Tôn sư trọng đạo
Đảng và Nhà nước ta luôn coi 'giáo dục là quốc sách hàng đầu', là tương lai của dân tộc. Mỗi thầy giáo, cô giáo là những người chiến sỹ tiên phong, đi đầu trong công tác đào tạo con người, vì một xã hội tốt đẹp. Trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, dù xã hội có phát triển và đổi thay, thì truyền thống
Đảng và Nhà nước ta luôn coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, là tương lai của dân tộc. Mỗi thầy giáo, cô giáo là những người chiến sỹ tiên phong, đi đầu trong công tác đào tạo con người, vì một xã hội tốt đẹp. Trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, dù xã hội có phát triển và đổi thay, thì truyền thống "tôn sư trọng đạo" vẫn là một nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học, trọng việc học; vì thế danh hiệu “người thầy” đã trở nên tôn quý từ hàng nghìn năm nay. Từ xa xưa cha ông ta đã có câu:
“Con ơi nhớ lấy lời này
Ơn cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên”
hay:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng và tầm nhìn lớn lao, sâu sắc về giáo dục: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Trong bản yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919, một trong 8 nội dung cơ bản được Người nêu lên là: Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. Với tư tưởng đó, cả đời Người không bao giờ ngừng học tập rèn luyện. Và bản thân Người cũng là một người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.
Trong xã hội xưa, người thầy được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo thầy mà trở thành người có đức, có tài để đứng ra giúp nước. Người thầy là những người có kiến thức sâu rộng, có phẩm chất tốt, với lòng yêu nước nồng nàn, lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân. Thầy dạy chữ song song với việc dạy lễ nghĩa, các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, cách cư xử đúng mực, đúng quy tắc. Người thầy luôn là tấm gương sáng để học trò noi theo.
Ngày nay, dù xã hội đã phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng người thầy vẫn luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp. Hình ảnh thầy cô trên bục giảng, với bảng đen, phấn trắng, đã truyền lửa cho học trò, khơi dậy trong các em những ước mơ, hoài bão để thổi bùng thành những khát vọng cao đẹp trong tương lai.
Không chỉ truyền đạt tri thức, kỹ năng lao động nghề nghiệp, các giá trị lý tưởng đạo đức chân chính, những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, những nhà giáo trong giai đoạn hiện nay còn truyền bá cho học sinh thế giới trực quan khoa học, lý tưởng, niềm tin đúng đắn, khơi dậy bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Người giáo viên thông qua việc “dạy chữ” để “dạy người”, giáo dục nhân cách học sinh bằng chính nhân cách của mình. Điều đó cho thấy, dù ở đâu và thuộc thời nào, người thầy cũng luôn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội.
Kế thừa, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng và Nhà nước ta hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục.
Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giáo dục - đào tạo trong sự nghiệp cách mạng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã tiếp tục khẳng định quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” và đề ra 9 nhiệm vụ; trong đó có nhiệm vụ về “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo” nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời có cơ chế kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Hiện cả nước có trên 1,6 triệu nhà giáo. Trong gần một thế kỷ qua, các thế hệ nhà giáo Việt Nam đã nỗ lực khắc phục khó khăn, luôn giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt; là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề. Có những thầy giáo, cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022 - 2023 là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng với cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đây là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp Trung học Phổ thông.
Năm 2023 đánh dấu 10 năm toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời là thời điểm thực hiện đánh giá việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phục vụ công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, trách nhiệm và nỗ lực, toàn ngành đã hoàn thành kế hoạch năm học 2022 - 2023, đạt nhiều kết quả tích cực.
Ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận. Thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao.
Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tăng 4,6% so với năm học trước. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường và huy động học sinh cấp Tiểu học đúng độ tuổi đều duy trì ở mức cao 99,7%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt mức 98,81%. Tất cả tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học; trong đó 29/63 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; 11 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 2 và 7 tỉnh, thành phố đạt mức độ 3. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2023 được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; tình trạng thừa, thiếu giáo viên đã có thêm giải pháp khắc phục. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 - 2026. Bộ GD-ĐT cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương hiện nay.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, đồng thời tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Bên cạnh đó, trước thềm năm học mới 2023 - 2024, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên tổ chức thành công chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023”. Đây là dịp để Bộ trưởng lắng nghe được nhiều nhất suy nghĩ, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm; bày tỏ được một cách trực tiếp nhất sự chia sẻ, động viên, yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong cả nước với khoảng 40 nghìn điểm cầu và trên 1 triệu nhà giáo.
Tại Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, ngành GD-ĐT đang triển khai công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn bản, toàn diện, xưa nay chưa từng có đối với tất cả các cấp học từ Mầm non tới Đại học, trong đó, hiện đang tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông, cụ thể là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần phải đảm bảo thực hiện nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành công của toàn bộ quá trình này. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã, đang và sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng và đặc biệt là về chất.
Bộ trưởng cho rằng, đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo, nhìn nhận theo hướng tích cực, quá trình đổi mới đang là cơ hội để mỗi nhà giáo thay đổi bản thân, tích lũy kiến thức, kỹ năng mới tiến bộ hơn để trang bị kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực cần thiết cho học trò. Trong quá trình ấy, thách thức và cơ hội lớn nhất chính là vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo. Nếu chúng ta chỉ vượt khó mà không vượt lên bản thân mình, giáo dục vẫn chỉ dừng là một nền giáo dục vượt khó.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các thầy cô tiếp tục lan tỏa những gì mình đã làm được, đã tích lũy được từ kinh nghiệm và thực tiễn nghề nghiệp của bản thân. Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta luôn tâm niệm nghề giáo là nghề cao quý và luôn cần giữ sự tôn nghiêm. Nhưng để có sự tôn nghiêm, trước hết với nhà giáo, chúng ta cần làm thật tốt công việc của mình để từ đó có tinh thần và ý thức đầy đủ giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để khẳng định được giá trị bền vững, tốt đẹp của nghề nghiệp lan tỏa cho xã hội.
Mới đây, tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại rằng truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa và con người Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 29 của Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Thủ tướng nêu rõ phương châm đặt ra là: “lấy học sinh làm trung tâm”; “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy, cô giáo làm động lực”; đồng thời đảm bảo yêu cầu đặt ra là phải: “học thật, thi thật, nhân tài thật”, “thực tâm, thực tài, thực nghề”.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong đó tập trung: Tổng kết đầy đủ, toàn diện, thực chất công tác đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Trung ương; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo; tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại... "Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện đúng tinh thần "ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" nhưng phải hợp lý và hiệu quả" - Thủ tướng nêu rõ.
Gửi gắm đến các thầy cô giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng, mỗi thầy giáo, mỗi cô giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, luôn là tấm gương sáng về rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, ứng dụng khoa học công nghệ, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; để mỗi tiết học thực sự bổ ích và lý thú, để mỗi ngày học thực sự là ngày vui.
Bài: Diệp Ninh - Việt Hà - Nguyễn Cúc - Xuân Tùng
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
20/11/2023 06:10
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/ton-su-trong-dao-20231117161159578.htm