Tôn vinh vẻ đẹp dòng Hương
Hai tuyến đường đi bộ ven sông Hương hình thành không chỉ mở ra không gian sống chất lượng mà còn tạo nên những điểm nhấn sinh động, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của dòng Hương.

Tuyến đường ven sông đẹp như tranh vẽ
Hưởng lợi từ các công trình
5 giờ sáng, ông Nguyễn Lân sống ở phường Gia Hội (quận Phú Xuân) bắt đầu ngày mới bằng đi bộ từ cầu Gia Hội men theo tuyến đường dọc sông Hương phía sau chợ Đông Ba đến chân cầu Nguyễn Hoàng và ngược lại, sau đó dừng lại bên công viên Phú Xuân để tập thể dục. Hành trình ấy là cách giúp ông tận hưởng cuộc sống và cảm nhận sự thay đổi của thành phố. “Gần đây, Huế ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, đặc biệt là chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương. Hai tuyến đường ven sông không chỉ làm đẹp thêm cho dòng sông Hương mà còn đưa người dân hòa mình vào thiên nhiên và hưởng lợi từ các công trình”, ông Lân chia sẻ.
Nhiều du khách khi tham quan, dạo bộ bên dòng Hương cũng đều thích thú với không gian và cảnh quan nơi đây. Đặc biệt, từ khi cầu Nguyễn Hoàng thông xe, tại khu vực chân cầu thuộc phường Kim Long mỗi ngày thu hút hàng trăm người dân và du khách đến check-in, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây cầu cũng như không gian hai bờ sông.
Để “thay áo mới” cho không gian đôi bờ sông Hương, cùng với các dự án (DA) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, từ năm 2021, UBND tỉnh (nay là thành phố Huế) đã phê duyệt chi tiết quy hoạch hai bờ sông Hương, dài 15km từ đồi Vọng Cảnh về phố cổ Bao Vinh. Phạm vi lập quy hoạch 5 cụm trung tâm, gồm: khu vực trung tâm TP. Huế (cũ) và 4 khu phụ trợ là Phường Đúc, Thủy Biều, Vọng Cảnh và Tiên Nộn - một làng quê thuộc xã Phú Mậu (nay là phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa).
Đề án quy hoạch còn tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan phân theo 3 vùng, từ đồi Vọng Cảnh đến cồn Dã Viên để bảo tồn cảnh quan và quản lý tài nguyên văn hóa lịch sử; vùng trung tâm đô thị từ cồn Dã Viên đến cồn Hến và vùng hạ lưu từ cồn Hến đến phố cổ Bao Vinh để bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên sinh thái. Giáp sông Hương có các tuyến đường: Kim Long, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa, Lê Lợi...
Theo UVTV Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thuận Hóa Phan Thiên Định, hiện đã xây dựng hoàn chỉnh 2 tuyến đường ven sông từ chợ Đông Ba lên chùa Thiên Mụ (phía bắc) và từ bến Tòa Khâm đến cồn Dã Viên (phía nam); cùng với chỉnh trang các công viên, bến thuyền, xây dựng sân khấu ngoài trời ở khu vực bia Quốc Học. Đồng thời, quận Thuận Hóa tiếp tục triển khai các DA xây dựng các tuyến đường nối từ bến Tòa Khâm đến chân Đập Đá và từ cồn Dã Viên đến chân cầu Nguyễn Hoàng, nhằm kết nối và hình thành các tuyến đường ven sông phục vụ nhu cầu dân sinh và tham quan, dạo bộ.
Kết nối không gian đô thị
Không gian hai bờ sông Hương ngày càng thông thoáng và hiện đại. Các tuyến đường đi bộ không chỉ nối dài mà còn được bố trí hài hòa giữa yếu tố cảnh quan và công năng sử dụng. Cây xanh được giữ lại tối đa; thảm cỏ, vỉa hè, bến thuyền đều được thiết kế gắn liền với thiên nhiên, không làm xáo trộn “dòng chảy xanh” của đô thị Huế. Nhờ vậy, hai tuyến đường ven sông trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi người dân đi bộ, đạp xe, tập thể dục; nơi du khách ngắm nhìn dòng Hương giữa không gian xanh mướt với điểm nhấn là cầu gỗ lim và các bến thuyền, công viên, điểm xanh...
Thành phố Huế và 2 quận Phú Xuân, Thuận Hóa đang tiếp tục triển khai đầu tư thêm các thiết chế văn hóa, dịch vụ, như: Nhà vệ sinh công cộng, sân khấu ngoài trời, không gian sách, quán cà phê, các điểm biểu diễn nghệ thuật đường phố… Các bến thuyền Tòa Khâm, bến số 5, khu vực cầu Trường Tiền, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu hay các công viên Phú Xuân, Kim Long đang dần trở thành những điểm nhấn sinh động và hấp dẫn. Đặc biệt, các tuyến du thuyền từ Bến số 5 đến chùa Thiên Mụ đang được khuyến khích phát triển, tạo điều kiện cho du khách chiêm ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của dòng Hương, đồng thời góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ.
Bí thư Quận ủy Thuận Hóa Phan Thiên Định cho biết thêm, gần đây, UBND TP. Huế (cũ) và quận Thuận Hóa từng bước hình thành các thiết chế dọc 2 bờ sông góp phần tạo nên một không gian sinh động, đồng thời tạo thêm các tiện ích phục vụ người dân, du khách. Hàng loạt nhà vệ sinh công cộng với kiến trúc hiện đại kết hợp quầy giải khát hay các trạm dừng lần lượt ra đời. Tiếp đến là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các câu lạc bộ, không gian sách, không gian dịch vụ công cộng... hình thành ở hai tuyến đường ven sông. Thành phố tập trung khai thác trục đường Lê Lợi, điểm nhấn là không gian ở số 15, 23 - 25 Lê Lợi, khu vực bến Tòa Khâm, bến số 5 Lê Lợi nhằm từng bước tạo điều kiện cho người dân, du khách có không gian vui chơi, giải trí.
Thành phố đang tiếp tục đầu tư tuyến cầu bắc qua sông An Cựu nối vòng khép kín cho khu vực dọc sông Hương. Khán đài khu vực bia Quốc Học cũng tiếp tục được chỉnh trang kéo dài đến bến số 5. Đến cuối năm 2025, toàn bộ các DA chỉnh trang dọc hai bờ sông Hương khu vực phía nam sẽ hoàn thành. Khi đó, Huế sẽ có một trục không gian xanh xuyên suốt từ chân Đập Đá đến chân cầu Nguyễn Hoàng, kết nối với tuyến đường ven sông từ chân cầu Gia Hội đến chùa Thiên Mụ ở bờ bắc, tạo nên 2 tuyến đường ven sông vừa hoàn thiện hạ tầng, vừa đảm bảo cảnh quan và công năng sử dụng. Cùng với đó là không gian hai bên bờ sông hình thành và nối kết các điểm văn hóa, lịch sử, không gian sách…, tạo điều kiện để người dân và du khách tiếp cận sông Hương gần gũi và thân thiện.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/ton-vinh-ve-dep-dong-huong-153127.html