Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc: Tiếp nối dòng chảy lịch sử

Tỉnh Quảng Đông là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18/8 đến ngày 20/8/2024 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Theo chương trình, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Công viên Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, dâng hoa tại mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái; thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng sẽ hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Khôn Minh; gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao đã đến thăm Di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao đã đến thăm Di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

Chặng dừng chân đầu tiên của Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta tới tỉnh Quảng Đông thể hiện tình cảm và sự coi trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông, một tỉnh không chỉ gần gũi về mặt địa lý mà còn có lịch sử gắn bó sâu sắc với Việt Nam.

Cách đây đúng 100 năm, thực hiện mong muốn của mình và được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, ngày 11/11/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ thủ đô Mátxcơva đã đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với tên gọi Lý Thụy trên cương vị phái viên của Quốc tế Cộng sản trong phái bộ của Cố vấn M.M.Borodin bên cạnh chính phủ Tôn Trung Sơn.

Đây cũng chính là nơi nhiều bậc tiền bối cách mạng Việt Nam từng sinh sống và hoạt động cách mạng, là nơi có những di tích lịch sử cách mạng như nhà lưu niệm Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, mộ anh hùng liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Đây cũng chính là nơi tờ Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên phát hành số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, sau này được chọn là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

 Di tích lưu niệm trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Di tích lưu niệm trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lựa chọn thành phố Quảng Châu không phải là ngẫu nhiên. Các nhà nghiên cứu cho biết, trong những năm 1923 - 1924, Quảng Châu đang được mệnh danh là “Mátxcơva của phương Đông”, thu hút nhiều nhà cách mạng đến từ những quốc gia bị áp bức. Hình thức cách mạng Trung Quốc có nhiều thay đổi lớn, phong trào cách mạng với Quảng Châu làm trung tâm đã thu được nhiều thắng lợi. Quảng Châu khi đó là nơi tập trung một lớp thanh niên mới đầy nhiệt huyết đến từ Việt Nam, theo lời kêu gọi của nhà cách mạng dân chủ Phan Bội Châu, tham gia tổ chức Việt Nam Quang phục Hội ở Quảng Châu mà nhiều người trong số này trở thành những chiến sĩ cộng sản xuất sắc như: Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu.

Cùng đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải nhanh chóng tìm đến Quảng Châu, một địa điểm gần với Việt Nam, có điều kiện tương đối thuận lợi để triển khai những công việc cần thiết, sớm thực hiện mục tiêu về nước phát triển phong trào cách mạng. Đó là việc mở lớp huấn luyện cho những thanh niên yêu nước Việt Nam có mặt tại Quảng Châu về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, lôi cuốn thanh niên từ trong nước sang, huấn luyện xong lại cử họ về nước hoạt động, tuyên truyền cách mạng. Từ kết quả huấn luyện đào tạo, sẽ lập ra một số tổ chức cách mạng của thanh niên, chọn lọc trong đó những phần tử trung kiên, chuẩn bị hạt nhân để tiến tới thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.

Như vậy, Quảng Châu đã được Nguyễn Ái Quốc chọn là một điểm dừng chân, một địa bàn hoạt động, một “căn cứ địa quốc tế” của cách mạng Việt Nam. Giai đoạn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu tuy không dài (từ năm 1924 đến 1927) nhưng không chỉ có tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng của Việt Nam mà còn góp phần quan trọng trong phong trào cách mạng Trung Quốc cũng như Quốc tế Cộng sản.

Ở Quảng Châu, bên cạnh việc tiến hành công tác tuyên truyền và tổ chức cho phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị tốt cho việc thành lập chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình trực tiếp tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc.

Cũng tại đây lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã xây dựng được mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà cách mạng của Trung Quốc, về sau trở thành các vị lãnh đạo cao cấp như vợ chồng Thủ tướng Chu Ân Lai - Đặng Dĩnh Siêu; bà Tống Khánh Linh (vợ Tôn Trung Sơn) cùng nhiều nhà cách mạng, nhân sĩ tiền bối khác của Trung Quốc. Thời gian hoạt động tại Quảng Châu của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể nói đã đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ tương hỗ, tương trợ, cùng đấu tranh giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc qua các thời kỳ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chụp ảnh chung với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chụp ảnh chung với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam

Tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược; đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; tiếp tục xác định nền ngoại giao toàn diện, hiện đại gồm ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn. Bên cạnh những hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Trung Quốc, dự kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương bên lề; đồng thời chủ trì ký kết/trao một số văn kiện hợp tác nhân dịp chuyến thăm.

Đi cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Trung Quốc còn có lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương như: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Công Nghiệp, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hợp tác quốc tế về kinh tế, Văn phòng Bộ, Báo Công Thương…

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tham-cap-nha-nuoc-toi-trung-quoc-tiep-noi-dong-chay-lich-su-339803.html