Tôn vinh những 'sứ giả của hòa bình' qua sách ảnh

Mất gần 9 tháng với 3 chuyến vào Quảng Trị, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á (sinh năm 1968), trú tại TP. Hồ Chí Minh đã cho ra đời cuốn sách ảnh mang tên 'Biệt đội giữ bình yên đất lửa'. Thông qua cuốn sách này, ông đã giúp mọi người thấy rõ hơn nhiệm vụ nguy hiểm, sự hy sinh thầm lặng của những người chuyên rà phá, xử lý bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Một bức ảnh ấn tượng trong cuốn sách ảnh “Biệt đội giữ bình yên đất lửa” - Ảnh: NGUYỄN Á

Một bức ảnh ấn tượng trong cuốn sách ảnh “Biệt đội giữ bình yên đất lửa” - Ảnh: NGUYỄN Á

9 tháng thai nghén

Tuy mới ra mắt nhưng cuốn sách “Biệt đội giữ bình yên đất lửa” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người yêu thích nhiếp ảnh. Cầm cuốn sách ảnh trên tay, nhiều người không thể rời mắt trước những khung hình, nhân vật, câu chuyện… Ai cũng muốn tiếp xúc với những con người bằng da, bằng thịt trong từng bức ảnh. Sự ghi nhận ấy khiến nhiếp ảnh gia Nguyễn Á rất vui mừng.

“Tôi đã mất 9 tháng để cho ra đời cuốn sách ảnh này. Đây là quãng thời gian thai nghén với rất nhiều cảm xúc. Vì vậy, tôi hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được mọi người đón nhận”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chia sẻ.

Ở Việt Nam, nhiều người không mấy xa lạ với nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Ông đã có 35 năm gắn bó với chiếc máy ảnh. Trong khoảng thời gian làm nghề, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á từng tổ chức 19 cuộc triển lãm và cho ra đời 18 cuốn sách ảnh.

Theo chiều tăng của uy tín, thương hiệu, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á càng khắt khe hơn với hoạt động tác nghiệp, sáng tạo nghệ thuật của mình. Để có từng cuốn sách ảnh, tấm hình ấn tượng, ông đã đổ biết bao mồ hôi, công sức, thậm chí dám dấn thân vào nguy hiểm. Đó cũng chính là điều khiến mọi người thêm quý trọng ông.

Trên dặm dài thiên lý Bắc Nam, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á từng nhiều lần đặt chân đến Quảng Trị. Năm 2008, ông chọn hai người con của quê hương Quảng Trị để làm nhân vật của bộ sách ảnh “Họ đã sống như thế”. Một trong hai nhân vật ấy là nạn nhân bom mìn. Tiếp xúc với nhân vật này, nỗi buồn trào dâng trong lòng nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Ông biết chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn để lại trong lòng đất.

Từ sâu thẳm, người nghệ sĩ này mong muốn nỗi đau mang tên tai nạn bom mìn không còn nữa. “Sau này, khi biết ở Quảng Trị có các cán bộ, nhân viên dự án chuyên rà phá, xử lý bom mìn để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân, tôi cảm thấy nguôi ngoai. Tận trái tim mình, tôi rất trân trọng, yêu thương và muốn làm một cuốn sách ảnh về họ”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á bộc bạch.

Đặt chân đến Quảng Trị vào một ngày mưa tầm tã, ông rất bất ngờ khi biết các cán bộ, nhân viên dự án vẫn làm nhiệm vụ bình thường. Vì thế, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á không cho phép mình ngơi nghỉ. Ông nhanh chóng biến trở ngại do cơn mưa gây ra thành cơ hội để khẳng định tay nghề. Cơn mưa cũng đã giúp nhiếp ảnh gia Nguyễn Á hiểu rõ và có thêm xúc cảm về công việc vất vả của những người chuyên rà phá, xử lý bom mìn.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á kể: “Khác với lần đầu tiên, chuyến thứ hai trở lại Quảng Trị, đón tôi là cái nóng đến 400 C. Nhìn những gương mặt đẫm mồ hôi, dường như chuyển màu vì nắng gió của các cán bộ, nhân viên Dự án RENEW/NPA, tôi không thể cầm lòng. Lần thứ 3, cảm xúc trong tôi một lần nữa lại dâng trào khi có những trải nghiệm không thể nào quên với các cán bộ, nhân viên dự án. Tôi cảm phục sự hy sinh thầm lặng của họ. Bản thân tự nhủ phải chuyển tải hết những điều mình đã đi, nghe, nhìn thấy và cảm nhận đến mọi người”.

