Tôn vinh nghệ nhân, giữ nghề truyền thống
Trong thời gian qua, hoạt động của các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần tăng giá trị sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.
Ghi nhận, biểu dương
Bình Dương được biết đến là cái nôi của làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nam bộ như sơn mài, chạm trổ điêu khắc, gốm sứ, heo đất, mây tre đan, sản xuất nhang, bánh tráng, guốc... Cùng với đó là các ngành nghề mới như sinh vật cảnh đang ngày càng phát triển. Các ngành nghề đã và đang đem lại những tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo tồn, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống và sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 30-9-2015 quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, “Người có công đưa nghề mới về địa phương” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chi cục Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của hội đồng công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, “Người có công đưa nghề mới về địa phương” trên địa bàn tỉnh. Việc công nhận tiến hành 3 năm 1 lần.
Ông Nguyễn Phong Huy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết trong năm 2023, chi cục đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện, thị, thành phố, các hiệp hội ngành nghề tổ chức triển khai Quyết định số 42; đồng thời, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2228/QĐ-UBND ngày 31-8- 2023 về việc kiện toàn Hội đồng xét công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi tỉnh Bình Dương, người có công đưa nghề mới về địa phương. Hội đồng cấp tỉnh xét công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương” đã tiếp nhận 12 hồ sơ cá nhân, trong đó có 11 hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương” và 1 hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”. Các cá nhân nộp đơn đề nghị Hội đồng cấp tỉnh xem xét tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao để đủ điều kiện xét công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi.
Kết quả, 11 hồ sơ được công nhận “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, 1 hồ sơ được công nhận “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”. Các danh hiệu công nhận hoạt động trong các ngành nghề, gồm: Sinh vật cảnh, gốm sứ và trồng, chăm sóc hoa lan. “Đây là sự ghi nhận và tôn vinh công lao đóng góp của những nghệ nhân, thợ giỏi đã và đang cống hiến trí tuệ, tài năng, sức lực tạo ra những sản phẩm thủ công độc đáo, có giá trị kinh tế cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời khôi phục, duy trì, bảo tồn những nét tinh hoa, giá trị của làng nghề, nâng cao uy tín, thương hiệu cho các làng nghề trong quá trình hội nhập”, ông Nguyễn Phong Huy chia sẻ thêm.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Việc công nhận nghệ nhân và thợ giỏi tỉnh Bình Dương có vai trò quan trọng, ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những nghệ nhân, thợ giỏi đang cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực cho việc khôi phục, gìn giữ và phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đáp ứng mong muốn của các nghệ nhân, thợ giỏi tiếp tục duy trì, phát triển ngành nghề, tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ, khôi phục nghề truyền thống và thu hút các ngành nghề mới về địa phương.
Tiếp tục duy trì, phát triển
Việc xét công nhận các danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, người có công đưa nghề mới về địa phương có vai trò quan trọng nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về địa phương; khuyến khích những nghệ nhân, thợ giỏi tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển nghề nghiệp và thu hút các ngành nghề mới về tỉnh, khôi phục nghề truyền thống bị mai một, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Ông Nguyễn Phong Huy cho biết việc công nhận với mục đích khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển nghề nghiệp và thu hút các ngành nghề mới về tỉnh, khôi phục nghề truyền thống đang bị mai một, tích cực truyền nghề - dạy nghề cho thế hệ trẻ, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương. Hoạt động của những nghệ nhân, thợ giỏi góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Đây chính là lực lượng đang góp phần gìn giữ và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề truyền thống, thu hút khách du lịch đến các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định rằng việc gắn bó và tâm huyết với nghệ thuật, được tôn vinh, thừa nhận tay nghề, danh hiệu là động lực để các nghệ nhân tiếp tục sáng tạo, thổi hồn vào từng tác phẩm, góp phần duy trì, phát triển ngành nghề, nhất là gìn giữ và phát triển ngành nghề truyền thống của Bình Dương.
Danh sách “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”
1. Trần Lê Minh Trí, sinh năm 1992, nơi thường trú: 75/36/4, đường Huỳnh Văn Cù, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Nghề: Trồng hoa sứ.
2. Nguyễn Tấn Vũ, sinh năm 1977, nơi thường trú: 65/12, khu phố Mỹ Hảo 2, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Nghề: Bonsai, tiểu cảnh.
3. Trần Văn Vân, sinh năm 1948, nơi thường trú: 1294/24, Lê Hồng Phong, khu phố 8, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Nghề: Bonsai, kiểng cổ.
4. Lê Thành Trung, sinh năm 1951, nơi thường trú:179/39/5, khu 8, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Nghề: Trồng hoa lan.
5. Thạch Thị Kim Hoa, sinh năm 1992, nơi thường trú: Ấp Căm Xe, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Nghề: Trồng và chế tác tác phẩm hoa lan.
6. Nguyễn Ngọc Thành, sinh năm 1982, nơi thường trú: Ấp Long Điền, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Nghề: Trồng và chế tác tác phẩm hoa lan.
7. Nguyễn Minh Nhựt, sinh năm 1981, nơi thường trú: Xã Tân Định, Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Nghề: Trồng hoa lan công nghiệp.
8. Lê Toàn Vinh, sinh năm 1972, nơi thường trú: Tổ 7, khu phố 1B, phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát, Bình Dương. Nghề: Trồng hoa lan và bonsai.
9. Nguyễn Thanh Châu, sinh năm 1981, nơi thường trú: 12/1 KP.Hòa Long, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nghề: Trồng và chế tác các bộ môn sinh vật cảnh.
10. Từ Quang Vinh, sinh năm 1957, nơi thường trú: 17D/1 KP.Thạnh Lợi, phường An Thạnh, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nghề: Trồng và chế tác các bộ môn sinh vật cảnh.
11. Trương Tư, sinh năm 1950, nơi thường trú: 463 khu phố Hưng Lộc, phường Hưng Định, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nghề: Gốm sứ cổ truyền.
Danh sách “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”
1. Nguyễn Minh Trọng, sinh năm 1989, nơi thường trú: B79k KP.Bình phước, phường Bình Nhâm, TP.Thuận An, Bình Dương. Ngành nghề: Trồng và chăm sóc hoa lan.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/ton-vinh-nghe-nhan-giu-nghe-truyen-thong-a310955.html