Tóm lược giảng giải Pháp Bảo Đàn kinh (Phẩm 8)

Người đời và các tôn giáo đều có cái thấy phân hai, thế gian là vô thường còn bên kia, cái siêu việt, cái toàn thể vô biên thì thường. Tục đế hay thế đế là vô thường, chân đế thì thường.

Phẩm thứ tám – Phẩm đốn tiệm

Khi Lục Tổ ở ẩn trong rừng núi thì đại sư Thần Tú đã hoằng hóa thịnh hành ở phía Bắc, ảnh hưởng mạnh ở kinh đô ngay cả khi Lục Tổ ra hoằng hóa. Phải đến về sau, nhờ các thiền sư xuất chúng các đời sau mà đốn giáo vượt lên để thành Thiền tông Trung Hoa, truyền qua Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản cho đến ngày nay. “Pháp vốn một tông, pháp là một giống” vì Pháp thân chỉ là một, chung cho cả chư Phật, các Bồ tát Pháp thân ở hàng Thập địa và tất cả các chúng sinh.

Đốn giáo là chỉ thẳng Pháp thân ấy để cho đệ tử ngộ nhập. Pháp thân ấy vừa là nền tảng, vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh. Trong khi ấy, Tiệm giáo chú trọng nhiều đến phương tiện và quan niệm cứu cánh ở ngoài nền tảng và phương tiện.

Ngài Thần Tú được phong làm quốc sư, được triều đình lần đầu tiên dùng danh hiệu Thiền sư ban cho. Xem cách ngài nói về Lục Tổ, chúng ta thấy trong đạo pháp, làm gì có sự xích mích bất hòa giữa các cao tăng với nhau, như người đời thường nghĩ. Trụ tâm quán tịnh, thường ngồi chẳng nằm là không tin rằng tâm mình vốn tịnh, vốn vô niệm, không niệm nào có thể làm ô nhiễm, như không một đám mây nào có thể làm biến chất bầu trời. Công phu là niệm niệm tương ưng với bầu trời tâm vô niệm ấy, bởi vì tâm vô niệm ấy không chỉ có trong khi ngồi thiền. Trụ tâm quán tịnh, ngồi hoài chẳng nằm là tu theo tướng, tướng tịnh và tướng ngồi. Ở trong tính thì quả là “nếu nói có pháp để dạy cho người, đó là dối gạt ông; chỉ tùy phương tiện mà mở chỗ trói buộc cho người, giả danh gọi là tam muội”. Trói buộc vào các tướng mà hết, đó là tự tính vô niệm, vô tướng và vô trụ. Đây là trạng thái bình thường của tâm, chớ đâu phải cái gì khác lạ để được đặt tên là tam muội. Giới định tuệ không phải là tướng giới định tuệ lấy tự bên ngoài, mà tự tâm, tự tính vốn là giới định tuệ.

Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Tu hành không phải là làm theo tướng ở bên ngoài, mà là thấy tính và hằng sống với tự tính. Tâm địa không lỗi, không có vọng tưởng phân biệt, đây là tự tính vốn giới. Tâm địa không si, không mê, đây là tự tính vốn tuệ. Tâm địa không loạn, đây là tự tính vốn định. Đời sống, cử động, nói năng, suy nghĩ của mỗi người vẫn xảy ra trên cái tâm địa tự tính bất biến như hư không này. Nó luôn luôn hiện tiền mà chỉ bởi vì không biết khiến cho lỗi, si, loạn mà mất dấu. Phải thấy cho được cử động, nói năng, suy nghĩ đang diễn ra trên nền tảng tâm địa tự tính này, và không bao giờ ra khỏi nền tảng ấy, đó gọi là thấy tính. ‘‘Phải biết tất cả muôn pháp đều từ tự tính khởi dụng, ấy là giới định tuệ chân thật’’, thấy biết tất cả muôn pháp trước mắt là tự tính khởi dụng, do đó muôn pháp đều thanh tịnh, viên mãn, sáng rỡ, không thiếu hụt dù chỉ bằng hạt bụi. Chứng thực được tâm địa tính Không không tăng không giảm, làm hay không làm đều không tăng không giảm, đây là tự mình là tính kim cương bất hoại. Chứng thực được sự lui tới của thân đều nằm trên nền tảng tính Không, mọi hoạt động đều không dính dáng gì đến tính Không, thì đây là chính định có từ vô thủy đến vô chung. Sống trong tự kim cương, trong vốn tam muội thì sắc thanh hương vị xúc pháp, mắt tai mũi lưỡi thân ý, cái gì chẳng phải là tự kim cương, cái gì chẳng phải là vốn tam muội?

