Tôn tạo di tích bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nêu thực tế về quá trình bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập.

Ngày 25-10, tại TP Ninh Bình, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), Sở VH&TT tỉnh Ninh Bình và Viện Bảo tồn di tích đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch"

Bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện VICAS, cho biết trải qua hàng nghìn năm xây dựng và phát triển đất nước, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã sáng tạo và lưu truyền lại một kho tàng di sản văn hóa vô cùng đồ sộ, phong phú và đa dạng, trong đó có hàng vạn di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Các di tích lịch sử - văn hóa đã và đang được nhà nước, cộng đồng nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của các địa phương tham gia hỗ trợ, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

 Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: ANH TUẤN.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: ANH TUẤN.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập như: Việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích có lúc cũng như có nơi chưa bảo đảm các quy định của pháp luật; chất lượng nhân lực quản lý, thực hiện bảo tồn, tu bổ di tích còn hạn chế.

Vai trò của các bên tham gia bảo tồn, tôn tạo di tích, khai thác phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là vai trò của cộng đồng chưa có sự phân cấp, xác định trách nhiệm, phân chia lợi ích rõ ràng.

Kết quả huy động các nguồn lực xã hội hóa để tu bổ tôn tạo di tích chưa tương xứng với tiềm năng vị thế của các di sản văn hóa.

Sự liên kết, hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với công tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa - du lịch, đóng góp vào sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo còn hạn chế và bất cập.

"Thống kê đến giữa năm 2024, Việt Nam có tám di sản được công nhận Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 133 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 3.628 di tích xếp hạng cấp quốc gia và khoảng 11.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh" - KTS Trần Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT&DL nêu.

“Đảng, nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, coi văn hóa là sức mạnh mềm, nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là động lực quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước” - ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Nhiều không gian di sản bị xâm phạm gián tiếp

Đề cập đến chiến lược bảo tồn giá trị di sản và phát huy bản sắc đô thị Việt Nam, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn lưu ý quá trình hiện đại hóa đang đe dọa nghiêm trọng đến các giá trị văn hóa lịch sử của đô thị, đặc biệt về quy hoạch, kiến trúc và môi trường.

“Việc nhiều tỉnh thành tại Việt Nam hiện nay chỉ tập trung bảo vệ công trình di tích mà coi nhẹ sự cần thiết của giải pháp tổng thể cho các khu trung tâm lịch sử và vùng di sản là một sai lầm chiến lược” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

 KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: ANH TUẤN.

KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: ANH TUẤN.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều không gian di sản bị xâm phạm gián tiếp bởi công trình lân cận. Mặt khác, nhà quản lý đã bỏ qua cơ hội vàng để chỉnh trang những khu phố di sản hấp dẫn về văn hóa lịch sử, có sức thu hút du khách, đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.

PGS.TS Bùi Thanh Thủy (Đại học Văn hóa Hà Nội) đề cập đến các mô hình thực tiễn trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua du lịch.

“Các di tích lịch sử văn hóa luôn và cần được bảo vệ, phát huy nhằm giáo dục truyền thống, kết nối quá khứ và tương lai cho các thế hệ sau.

Đây là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa lâu đời của dân tộc, là những chứng tích, vật chất phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hóa, về quá khứ cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc, là bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc…” - PGS.TS Bùi Thanh Thủy nhấn mạnh.

Chuyên gia này lưu ý, ý nghĩa lớn nhất của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích là đảm bảo tính liên tục, không đứt gãy của truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc. Đồng thời, khi các di tích trở thành tài nguyên du lịch sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn.

Cộng đồng địa phương ở bất kỳ vùng nào đã và đang phát triển về du lịch đều nhận ra lợi ích này.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ton-tao-di-tich-boc-lo-nhung-mat-han-che-bat-cap-post816623.html