Tôn vinh sự hy sinh thầm lặng

Triển lãm giới thiệu ra mắt sách ảnh “Biệt đội giữ bình yên đất lửa” và một đứa con tinh thần khác của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á diễn ra vào một ngày đầu thu ở Hà Nội. Rất đông những vị khách trong và ngoài nước đã đến tham dự triển lãm. Ông đã dành nhiều thời gian để lựa chọn khoảng 170 bức ảnh làm chất liệu chính cho cuốn sách ảnh “Biệt đội giữ bình yên đất lửa”. Đi cùng những bức ảnh là nhiều câu chuyện, lời tâm sự cảm động của các cán bộ, nhân viên Dự án RENEW/NPA được thể hiện bằng song ngữ.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á (thứ nhất từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với ba khách mời đến từ Dự án RENEW/NPA - Ảnh: NVCC

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á (thứ nhất từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với ba khách mời đến từ Dự án RENEW/NPA - Ảnh: NVCC

Điều khiến nhiếp ảnh gia Nguyễn Á rất vui mừng là triển lãm có sự góp mặt của 3 cán bộ, nhân viên Dự án RENEW/NPA gồm: Quản lý Chương trình NPA tại Dự án RENEW Nguyễn Thị Diệu Linh, Đội trưởng Đội Xử lý bom mìn lưu động Hoàng Kim Chiến và Đội phó Đội Rà phá khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ Phan Thị Thu Hương.

Trước đó, khi gửi lời mời vào Quảng Trị, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á dấy lên hy vọng bắc một nhịp cầu để công chúng có dịp gặp gỡ, chuyện trò với những người mà ông gọi là “sứ giả của hòa bình”. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á nói: “Mọi sự cống hiến, hy sinh đều xứng đáng được đền đáp. Tôi mong muốn những người đang thầm lặng làm công việc vất vả, nguy hiểm này được ghi nhận, tôn vinh bằng một cách nào đó. Đó là lý do thôi thúc tôi mở triển lãm này”.

Cũng bởi suy nghĩ ấy, tại triển lãm, có những thời điểm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã lùi về phía sau để khán giả có dịp giao lưu, trò chuyện nhiều hơn với các cán bộ, nhân viên Dự án RENEW/ NPA. Đó cũng là điều khiến chị Diệu Linh và đồng nghiệp rất cảm động.

Với sự chân thành, chị Diệu Linh gửi lời cảm ơn đến nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vì đã dành nhiều tâm huyết để ghi lại trọn vẹn những khoảnh khắc làm nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên Dự án RENEW/NPA và tạo cơ hội để họ có mặt tại triển lãm. Chị Linh khẳng định, chính nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã giúp nhiều người biết rõ hơn về công việc mà cán bộ, nhân viên dự án đang làm.

Trong cuộc trò chuyện, chị Diệu Linh đã chia sẻ về vụ tai nạn trong khi làm nhiệm vụ đã cướp đi một đội trưởng đáng kính của dự án. Theo chị Linh, lâu nay, cán bộ, nhân viên dự án luôn duy trì tính đoàn kết, kỷ luật cao, tuân thủ chặt chẽ quy trình của tổ chức. Dẫu vậy, đây vẫn là công việc mang tính nguy hiểm cao, tiềm ẩn những rủi ro. Do đó, cán bộ, nhân viên nào của dự án cũng không được phép bất cẩn, sai sót bởi họ không có cơ hội để sửa chữa.

“Điều đáng nói là dù có cẩn thận đến mức nào thì tỉ lệ nguy hiểm đối với chúng tôi vẫn không thể là số 0. Sau khi đồng đội mất, dẫu bàng hoàng, chúng tôi vẫn cố gắng vực dậy, ổn định tinh thần. Chúng tôi biết rằng mình càng cần phải kiên định hơn và tiếp tục với sứ mệnh làm cho Quảng Trị an toàn khỏi tác động bởi bom mìn, vật nổ”.

Những chia sẻ của chị Diệu Linh và các đồng sự khiến nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cùng nhiều khán giả rất xúc động. Mọi người thực sự tôn trọng, khâm phục khi biết về những con số “biết nói” liên quan đến công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị. Ai cũng nghĩ, những nỗ lực, cống hiến ấy xứng đáng được ghi nhận là chiến công giữa thời bình. Và các cán bộ, nhân viên Dự án RENEW/NPA cùng những người cũng đang thầm lặng làm nhiệm vụ này đáng được tôn vinh.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/ton-vinh-nhung-su-gia-cua-hoa-binh-qua-sach-anh/179332.htm