Tổng Bí thư: Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôiTổng Bí thư: Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi
Tiếp xúc cử tri 3 quận tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, một điểm mới được thực hiện trong thời gian qua là đã cho rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao thôi chức và khuyến khích xin thôi. 'Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng', Tổng Bí thư chỉ rõ.
Sáng 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Dự cuộc tiếp xúc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn...
Đề nghị tăng nặng các chế tài xử lý tham nhũng
Sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội báo cáo dự kiến nội dung kỳ họp thứ 5 và báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri 3 quận tại kỳ tiếp xúc trước, cử tri bày tỏ ủng hộ tuyệt đối và ngày càng tin tưởng sâu sắc vào đường lối, quyết sách hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như các quyết định hết sức đúng đắn, phù hợp, sáng tạo, sát với tình hình thực tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế và đối ngoại.
Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo, điều hành sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng sự cố gắng của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội thời gian qua, tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân Thủ đô và địa phương ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường và mở rộng; đời sống nhân dân được cải thiện, tình hình phục hồi và phát triển kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều trở lại hoạt động bình thường.
Một số ý kiến cử tri cũng nhận định, qua các kỳ họp đột xuất vừa qua, Quốc hội đã kiện toàn công tác tổ chức, nhân sự của Nhà nước, Chính phủ theo quy chế do Quốc hội bầu rất khẩn trương, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri cũng bày tỏ tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).
Cử tri Nguyễn Thu Vân (Hai Bà Trưng) nêu rõ, một số vụ tham nhũng lớn vừa qua xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương, có tính hệ thống, liên kết với nhau cùng thực hiện hành vi tham nhũng trên phạm vi rất rộng. Từ đó, bà đề nghị xử lý thật nghiêm các vụ việc.
“Cử tri mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTNTC, hoàn thiện hệ thống quy định, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng nặng các chế tài xử lý bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe; xây dựng và thực thi các cơ chế về kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, quan tâm cải cách tiền lương để cán bộ không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần và không muốn tham nhũng”, cử tri Nguyễn Thu Vân nói.
Cử tri Lê Đức Hạnh (Ba Đình) đề nghị tiếp tục xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, tiêu cực và có biện pháp xử lý đối với các cán bộ sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, làm việc cầm chừng...
Tại cuộc tiếp xúc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đã trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan thẩm quyền của thành phố.
PCTN thể hiện quyết tâm của Đảng vì dân, vì đất nước
Thay mặt đoàn ĐBQH Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến ngắn gọn, tập trung, sâu sắc, tâm huyết và có trách nhiệm của cử tri, nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường nhưng đất nước vẫn đạt được những thành quả hết sức quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận, Tổng Bí thư nhắc lại: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là kết quả của sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, sự quyết liệt của các cơ quan nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc đồng lòng và sự ủng hộ của quốc tế, nhưng chúng ta cũng không được chủ quan, tự mãn về những kết quả đạt được.
Trao đổi với đông đảo cử tri 3 quận, Tổng Bí thư cho biết, Quốc hội thực hiện các chức năng, xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. ĐBQH là do dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
"Nhà nước hoạt động theo pháp luật nhưng mà phải có sự lãnh đạo của Đảng, tôi nghĩ đó là điều cực kỳ quan trọng nhưng dân mới là quyết định. Dân bầu các ĐBQH, giám sát và các ĐBQH phải tiếp thu, phản ánh cho được tâm tư nguyện vọng ý chí, quyết tâm của người dân, phải dựa vào dân; tất cả vì dân. Vậy tại sao trước mỗi kỳ họp Quốc hội phải tiếp xúc cử tri, vì cử tri là đại diện cho tiếng nói của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, để bàn những việc hệ trọng của đất nước. Sau khi đã có ý kiến rồi thì Quốc hội bàn và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tôi xin nhấn mạnh lại Đảng, lãnh đạo về đường lối, chủ trương về bố trí cán bộ, chứ đảng không làm thay chính quyền được. Vai trò của Quốc hội phải giám sát tối cao trên cơ sở lắng nghe ý kiến của dân, Tổng Bí thư nêu rõ.
Liên quan công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho hay PCTN hiện nay không chỉ phòng, chống tham nhũng mà cả tiêu cực. PCTN không phải nội bộ đánh nhau, phe nọ đánh phe kia mà thể hiện quyết tâm của Đảng vì dân, vì đất nước.
Thông tin về cơ bản những vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được đưa ra xét xử trong thời gian qua và có một vài cá nhân trốn đi nước ngoài, Tổng Bí thư cho rằng, trốn cũng không được vì Tòa sẽ xử vắng mặt. Khi không còn là công dân mà đã trở thành tội phạm thì các nước không có quyền chứa chấp. Khi đó, theo luật pháp quốc tế, chúng ta có quyền phối hợp với nước đó để bắt về. “Có mà chạy đằng trời, trốn cũng không được. Đấu tranh phải quyết liệt", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, một điểm mới được thực hiện trong thời gian qua là đã cho rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao thôi chức và khuyến khích xin thôi. "Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng. Hiện nay, việc này đã tạo sức răn đe, cảm hóa rất lớn, đi vào nền nếp ở các cấp, các ngành", Tổng Bí thư chỉ rõ.
Cũng theo Tổng Bí thư, đấu tranh PCTN cần phải kiên trì, quyết tâm hơn nữa bởi nó liên quan lợi ích của nhân dân. Nếu không quyết tâm thì đến lúc nào đó sẽ làm hư hỏng bộ máy, hư hỏng cán bộ, bởi cán bộ có chức quyền dễ bị lợi dụng. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng đề nghị cử tri và nhân dân đã ủng hộ, tiếp tục quan tâm ủng hộ hơn nữa tạo thành sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân để thực hiện được cuộc chống giặc nội xâm này.