Người thấy tính khi nhìn ra ngoài chỉ thấy tính Không, đúng hơn, sự hóa hiện của tính Không, ‘‘như mộng huyễn, bọt, ảnh, như sương, như điện chớp’’. Nhìn vào trong cũng là tính Không, chẳng xoay hướng đến Chân Như, Bồ đề Niết bàn… những danh tự giả lập (Vô nguyện). Nhìn tất cả các tướng sinh tử, chúng sinh mà nói rằng ‘‘lập cũng được, không lập cũng được’’, thì đây là tự do, tự do với cả sinh tử và Niết bàn.

Theo lời Lục Tổ, thấy tính là thấy và sống thuần thục tính Không tính Như. Tính Không là không một pháp có thể đắc, trên nền tảng này lập ra các pháp phương tiện để độ người. Phương tiện hóa hiện từ tính Không, nên vô sở hữu, bất khả đắc. Tính Như thì có đâu sinh tử và chúng sinh vì có cái gì không phải là tính Như. ‘‘Lập cũng được, không lập cũng được’’, vì đâu cũng là tính Không tính Như, cái gì cũng là tính Không tính Như. Sống trong tính Không thì lập cũng là không lập, không lập mà tất cả hiện hữu sẵn trong tính Không. Đến là đến trong tính Không, đi là đi trong tính Không, không ngưng không ngại. Ứng dụng tùy làm, ứng lời tùy đáp vì làm việc gì cũng chẳng dính đến thân tâm, nói lời nào cũng chẳng dính đến môi miệng. Hiện khắp Hóa thân vì tướng nào cũng là sự hóa hiện của tính Không. Làm tất cả hạnh Bồ tát mà chẳng lìa tính Không, đó gọi là tự tại thần thông, du hý tam muội. Không quấy, không si, không loạn, đó là tự tính. Không tịch như vậy mà thường chiếu soi, đó là tự tính. Trong tính, tướng các pháp đều vốn lìa, đều bất khả đắc, như hoa giữa hư không.

Thanh tịnh như vậy thì vọng lập cái gì đều là vô ích, có khi thành bệnh. Đây là sự tự do tự tại của tính Không, dọc ngang đều được vì có tướng nào đâu. Tính Không được Lục Tổ diễn tả rõ ràng cụ thể như vậy, nhưng không chứng ngộ được nó thì dù có diễn tả qua nhiều đời cũng vô ích. Chứng ngộ được nó thì mới biết tự do của tính Không là gì. Không có trời để đội, không có đất để đạp, không có sinh tử để bỏ, không có Niết bàn để lấy, không có cái gì có thể lập được, đó là tự do.

Có lập ra tướng thì có thứ lớp, trong tính Không không có tướng nào lập được nên tính Không thì không có thứ lớp, trước sau, cao thấp, mau chậm. Các pháp vốn tịch diệt, trong cái tịch diệt toàn khắp này, làm gì có tướng nào để lập nên thứ lớp? “Tự tính tự ngộ, đốn ngộ đốn tu”, hai chữ “tự” và “đốn” này, chỉ có người ngộ tính Không mới biết, vì nói có tu có chứng là sai vì chấp thường mà nói không tu không chứng thì càng hỏng vì chấp đoạn. Tất cả các pháp là Không, các pháp vốn tịch diệt, hãy Nghe (Văn), Tư duy (Tư), Tham thiền (Tu) điều đó cho đến lúc trực tiếp thấy biết thì mới hiểu “tự tính tự ngộ, đốn ngộ đốn tu” là gì. Người tham thiền phải nhắm vào cái ‘‘lập cũng được không lập cũng được’’ để thấu hiểu thực tại ấy mà thoát khỏi sinh tử.

