. Đây là loại trà được trồng ở vùng Long Tỉnh, Hàng Châu. Trà hầu như được chế biến thủ công hoàn toàn theo phương thức truyền thống, có màu xanh biếc, hình dáng búp trà như lưỡi chim sẻ, hương thơm đậm đà, dư vị khi uống êm ngọt.
Đây là loại trà vẫn được người Trung Quốc ca ngợi là có 4 điểm tứ tuyệt “sắc xanh, hương thơm, vị ngọt, hình dáng đẹp”, do đó nó còn được xếp vào là một trong mười loại danh trà của Trung Quốc.
Không chỉ đặc biệt từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, lịch sử của món Tôm Long Tỉnh cũng khá thú vị. Theo dân gian kể lại, món Tôm Long Tỉnh ra đời có liên quan đến Hoàng đế Càn Long.
Chuyện kể rằng, có một lần vua Càn Long mặc thường phục đi vi hành đến Hàng Châu, trong lúc đang ngao du ngắm cảnh gần thì trời bỗng đổ cơn mưa lớn, nhà vua đành đến một ngôi nhà ở gần đó để trú mưa.
Chủ nhân ngôi nhà là một cô thôn nữ hiếu khách, thấy có người đến trú mưa bèn nhiệt tình pha trà Long Tỉnh mời khách. Vua Càn Long vốn là một bậc thầy về thưởng thức trà, cảm nhận được hương vị thơm ngon của tách trà khiến ông vô cùng thích thú. Nhà vua muốn mang một ít về để thưởng thức nhưng lại ngại không dám nói và cũng không muốn để lộ thân phận của mình. Nhân lúc cô thôn nữ không để ý, ông bèn lấy một nắm trà, giấu vội trong long bào mặc ở dưới lớp áo choàng bên ngoài.
Sau khi mưa tạnh, nhà vua từ biệt cô thôn nữ hiếu khách và tiếp tục hành trình du sơn ngoạn thủy. Đến khi mặt trời bắt đầu xuống núi, cảm thấy thấm mệt và đói bụng, vua Càn Long bèn ghé vào một quán ăn nhỏ bên Tây Hồ để nghỉ ngơi và gọi vài món ăn, trong đó có món tôm xào.
Sau khi gọi món, nhà vua chợt nhớ tới nắm trà mình vừa lấy được lúc trú mưa, muốn hãm trà uống để giải khát nên bèn gọi tiểu nhị tới lấy trà mang đi pha. Tuy nhiên trong lúc lấy trà, nhà vua vô tình để lộ một góc áo long bào, thấy vậy tiểu nhị vội vàng mang lá trà chạy xuống bếp báo cho chủ quán. Chủ quán khi đó đang làm món tôm xào, nghe tin Hoàng thượng giá đáo do quá hoảng hốt nên tiện tay bỏ nhầm nắm lá trà mà tiểu nhị vừa mang xuống vào trong chảo tôm.
Đĩa tôm dâng lên những tưởng nhà vua sẽ trách phạt, nào ngờ khi vua Càn Long thấy món tôm sáng bóng như pha lê, vừa trắng vừa mềm, lại xen lẫn những lá trà Long Tỉnh xanh tươi, nếm thử thấy hương vị vô cùng đặc biệt liền luôn miệng tán thưởng: “Món ngon! Món ngon!”.