Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 14 đến 16/2/2025 (tức ngày 17,18,19 tháng Giêng âm lịch) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với một số ban, ngành trung ương và các địa phương sẽ tổ chức Ngày hội ' Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc' nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc của cộng đồng 54 dân tộc, mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc phục vụ khách du lịch những ngày đầu Xuân.

“Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”

Tái hiện Lễ mừng cơm mới của người Thái được tổ chức ngày 1/1/2025, ngày đầu năm tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam thu hút nhiều du khách tới chiêm ngưỡng và tìm hiểu thêm về các tập tục của dân tộc. Ảnh: Khánh Huy

Tái hiện Lễ mừng cơm mới của người Thái được tổ chức ngày 1/1/2025, ngày đầu năm tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam thu hút nhiều du khách tới chiêm ngưỡng và tìm hiểu thêm về các tập tục của dân tộc. Ảnh: Khánh Huy

Đại biểu và du khách tham dự được hòa mình vào các nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán của các chủ thể văn hóa; được hiểu thêm về những giá trị văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết vui xuân đặc trưng của cộng đồng các dân tộc; thể hiện sự cố kết cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, qua đó giáo dục thế hệ người Việt Nam ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Ngày hội sẽ có sự tham dự của khoảng 200 đồng bào của 28 cộng đồng dân tộc thuộc 14 địa phương đại diện cho các dân tộc, vùng miền: đồng bào Mường tỉnh Hòa Bình; đồng bào Chăm Bà-la-môn, Raglai tỉnh Ninh Thuận; đồng bào Thái tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó là sự tham dự của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng của một số cộng đồng dân tộc ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, các dân tộc thiểu số rất ít người: dân tộc Lô Lô, Pà Thẻn, Bố Y, La Chí (tỉnh Hà Giang); dân tộc Mảng, Si La, Kháng, Hà Nhì, Cống (tỉnh Lai Châu); dân tộc Brâu, Rơ Măm (tỉnh Kon Tum); dân tộc Ơ Đu (tỉnh Nghệ An).

Ngoài ra còn có đồng bào của 16 nhóm đồng bào dân tộc, 11 địa phương đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (TP Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng).

Trong chuỗi các sự kiện đặc sắc tại Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” sẽ có chương trình tái hiện nghi thức, lễ hội truyền thống, trình diễn di sản đặc sắc của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” như tái hiện nghi thức mở cửa tháp đầu năm mới của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận. Đây là một nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng của dân tộc Chăm nhằm tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cầu cho toàn thể bà con nhân dân luôn có sức khỏe, bình an. Mục đích của lễ mở cửa tháp nhằm dâng lễ vật cho các vị thần đền tháp cho mưa thuận, gió hòa, dân làng khỏe mạnh, được phép khai mương, đắp đập chuẩn bị gieo trồng.

Những hình ảnh tại “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc. Ảnh: Khánh Huy

Những hình ảnh tại “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc. Ảnh: Khánh Huy

Tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận sẽ mang đến những trải nghiệm khó quên. Lễ ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc Raglai là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, diễn ra vào thời điểm thu hoạch lúa mới, khi mùa màng bội thu. Lễ hội này nhằm tạ ơn các vị thần và tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, đồng thời cầu mong những vụ mùa sau sẽ tiếp tục được tốt đẹp. Để tổ chức lễ ăn mừng đầu lúa mới, trước khi lễ hội được diễn ra đồng bào đã phân công nhau chuẩn bị làm cây nêu và các lễ vật dâng cúng như lúa mới, gà, rượu cần, trầu cau, cá rừng, cua đá…và đặc biệt trong mâm lễ nhất định phải có cá rừng và cua đá, đồng bào Raglai dùng nến bằng sáp ong để làm lễ.

Tái hiện lễ hội Khai hạ và giới thiệu trình diễn lịch Tre - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Đây là lễ hội tiêu biểu nhất của dân tộc Mường, mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công mở đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và những điều tốt đẹp đến với mọi nhà. Lễ hội là hoạt động văn hóa tín ngưỡng mang tính cộng đồng, gắn với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà, thân mẫu của Đức Thánh Tản, người đã chỉ dạy cho con dân Mường Bi cách làm ruộng, cách ăn, cách ở; Tản viên Sơn Thánh, con rể của Vua Hùng Vương thứ 18, người có công giúp Vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho Nhân dân; Ải Lý, Ải Lo, hai vị thần đã dạy con dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước làm nông nghiệp... Lễ hội Khai hạ là dịp để người Mường tạ ơn thần linh, tổ tiên và cầu mong sự thịnh vượng cho cộng đồng trong năm mới. Đây là lễ hội gắn liền với nông nghiệp, thể hiện lòng biết ơn đối với thiên nhiên.

Những hình ảnh tại “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc. Ảnh: Khánh Huy

Những hình ảnh tại “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc. Ảnh: Khánh Huy

Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào mùa xuân và thể hiện gần như đầy đủ nét văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào Mường. Sau khi tiến hành phần nghi thức lễ Khai hạ do thầy Mo thực hiện gồm có lễ rước kiệu; đánh thức chiêng, cúng khai hạ; tiếp đến là phần đánh trống khai hạ mở ra không gian rộn ràng trong không khí mùa xuân với hội xuống đồng, các trò chơi dân gian truyền thống và sẽ kết hợp giới thiệu lịch Tre (lịch Đoi/Roi) của dân tộc Mường - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lịch Tre có vai trò đặc biệt trong cuộc sống cộng đồng người Mường, là khối tài sản về tri thức dân gian vô giá. Bên cạnh cách tính lịch phương Tây thông dụng, tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người, mỗi gia đình người Mường ở Hòa Bình đều dựa vào cách tính cát, hung của bộ lịch Tre.

Nhân dịp này, Ban tổ chức còn giới thiệu trích đoạn nghi thức: hát múa ăn mừng dưới cây bông (kin chiêng booc mạy) của dân tộc Thái, tỉnh Thanh Hóa. Nghi thức hát múa ăn mừng dưới cây bông của dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa là một phong tục đặc trưng trong dịp Tết Nguyên đán diễn ra vào đầu năm mới, với mục đích tạ ơn thần linh, mở hội ăn mừng sau một năm lao động vất vả, cầu cho dân làng bình an, khỏe mạnh, ngô lúa tốt tươi. Trong nghi lễ này, đồng bào Thái trồng và trang trí một cây bông (hoặc cây hoa) như biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở, sự phát triển và may mắn trong năm mới.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ton-vinh-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-cac-dan-toc-viet-nam-408685.html