Những bậc tu hành chân chính thì không còn tâm ta người, như ngài Huệ Năng và ngài Thần Tú, lấy gì cạnh tranh mà sinh yêu ghét, hơn thua. Hành Xương ám hại Lục Tổ, nhưng ngài là một biển trí huệ và đại bi, cho nên xá tội và còn hẹn sau này đến sẽ dạy. ‘‘Ta nhớ ông đã lâu, sao ông đến muộn vậy’’, tính Không thì tràn đầy từ bi. Sư Hành Xương tuy thường đọc kinh Niết Bàn, nhưng không có thầy chỉ dạy trực tiếp nên lạc vào kiến giải của phàm phu ngoại đạo và các người nhị thừa, tức là Thanh Văn thừa và Độc Giác thừa. Sư Hành Xương khi nghe nói vô thường bèn có cái thấy thiên lệch, cho vô thường chỉ là vô thường, và trong đó không có cái thường nào cả. Lấy một bài kinh ngắn như Bát nhã Tâm kinh, thì “sắc tức là Không”, sắc là vô thường, nhưng tức là Không, tức là tính Không, “không chỗ nào chẳng khắp”, mà không chỗ nào chẳng khắp tức là thường. Người đời và các tôn giáo đều có cái thấy phân hai, thế gian là vô thường còn bên kia, cái siêu việt, cái toàn thể vô biên thì thường. Tục đế hay thế đế là vô thường, chân đế thì thường. Với Đại thừa ở mức rốt ráo, như trong kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết Bàn thì không có sự phân hai này. Không phải tướng thì vô thường, có sinh có diệt, còn tính là thường, không sinh không diệt. Mà tướng hay sinh tử chưa từng sinh nên cũng chưa từng diệt, tướng cũng không sinh không diệt nên là thường. Tướng chính là tính, tính tướng không hai. Chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh thì “khắp tất cả chỗ”, đó cũng là Vô trụ xứ Niết bàn của hàng Bồ tát. Thấy tất cả pháp thiện ác, các tâm niệm sinh diệt trước mắt là chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh, đó là cái Thấy, Thiền định và Hạnh của Thiền giả.

Tự tính hay cái “không chỗ đắc”, cái trí vô sư không hề ngăn che chướng ngại ai cả. Chỉ có mình tự che chướng mình, có khi tu thì càng thêm phiền não ta người, càng thêm tà kiến, biên kiến…. vì hiểu kinh theo ý của mình, rồi có được và chẳng được, sâu cạn… Sư Hành Xương là một thí dụ. Phiền não chướng là nghe lời đi ám hại một bậc cao tăng chứng ngộ. Sở tri chướng là tự hiểu kinh theo ý mình, không có người chỉ dạy. Hai cái ấy không khéo thì tích tập ngày càng dày mà tự mình che chướng mình với cái luôn luôn hiện tiền trước mắt. Cho nên, như Lục Tổ nói với sư Chí Thành, “Ta chỉ tùy phương tiện mở chỗ trói buộc cho người, giả danh gọi là tam muội”, khi ngài mở sự trói buộc của phiền não chướng và sở tri chướng của Hành Xương thì sư hốt nhiên đại ngộ. Đại ngộ là đích thân thấy biết cái tam muội xưa nay vẫn ở trước mặt mình, xưa nay mình vẫn ở trong đó. Đâu cần phải “ra công”, đâu cần lặn hụp nơi “ao xuân” (Kinh Niết Bàn) chỉ làm thêm nước đục, mà chỉ lượm được gạch đá. Đoạn này, tuy đọc chỉ mất năm phút, nhưng phải thấy đó là tâm lực của cả một đời người, tâm lực ăn năn hối lỗi và tâm lực tìm hiểu cái chân thường. Với tâm lực như vậy mới mong phá sập được phiền não chướng và sở tri chướng mà ai cũng có để Phật tính hiện tiền.

