Tôn giáo học: Nhiều tiềm năng phát triển trong xã hội hiện đại

Giữa bối cảnh tôn giáo được xem trọng và là một phần không thể thiếu của xã hội, ngành Tôn giáo học hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội việc làm.

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM là đơn vị tiên phong đào tạo ngành Tôn giáo học ở phía Nam.

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM là đơn vị tiên phong đào tạo ngành Tôn giáo học ở phía Nam.

Tuy là ngành học mới nhưng giữa bối cảnh tôn giáo luôn được xem trọng và là một phần không thể thiếu của xã hội, ngành Tôn giáo học hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với đa dạng lĩnh vực.

Với kinh nghiệm lâu năm trong đào tạo lĩnh vực Nhân học liên quan đến tôn giáo cũng như có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tôn giáo ở nước ta. Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM là đơn vị tiên phong đào tạo ngành Tôn giáo học ở phía Nam, chú trọng đào tạo gắn lý thuyết với thực hành nhằm mang tính thực tiễn, giúp sinh viên tiếp xúc với bối cảnh đa tôn giáo nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, khả năng ứng dụng đa dạng.

Chương trình đào tạo hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thị trường

TS. Dương Hoàng Lộc - Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học Tôn giáo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM cho biết ngành Tôn giáo học đang được nhà trường ưu tiên hỗ trợ, nhất là học phí và một số hoạt động thực tế. Thầy cũng chia sẻ thêm: “Ở các môn học do giảng viên đảm trách đều dành thời gian tổ chức cho lớp đi ngoại khóa nhằm cung cấp kiến thức thực tiễn cho sinh viên. Các hoạt động thực tập, thực tế này mang lại hiệu quả tốt, giúp sinh viên hiểu vai trò, ý nghĩa ngành Tôn giáo học đối với xã hội hiện nay”.

Trên thực tế, Khoa cũng nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan quản lý tôn giáo ở nhiều địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên thực tập thực tế. Cụ thể vào năm 2024, được sự quan tâm của Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Thủ Đức, sinh viên năm 3 thực tập thực tế về chủ đề đánh giá, phân tích nguồn lực tôn giáo tại 3 phường Phước Long, phường Tam Phú, phường An Phú. Kết quả nghiên cứu sau đó được đánh giá rất cao, có tính ứng dụng vào công tác quản lý, vận động các cơ sở tôn giáo ở địa phương.

 Sinh viên ngành Tôn giáo học ghi danh tham gia buổi thảo luận về kĩ năng chụp ảnh trong nghiên cứu nhân học, tôn giáo.

Sinh viên ngành Tôn giáo học ghi danh tham gia buổi thảo luận về kĩ năng chụp ảnh trong nghiên cứu nhân học, tôn giáo.

Ngành Tôn giáo học giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đào tạo nhân lực cho các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực này. Khoa đảm bảo những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể công tác tôn giáo ở các cấp chính quyền hoặc tổ chức quốc tế,có thể tham gia vào mảng du lịch, nhất là du lịch gắn với chủ đề tôn giáo, tín ngưỡng vốn nhận được sự quan tâm cao hiện nay.

Ngoài những kiến thức chuyên sâu về khoa học tôn giáo, Nhà trường và Khoa cũng đồng thời đào tạo những kỹ năng xã hội như các ngoại ngữ, tin học, tổ chức những buổi hoạt động xã hội, tọa đàm, chia sẻ,... giúp sinh viên phát triển toàn diện, rộng mở cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Ngành học mới - cơ hội thăng tiến cao, ít cạnh tranh

Trong thời đại số ngày nay, đội ngũ tham gia công tác nhà nước liên quan đến tôn giáo ở các cấp chưa được đào tạo đúng chuyên môn còn khá nhiều. Trong khi đó, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đặt ra ngày một cao nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn hiện nay.

“Đây là cơ hội lớn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Tôn giáo học. Mặt khác, ngoài xã hội, ngày càng có nhiều tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến tôn giáo. Vì vậy, sinh viên ngành học này sẽ có nhiều cơ hội việc làm dựa trên những kiến thức và kỹ năng được đào tạo” - TS. Dương Hoàng Lộc nhận định.

Ông Nguyễn Vĩnh Thế - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Cử nhân ngành Tôn giáo học về cơ bản được trang bị những kiến thức chuyên sâu về từng tôn giáo và công tác tôn giáo. Do đó, khả năng phát triển và thăng tiến của họ rất tốt nếu biết vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học vào thực tế”.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ và hoạt động giới thiệu, định hướng việc làm sau khi tốt nghiệp của Khoa cũng diễn ra thường xuyên và mang tính thực tiễn cao. Bạn Nguyễn Hữu Đan Huy - sinh viên năm 3 ngành Tôn giáo học bày tỏ: “Khoa luôn tích cực tạo cơ hội để kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng, cũng như giúp sinh viên trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để được tuyển dụng vào các vị trí thích hợp”.

Phát triển nghề nghiệp ở đa dạng lĩnh vực

Bên cạnh những ngành nghề liên quan đến tôn giáo, đối với công ty du lịch, sinh viên tốt nghiệp ngành Tôn giáo học cũng phù hợp với doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là những chuyến du lịch cần sự am hiểu sâu về văn hóa, tôn giáo như hành hương, tâm linh,...

 Sinh viên ngành Tôn giáo học tại Hội nghị khoa học sinh viên.

Sinh viên ngành Tôn giáo học tại Hội nghị khoa học sinh viên.

Ông Dương Văn Tài - Giám đốc Công ty TNHH TMDV Du lịch CK Journey cho biết: “Hiện nay, sản phẩm du lịch hành hương, tâm linh hiện đang rất kén nhân sự vận hành tour vì yêu cầu nhân sự phải là người có độ hiểu biết sâu, rộng, đa chiều và tư tưởng trung lập. Đó cũng là điều mà chúng tôi tìm kiếm ở những sinh viên xuất thân từ ngành Tôn giáo có niềm đam mê với du lịch”.

Ở Việt Nam, tôn giáo tín ngưỡng đã được nhìn nhận là một phần của lịch sử dân tộc, văn hóa và đạo đức và hơn thế, là thực thể xã hội có khả năng cố kết cộng đồng và ổn định trật tự, an toàn xã hội...Đảng và Nhà nước xem tôn giáo là một trong những nguồn lực phát triển đất nước. Điều đó càng chứng tỏ cơ hội nghề nghiệp của sinh viên Tôn giáo ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh các lĩnh vực liên ngành như nghệ thuật, du lịch, công nghiệp văn văn hóa...

Ngành Tôn giáo học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM cung cấp cho người học những kiến thức liên ngành toàn diện và chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và trên thế giới; hình thành các kỹ năng vận dụng các hệ giá trị tôn giáo vào trong đời sống cá nhân và xã hội.

Cử nhân Tôn giáo học có thể giảng dạy các lĩnh vực liên quan đến tôn giáo; nghiên cứu tôn giáo tại các viện, trung tâm, tổ chức quốc tế; chuyên trách tôn giáo ở các địa phương và trung ương; phụ trách các mảng về tôn giáo cho các báo, đài, tạp chí, nhà xuất bản hoặc công tác tại các doanh nghiệp du lịch...

PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ton-giao-hoc-nhieu-tiem-nang-phat-trien-trong-xa-hoi-hien-dai-post691721.html