Tồn hơn 6.000 tỷ đồng, cần tính lại sứ mệnh Quỹ bình ổn xăng dầu?

Giá xăng dầu trong nước đã sát với giá thế giới, theo giới chuyên gia, Quỹ bình ổn xăng dầu đã hoàn thành sứ mệnh, cần thay đổi cách thức điều hành bình ổn thị trường.

Tồn hơn 6.000 tỷ đồng

Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, tính đến hết năm 2024, Quỹ bình ổn xăng dầu còn dư 6.067,2 tỷ đồng.

Số dư này hiện được giữ tại 30 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (chưa bao gồm số dư quỹ của các thương nhân không còn là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu).

Trong đó, số dư tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 3.080 tỷ đồng (chiếm hơn 50%); Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM là 328,3 tỷ đồng; Tổng công ty Dầu Việt Nam 138,4 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội 299,8 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp 460,5 tỷ đồng…

Số lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tính đến cuối năm 2024 là 3,17 tỷ đồng.

Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền người dân "góp" vào khi mua một lít xăng dầu. Ảnh: Hồng Hạnh.

Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền người dân "góp" vào khi mua một lít xăng dầu. Ảnh: Hồng Hạnh.

Nguồn hình thành Quỹ bình ổn xăng dầu được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành quyết định.

Từ đầu năm 2025 đến nay, ban điều hành không chi quỹ, cũng không trích lập quỹ này. Bộ Công thương giải thích, do kỳ điều hành giá đã rút xuống từ 15 ngày xuống còn 7 ngày (thứ 5 hằng tuần), giúp giá trong nước đã sát với giá thế giới.

Giá xăng dầu thành phẩm thế giới thời gian qua cũng không biến động đột biến, do đó, việc không trích lập và chi quỹ cũng là điều dễ hiểu.

Giữ hay bỏ quỹ bình ổn?

Khi giá xăng dầu trong nước đã sát với giá thế giới, một lần nữa chuyện nên giữ hay bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu lại tiếp tục "nóng". Nhiều chuyên gia kiến nghị điều chỉnh lại vai trò của quỹ này.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục giá (Bộ Tài chính) phân tích, quỹ bình ổn chỉ có tác dụng trong một số thời điểm nhất định, hiện giá trong nước đã sát giá thế giới nên quỹ bình ổn được xem như đã hoàn thành sứ mệnh.

Do đó, thời điểm này, không cần giữ quỹ mà cần thay đổi cách thức điều hành bình ổn thị trường.

Giải pháp trong thời gian tới, theo ông, một là bỏ quỹ, chuyển số tiền còn lại về ngân sách Nhà nước, thị trường sẽ được ổn định bằng giải pháp thuế, phí; hai là giữ quỹ nhưng thay đổi cách điều hành.

Nếu chuyển về ngân sách Nhà nước, ông Thỏa cho rằng, Bộ Công thương là đơn vị quản lý ngành nên phải hướng dẫn rõ cách thức vận hành ra sao, lúc nào được trích, được lập và chuyển tiền từ doanh nghiệp về Nhà nước ra sao...

Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng lưu ý, quá trình chuyển đổi về một đầu mối sẽ cần giai đoạn chuyển tiếp.

"Bình ổn thị trường không chỉ bằng quỹ mà còn bằng nguồn cung. Nhà nước nên tập trung tăng nguồn lực dự trữ xăng dầu quốc gia, để khi cần bình ổn có thể bán hàng dự trữ ra thị trường", ông Bảo góp ý.

Thực tế, những năm qua, việc quản lý quỹ bình ổn xăng dầu đã lộ ra nhiều bất cập. Hàng loạt đầu mối xăng dầu đã vướng vòng lao lý khi chiếm dụng dòng quỹ này cho việc riêng.

Trong bối cảnh, Luật Giá mới quy định rõ về cách thức bình ổn giá, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để thay đổi.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ton-hon-6000-ty-dong-can-tinh-lai-su-menh-quy-binh-on-xang-dau-192250402130935974.htm