Thần Hội có trí nên đối đáp nhanh lẹ, có phần giống, nhưng chỉ bắt chước lời người khác, chỉ vì tu còn ít, chưa đủ định để giữ gìn cái thấy hiểu chân chính, chưa đủ ánh sáng của tuệ để thấy biết thật. Từ đó mà sinh lỗi lầm, cách ứng xử có phần kiêu mạn. Với người ưa nói lý này, Tổ đưa vào thế giới của sự. Sự có thông thì lý mới thật. Tổ nói, “ta thấy là thường thấy lỗi trong tự tâm, chẳng thấy những trái phải, tốt xấu của người”, đây là sự tu hành chân chính trong tự tính. Đây là đã thấy cái vốn sạch của tự tâm rồi, mới y trên sự vốn sạch ấy mà thấy để giải tan các vết dơ đã nhiễm. Còn cứ thấy người khác – thấy có pháp ngoài tâm đã là lỗi rồi – lại thấy chuyện phải trái, tốt xấu của người thì càng thêm nhiễm ô, càng thêm tội chướng. Phân biệt ta người đã là lỗi, thấy lỗi người, thấy cái xấu của người (và do đó ta thì tốt) thì lỗi lầm phân biệt càng thêm nặng, sự che chướng càng thêm nhiều, tự tâm càng thêm tối tăm. Tu như vậy thì càng tu càng tự che chướng, càng tu càng xa, vì là tu nhân ngã chứ chẳng phải tu Phật. “Tự thấy tính mình, y theo pháp mà tu hành” thì có dính dáng gì đến cái mê cái ngộ của người khác? Tính như vậy mới thật là không nhiễm ô, giải thoát, tự do.

Sư Thần Hội vào lúc này tuy đã phần nào thấy tính, nhưng chưa hoàn toàn nên còn vướng vào ý thức và chữ nghĩa, nghĩa là đã đạt đến trí nhưng còn chưa nhổ neo xa lìa khỏi thức. Tự tâm còn phải dựa vào ngôn ngữ văn tự ý niệm nên chưa thể tự do, “tâm thông và thuyết thông”, ‘‘không có một pháp có thể đắc mới có thể kiến lập vạn pháp, lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không ngưng không ngại, ứng dụng tùy làm, ứng lời tùy đáp, khắp hiện Hóa thân mà chẳng lìa tự tính, tức là được tự tại thần thông, du hý tam muội, ấy gọi là thấy tính”. Sau khi Tổ viên tịch, lúc Thần Hội đã tròn vẹn sự tu học, ngài vào kinh thành Lạc Dương, truyền bá rộng rãi Đốn giáo của Tào Khê. Danh tự ngôn ngữ ngày trước là một chướng ngại, một nắm tranh che đầu, thì bây giờ là một phương tiện hữu hiệu để hoằng pháp. Nhờ sư Thần Hội mà phái Thiền phía Nam lấn lướt làm cho phái Bắc tiệm dần dần mai một.

Pháp hay Pháp thân hay thật tính không hai thì đứng trên cả Tăng đoàn trong Tam Bảo. Và tăng dù thánh hay phàm đều có nhiệm vụ phụng sự Pháp. Pháp hay Pháp thân thì không có ranh giới nên phân biệt các tông phái theo hình tướng một cách chết cứng là một sai lầm. Sai lầm hơn nữa là đứng trong tông phái “của ta” mà sinh ác ý với các tông phái “của người”. Pháp môn hay phương tiện tu hành đều được lập ra trên nền tảng Pháp hay thật tính không hai này, và đưa đến quả cũng chính là nền tảng đã được khai mở trọn vẹn. Pháp môn nào không lập ra trên nền tảng này và nhắm đến cùng một mục đích là Pháp hay Pháp thân hay thật tính không hai thì không phải là Phật pháp. Tất cả các pháp môn đều được lập ra trên cùng một nền tảng, đi trên và trong cùng một nền tảng và chứng quả cũng chính là nền tảng ấy được kinh nghiệm trọn vẹn. Nền tảng ấy của Phật giáo là Pháp thân vô ngã và vô pháp. Nếu tu mà càng thêm lớn chấp ngã và chấp pháp thì trái ngược với Phật pháp. Chúng ta có thể kiểm chứng sự tu hành đúng hay sai, nhanh hay chậm khi quan sát sự chứng ngộ vô ngã vô pháp của chúng ta đến đâu, tức là tự tính hiển lộ đến đâu. ‘‘Không có danh gì có thể gọi, gọi là tự tính; cái tính không hai gọi là thật tính’’, thấy hay chẳng thấy?

Còn nữa...

Cư sĩ Phạm Tuấn Minh tóm lược

***

Tài liệu: Lục tổ Pháp Bảo Đàn kinh - Giảng giải, soạn văn: Đương Đạo, NXB Thiện Tri Thức - 2016

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tom-luoc-giang-giai-phap-bao-dan-kinh-pham-8.html